Thị trường ICT 2009: Công nghệ lên ngôi, ứng xử thụt lùi

Sự lên ngôi của công nghệVới 472 điểm, việc 3G chính thức hiển diện tại Việt Nam đã là sự kiện đứng đầu năm nay. Cuối cùng thì sau bao nhiêu ý kiến, bao chờ đợi, từ lúc xu hướng có 3G hay không đến tại sao phải 3G rồi 3G sẽ như thế nào, mạng di động nào sẽ  được 3G… Việt Nam đã chính thức ghi tên mình vào bản đồ công nghệ 3G của thế giới với sự tiên phong khá bất ngờ của mạng VinaPhone.

Bất ngờ ở chỗ, người dùng, và cả các nhà quản lý đều nghĩ rằng sự kiện "đầu tiên 3G" sẽ là cuộc cạnh tranh của mạng Viettel- mạng đang giữ vị trí dẫn đầu về phát triển nhanh và MobiFone - mạng đứng đầu về thâm niên và độ hoành tráng! Nhưng có lẽ, với sự đầu tư khá lớn và sức ảnh hưởng của 3G với quá trình phát triển sau này là rất mạnh mẽ, thậm chí mang tính sống còn của nhà mạng nên cả Viettel lẫn MobiFone đã tỏ ra quá thận trọng. Điều này đã tạo cơ hội cho VinaPhone đi trước một bước. Nhưng, cái gì đi đầu thì cũng chứa đựng cái rủi ro, nên VinaPhone trở thành điểm soi của người sử dụng, hay thì chả thấy mấy ai khen, vì hiển nhiên 3G là vậy.

Nhưng dở thì chả biết do đâu cũng lại tội ông 3G. Nào là lẫn sóng, nào là rớt mạng, nào là chưa hoàn thiện hạ tầng, nào là dịch vụ còn phập phù… Khổ cho VinaPhone, họ bỗng dưng thành kẻ đứng mũi chịu sào nhất là, cái vòng tròn tị nạnh so sánh của thị trường với mỗi mạng di động sẽ chẳng bao giờ dừng lại. Một sự kiện có cạnh tranh quyết liệt để lọt vào top 10 là việc khai trương tuyến cáp quang biển Liên Á (IACS) do EVN Telecom tham gia đầu tư cùng nhà đầu tư chính TATA Communication ngày 6-11-2008 với 231 điểm, chỉ hơn việc khánh thành nhà máy điện thoại của Samsung ở vị trí thứ 11 có 2 điểm.

Mọi so sánh sẽ đều khập khiễng, giá trị đầu tư của nhà máy Samsung cao hơn (700 triệu USD) nhưng khoản đầu tư của EVN lại là 1 con số khá lớn của nhà đầu tư nội. Nếu dự án của Samsung đem lại  công ăn việc làm cho địa phương, giúp thu hút đầu tư nước ngoài, tăng doanh số xuất khẩu thì IACS với tổng chiều dài 6.800km kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hongkong, Nhật Bản hứa hẹn đem lại cơ hội giá cước cạnh tranh và giảm nguy cơ bị cô lập khi có sự cố xảy ra với các hệ thống cáp quang khác của Việt Nam…

Âu cũng là, các nhà báo đã ưu ái hơn một chút với doanh nghiệp nội để hy vọng, các doanh nghiệp nội sẽ mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn trong đầu tư vào hạ tầng ICT của đất nước. Yêu cho roi, cho vọt…Sau nhiều lần bình chọn, thì năm nào đến thời điểm tháng 12 các thành viên của ICT PressClub (không nhiều thì là một số) cũng nhận được các câu hỏi từ nhiều nơi, cả doanh nghiệp, cả Bô,å ngành, cả những người quan tâm, đồng nghiệp là năm nay sự kiện nào được chọn? Sự kiện của công ty tôi, ngành tôi có được không? Sự kiện này có bị cho vào danh sách không?

