Thuê bao "chết" trong vùng phủ sóng vì thiết bị kích sóng

Thuê bao "chết" trong vùng phủ sóng vì thiết bị kích sóng ảnh 1

Các thiết bị kích sóng di động vẫn đang được rao bán trên mạng.

Hà Nội phát hiện nhiều thiết bị kích sóng gây nhiễu

Gần đây, trên thị trường trong nước xuất hiện rầm rộ đủ loại thiết bị có tên gọi là máy kích sóng hoặc tăng sóng di động GSM với khoảng 40 loại khác nhau xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… và có giá bán từ trên 3 triệu đồng cho tới trên dưới 20 triệu đồng tùy loại, thương hiệu, phạm vi độ phủ sóng. Thiết bị kích sóng di động là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng GSM các loại băng tần (tùy theo thiết bị) tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu. Các loại thiết bị này nằm trong Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động. Đây không phải là sản phẩm thông dụng vì việc sử dụng thiết bị phải được Bộ TT&TT cấp giấy phép sử dụng tần số theo quy định của Luật Tần số Vô tuyến điện. Hiện cả nước chỉ có 5 nhà mạng di động được cấp phép sử dụng thiết bị kích sóng di động. Việc sử dụng và kinh doanh các loại thiết bị này khi không được Bộ TT&TT cấp phép là vi phạm pháp luật, gây can nhiễu cho các mạng di động do không được giám sát kỹ thuật thường xuyên của đơn vị có thiết bị kiểm tra hệ thống thông tin di động.

Mới đây, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định trong hoạt động cung cấp, sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn thành phố. Qua đợt kiểm tra này, phát hiện hành vi kinh doanh thiết bị kích sóng di động không được gắn tem hợp quy, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ do doanh nghiệp mua hàng trôi nổi trên thị trường. Sở TT&TT Hà Nội đã tiến hành xử phạt với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 2.850.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.

Ngày càng nhiều người dân sử dụng thiết bị kích sóng

Theo thông tin từ Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), trong thời gian từ cuối quý II/2012 đến nay, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực I liên tục nhận được các báo cáo của các nhà mạng di động MobiFone, VinaPhone, Viettel và Vietnamobile về hiện tượng can nhiễu mạng thông tin di động băng tần GSM900 và E-GSM900. Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, hiện tượng can nhiễu ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ của các nhà mạng thông tin di động, gây rớt cuộc gọi tỷ lệ cao, làm gián đoạn liên lạc giữa máy di động và trạm gốc.

Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực I đã liên tục phối hợp đo kiểm soát can nhiễu và xác định nguyên nhân của các vụ can nhiễu trên đều do các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Hà Nội tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng thông tin di động băng GSM900 không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng can nhiễu đến băng tần uplink của các mạng thông tin di động sử băng tần GSM900 và E-GSM900. Các khu vực người dân tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng nhiều như: khu vực Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thụy Khuê, Thái Hà… Qua đo khảo sát tín hiệu đường xuống băng GSM900 của các mạng thông tin di động tại các khu vực trên xác định chất lượng sóng di động yếu, do đó người dân tự ý lắp đặt các thiết bị kích sóng để tăng cường chất lượng.

Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực I khi phát hiện ra các thiết bị gây can nhiễu trên đã làm việc với các đơn vị sử dụng, thông báo việc tự ý lắp đặt và sử dụng thiết bị kích sóng thông tin di động là vi phạm các qui định của Nhà nước về quản lý tần số vô tuyến điện. Trung tâm I yêu cầu các đơn vị trên dừng ngay việc sử dụng, đồng thời khuyến nghị người dân nên phản hồi về tình hình chất lượng dịch vụ thông tin di động trong khu vực đến các nhà mạng để có các giải pháp kỹ thuật triệt để nâng cao chất lượng phủ sóng.

Phản ánh với Báo Bưu điện Việt Nam, một số người dân ở khu vực Đống Đa (Hà Nội) cho biết là do không có sóng di động trong nhà nên họ buộc phải sử dụng thiết bị kích sóng để có thể sử dụng được dịch vụ. Hầu hết người dân dùng thiết bị kích sóng này không biết đây là thiết bị cấm sử dụng. Trong khi đó, các mạng di động lại cho rằng nguyên nhân sóng yếu không phải do nhà mạng, mà nhiều điểm tại Hà Nội không thể lắp đặt trạm thu phát sóng BTS do người dân phản đối. Vì vậy, nhiều điểm ở Hà Nội trở thành "vùng lõm" bất đắc dĩ. Các nhà mạng cũng đã sử dụng nhiều giải pháp như dùng trạm lặp để chuyển tiếp sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhưng chỉ cung cấp được trong vùng nhỏ hẹp. Như vậy, bài toán phủ sóng tại Hà Nội đang gặp bất cập vì nhiều người dân không có sóng để sử dụng dịch vụ, trong khi nhà mạng triển khai lắp trạm phủ sóng thì dân lại cản trở không cho lắp.   

Điều 18 của Nghị định 51/NĐ/2011 quy định về hành vi vi phạm các quy định về gây nhiễu có hại

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không đúng quy định trong giấy phép hoặc không đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây nhiễu có hại đối với:

a) Mạng viễn thông cố định công cộng trong nước, quốc tế;

b) Mạng viễn thông dùng riêng, mạng viễn thông chuyên dùng hoặc kênh tần số phát sóng phát thanh, truyền hình hoặc thu, phát sóng vô tuyến điện khác có quy mô trong cả nước;

c) Mạng viễn thông di động công cộng, mạng viễn thông cố định vệ tinh công cộng, mạng viễn thông di động vệ tinh công cộng, mạng thông tin vô tuyến điện hàng hải công cộng.

***

Trước thực trạng doanh nghiệp quảng cáo và kinh doanh tràn lan thiết bị kích sóng di động, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, Sở TT&TT Hà Nội đã kiến nghị Bộ TT&TT khi cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho thiết bị kích sóng di động cần yêu cầu đơn vị xin cấp chứng nhận phải xuất trình giấy tờ liên quan chứng minh là đơn vị nhập khẩu thiết bị kích sóng di động; đồng thời, kiến nghị Bộ TT&TT sửa đổi Thông tư số 14/2011/TT-BTTTT để quản lý cấp Giấy phép nhập khẩu thiết bị kích sóng có điều kiện (phân biệt rõ thiết bị này với các thiết bị vô tuyến điện khác), yêu cầu doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu thiết bị có thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông di động để tránh hiện tượng nhập khẩu tràn lan.

Theo NT (ICTnews)

Đọc thêm