Chuyên mục Kỷ Nguyên Số

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
DANH MỤC
  • Nhịp công nghệ
  • Thiết bị số
  • Tuyệt chiêu
  • Kinh Doanh Online
  • Công Nghệ 4.0
  • Xe Điện
Trang chủ
Kỷ nguyên số
Nhịp công nghệ

Nhịp công nghệ

Thị trường nghệ thuật trực tuyến ngày càng hút khách hàng

Chủ nhật 11/05/2014 10:06
printer envelope zini zini zini zini
Công ty bảo hiểm Hiscox dự đoán giá trị của thị trường nghệ thuật trực tuyến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 3,76 tỷ USD trong 5 năm tới, so với mức 1,57 tỷ USD năm 2013, khi thu hút được sự tham gia ngày càng tăng của giới trẻ và khách hàng mới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: .artmarketblog.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: .artmarketblog.com
Con số trên được đưa ra dựa trên cuộc khảo sát được tiến hành đối với 506 người mua các tác phẩm nghệ thuật trong danh sách của ArtTactic, Twitter và Facebook.

Theo chuyên gia Robert Read, đang làm việc tại Hiscox, những nhà sưu tập trẻ sẽ dễ dàng tìm kiếm và mua được các tác phẩm nghệ thuật trên các trang mạng trực tuyến đang phát triển nhanh chóng, với nhiều mức giá khác nhau.

Báo cáo cho biết gần 25% các nhà sưu tập ở độ tuổi từ 20-30 tuổi được hỏi cho hay họ mua các tác phẩm lần đầu tiên qua mạng trực tuyến.

Trong bối cảnh này, năm ngoái, tập đoàn bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon đã cho khởi động chuyên mục Nghệ thuật và nhà đấu giá trực tuyến eBay cũng lên kế hoạch tạo một chuyên mục để cạnh tranh.

Hiscox nhận định lượng đầu tư tăng mạnh vào các trang như Paddle8, Artsy và Artspace tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng dài hạn của lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật trực tuyến.

Tuy nhiên, Hiscox cho rằng các trang bán đồ nghệ thuật trực tuyến sẽ không "đe dọa" sự "tồn tại" của các phòng trưng bày và nhà bán đấu giá, giống như tác động của Internet đối với lĩnh vực phim ảnh truyền thống, sách vở và âm nhạc. Thay vào đó, loại hình kinh doanh này sẽ cung cấp cho khách hàng thêm một kênh khác để tiếp cận dễ dàng hơn vào các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời làm gia tăng nguồn thu cho ngành.

Theo thống kê, năm 2013, giá trị của thị trường nghệ thuật toàn cầu đã tăng 8% đạt 65,9 tỷ USD và là mức cao nhất kể từ năm 2007.

Công ty Hiscox nhấn mạnh thương mại điện tử trong kinh doanh tác phẩm nghệ thuật sẽ tồn tại song hành với các loại hình kinh doanh truyền thống. Theo báo cáo của Hiscox, mặc dù 39% số người được hỏi cho biết mua hàng trực tuyến tiện lợi hơn so với tới các phòng trưng bày và nhà đấu giá, song vẫn có tới 90% số người mua tới các gian trưng bày trước khi tiếp cận các trang web điện tử.

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng nhìn trực tiếp các tác phẩm là một điều rất quan trọng, với 82% người được hỏi cho rằng khó khăn lớn nhất trong việc mua trực tuyến là không thể đánh giá được giá trị tác phẩm.

Rõ ràng, không phải nhà sưu tập nào cũng quan tâm đến việc mua các tác phẩm nghệ thuật qua mạng Internet. Các chuyên gia nghệ thuật nhận định hình thức bán hàng qua mạng vẫn tiềm ẩn rủi ro đối với khách hàng.

Mặc dù rất quan tâm đến một tác phẩm nhưng họ chỉ được nhìn hình ảnh mà không được tận mắt nhìn thấy. Trong khi đó, khác với các mua bán qua mạng, các phòng triển lãm và nhà đấu giá truyền thống thường trưng bày các đồ vật trong một khoảng thời gian nhất định trước khi rao bán. Các chuyên gia khẳng định điều này rất quan trọng bởi qua đó, khách hàng có thể ghé phòng trưng bày để nhìn ngắm, đánh giá và thẩm định tính xác thực của sản phẩm.

Một số nhà quan sát nhận định hình thức đấu giá trực tuyến hiện chỉ mới phổ biến đối với những khách hàng yêu thích sự tiện lợi do công nghệ mang lại và có sự am tường về tác phẩm. Bên cạnh đó, giải pháp kinh doanh này dường như phù hợp với các bức hội họa bậc trung hơn là các tác phẩm của các danh họa.

Một vấn đề khác đối với việc buôn bán các tác phẩm nghệ thuật là mặt hàng này đang trở thành công cụ rửa tiền trong thế giới ngầm, ngoài những cách "truyền thống" như thông qua sòng bạc hay tạo hóa đơn giao dịch ảo.

Các tác phẩm nghệ thuật được lựa chọn làm phương tiện chuyển tiền vì giá cả không có giới hạn, lại dễ dàng đưa ra khỏi biên giới. Một ưu điểm khác là ngay cả các chuyên gia cũng khó phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật./.

Theo Trà My (TTXVN/Vietnam+)


 

các tin khác

  • Dùng smartphone sẽ không còn lo về pin
  • Người dùng thích đổi điện thoại cũ lấy S5 hơn iPhone 5s
  • Apple đè bẹp Samsung về thỏa mãn người dùng
  • Chuyên gia máy ảnh của Nokia gia nhập Apple
  • 5 điểm được chờ đợi nhất ở iPhone 6
  • Những hình ảnh mới về iPhone 6 chống nước
  • Gmail sắp được đại tu giao diện
  • iPhone 7 có màn hình bao quanh cạnh máy và nút ảo?
  • iPad sắp chạy được 2 ứng dụng một lúc nhờ iOS 8

tin đọc nhiều

CHỈ MỤC
  • Nhịp công nghệ
  • Thiết bị số
  • Tuyệt chiêu
  • Kinh Doanh Online
  • Công Nghệ 4.0
  • Xe Điện
  • rss G+ Facebok

Chuyên mục Kỷ Nguyên Số

© Chuyên mục công nghệ Báo điện tử Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Giấy phép số: 636/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 28-12-2020
Tổng Biên Tập: Mai Ngọc Phước. Tòa soạn: 34 Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, TPHCM
Tổng đài: (028)39910101 - 39914701. Fax: (028) 3991 4661; Email: kynguyenso@phapluattp.vn

Liên hệ Truyền Thông, quảng cáo: (028) 39914669 – Fax: (028) 39914606, Email: quangcao@phapluattp.vn

® Pháp Luật TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản của Báo.

Đang hiển thị 2201645673509662010.