Thậm chí có cả tiếng đồn là có thể "chạy" xin vào hay xin ra khỏi Top.Năm nào thì trước và sau khi công bố cũng có lời khen chê, rằng sự kiện này không đáng, sự kiện kia là thiên vị. Năm nay, cũng không ngoại lệ.Ví dụ, mạng VinaPhone rất bất bình vì họ bị gọi sự kiện tiên phong 3G của mình là thuốc thử, hay Viettel cho rằng việc Viettel "tố" MobiFone cạnh tranh không lành mạnh rồi bị tố ngược (đứng thứ 9-260 điểm) là  "không đại diện cho bộ mặt ICT đất nước"…

Đại thể là tháng 6-2009, Viettel lên tiếng tố MobiFone cạnh tranh không lành mạnh với chiêu in poster so sánh trực tiếp giá cước MobiPone rẻ hơn Viettel, để rồi các mạng di động khác như VinaPhone, EVN Telecom đồng loạt tố ngược Viettel đã sử dụng chiêu cạnh tranh "dưới thắt lưng" trong một thời gian dài và từng bị xử phạt về hành vi này. Vụ tố ngược này đã là đề tài dài ngày của nhiều phương tiện thông tin đại chúng tạo ra phản ứng phản cảm chưa từng có với thương hiệu Viettel.

Hoặc sự kiện số 6 (288 điểm) về vụ tranh cãi vô tiền khoáng hậu của  BKIS và VNCert đại để: ngày 14-7, Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (BKIS) công bố trên blog của công ty về việc đã tìm ra 2 máy chủ được đặt tại Anh ra lệnh tấn công DDoS hệ thống website của Mỹ và Hàn Quốc. Với tính chất nghiêm trọng của vụ tấn công DDoS lớn chưa từng có, thông tin trên lập tức được nhiều cơ quan báo chí trong nước và nước ngoài như USA Today, PC World, News.com... đăng tải và được báo chí Việt Nam hết lời khen ngợi.

Tuy nhiên, đến đêm 17-7, trên diễn đàn ddth.com rò rỉ nội dung công văn ký ngày 15-7 của Trung tâm phản ứng sự cố máy tính khẩn cấp Việt Nam - VNCERT "đề nghị nhắc nhở Trung tâm BKIS" với lý do: "Công bố thông tin rộng rãi và không chính xác" và có thể "gây nguy hiểm cho các hệ thống thông tin trong nước". Một cuộc tranh cãi với những ý kiến trái ngược giữa đại diện hai bên đã nổ ra trên mặt báo và chỉ lắng dịu khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên sau vụ việc, nhiều câu hỏi vẫn bị bỏ lửng như: Có thực BKIS "giỏi" như thế; BKIS đúng/sai ra sao trong vụ "ra tay nghĩa hiệp cứu net" này hay VNCert có chơi xấu BKIS?... Bình luận của người trong cuộc ở những sự kiện kiểu này, có doanh nghiệp thì trách khéo, có doanh nghiệp lại chê rằng các nhà báo không đồng hành cùng họ, đưa những cái nhỏ nhoi, vụn vặt để bình chọn mà không tính đến họ đã làm cái gì có ích cho cộng đồng.

Có hai khía cạnh, một là tâm lý con người, hay doanh nghiệp đều muốn "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại"; và khía cạnh thứ hai là dù thừa nhận hay không (cả công khai, thật lòng, lẫn ngoại giao) Top các sự kiện ICT nổi bật của ICT PressClub đã có một vị trí, uy tín nhất định trong cách nhìn nhận, đánh giá cái được, cái dở của các sự kiện ICT trong một năm.

Nhân đây cũng cần phải nói lại về tiêu chí bình chọn của ICT PressClub, đó là sự bình chọn của các nhà báo, họ nhìn nhận cái tiêu biểu theo xu hướng báo chí được độc giả quan tâm, không phải là cái nhìn của bộ, ngành, hay của doanh nghiệp. Có nghĩa là, sự kiện nào được báo chí khai thác nhiều, có nghĩa là vấn đề họ khai thác giúp báo có lượng phát hành, và như thế đồng nghĩa với việc được bạn đọc - cộng đồng xã hội quan tâm. Và nếu suy xét kỹ, doanh nghiệp sẽ thấy cái Tâm của các nhà báo khi chấm điểm từng sự kiện, họ không hề có ý định vùi dập hay công kích, đả phá mà chỉ thực lòng mong muốn cổ xúy cho những điều tốt và hy vọng những điều chưa được, những sự kiện (tạm gọi là tiêu cực) không tiếp diễn.

