Thu phí thương quyền trong lĩnh vực viễn thông

Thu phí thương quyền trong lĩnh vực viễn thông ảnh 1
Từ trước tới nay, việc cấp phép các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam vẫn đang được Bộ TT&TT thực hiện miễn phí, xem xét chủ yếu dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, nhà nước chưa thu thương quyền. Đây cũng là lý do vì sao thời gian gần đây có doanh nghiệp viễn thông bị Bộ TT&TT thu lại giấy phép vì sau hai năm mà họ vẫn chưa... chú ý đến việc thiết lập và cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Hiện nay, việc mở cửa thị trường cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia và bản thân Nhà nước cũng thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông nên sẽ phải thu thương quyền khi cấp phép.Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT, sau khi Nghị định này có hiệu lực, sẽ thu phí thương quyền đối với các giấy phép viễn thông. Có rất nhiều dạng phí thương quyền, có thể thu cố định một năm một lần hoặc thu theo phần trăm doanh thu. Đối tượng thu phí thương quyền trong lĩnh vực viễn thông là các mạng di động, gồm cả mạng ảo và các nhà cung cấp dịch vụ Internet.

Trong quy định thu phí thương quyền viễn thông đang được soạn thảo, Bộ TT&TT đang nghiên cứu kinh nghiệm ở các nước để tính phí thương quyền phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam. Nhìn sang các quốc gia láng giềng như Singapore, Malaysia, Chính phủ các nước này thu phí thương quyền khoảng 1% doanh thu/năm đối với doanh nghiệp có hạ tầng mạng, và doanh nghiệp không có hạ tầng mạng là 0,5% doanh thu/năm. Với Việt Nam, việc xây dựng phí thương quyền tất nhiên phải được xây dựng sao cho phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp cũng như các quy định khác có liên quan hiện hành.

Việc thu phí thương quyền sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp xin giấy phép mà không cung cấp dịch vụ. Theo đó, nếu sau thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp phép, doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động ghi trong giấy phép mà không có lý do xác đáng sẽ bị thu hồi lại. Doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép muốn xin cấp phép lại phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như trường hợp xin phép mới với lý do tương tự.
Theo Thanh Nhung (Thanh tra)

Đọc thêm