"Yêu cho roi, cho vọt", có thể các sự kiện được bình (nhất là các mặt trái) đúng là không đại diện gì cho nền ICT đất nước, nhưng nó lại làm nên một hình ảnh khác về thương hiệu của các doanh nghiệp và nếu nhìn sâu sa hơn, nó làm bật lên một gam màu tối cho bức tranh ICT hiện tại: đó là cách ứng xử với nhau của các doanh nghiệp, là cách thể hiện văn hóa kinh doanh ở một mô hình cấp vĩ mô.

Nhìn lại mình qua lăng kính của người khác, âu cũng là một cách tốt để hoàn thiện và phát triển. CNTT dùng dằng chưa qua giấc ngủ đôngCó một sự kiện đã không lọt vào top 10, đó là sự kiện Cuộc thi Trí tuệ Việt Nam biến mất không kèn, không trống. Tại lời bình cho sự kiện, ICT PressClub bày tỏ chia sẻ:  "Đến hẹn lại lên", ngày 1-1 hàng năm luôn là Ngày trao giải Cuộc thi sáng tạo phần mềm Trí tuệ Việt Nam, nhưng ngày 1-1-2009 đã chính thức đánh dấu chấm hết cho một giải thưởng CNTT tầm cỡ và có uy tín bậc nhất từ trước tới nay.

Trải qua 8 năm tổ chức, cuộc thi đã từng là đích phấn đấu của hàng trăm thí sinh mỗi năm nộp bài dự thi, là niềm tự hào khi đứng trên bục vinh quang của nhiều tài năng CNTT trẻ, là động lực thôi thúc giới trẻ đóng góp cho nền CNTT nước nhà những sản phẩm, những ý tưởng có giá trị. Trang web của cuộc thi (www.ttvn.com.vn) vẫn còn đó nhưng không được cập nhật. Không có bất kỳ thông tin gì từ phía các nhà tổ chức, TTVN đã ra đi lặng lẽ, để lại niềm tiếc nuối về một sân chơi trí tuệ hấp dẫn và một khoảng trống cho đời sống CNTT".

Vì ra đi lặng lẽ nên không nhiều người biết là TTVN sở dĩ không tổ chức nữa là vì thiếu nhà tài trợ sau sự rút lui của FPT. Đã không có đại gia nào (cả CNTT lẫn viễn thông) xuất hầu bao cho cuộc thi này. Có lẽ, do tiêu chí "tần suất xuất hiện nhiều trên báo chí" nên sự ra đi âm thầm của TTVN đã không vào được sự kiện nổi bật cho dù sự chấm hết của TTVN còn là dấu mốc của sự thụt lùi của CNTT trong nền ICT và sự quay lưng của các "Mạnh Thường Quân" với cuộc thi này cho thấy CNTT đã tụt hạng so với viễn thông.Điều này cũng thể hiện ở mặt bằng CNTT năm qua: Tăng trưởng nhưng không nổi bật đó là điểm chung của các doanh nghiệp CNTT.

Công ty công nghệ hàng đầu FPT được nhắc nhiều hơn ở hàm lượng ảo (cổ phiếu) hơn là giá trị công nghệ cho dù vẫn đạt mức tăng trưởng cao và lợi nhuận đem về cho cổ đông được đánh giá là "tít"! CMC từ lúc thành Tập đoàn cũng đi vào hoạt động kiểu bí mật, lặng lẽ làm, lặng lẽ phát triển. Những tên tuổi lừng danh của thời sản xuất máy tính thương hiệu Việt gần như biến mất. Những doanh nghiệp CNTT được nhắc tên chủ yếu là trên lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ… Vì thế dễ hiểu là tại sao không có tên tuổi nào của giới CNTT xuất hiện trong top 10 (trừ BKIS nằm trong một vụ kiện tụng lẽ ra không đáng có).

Có nên lạc quan để cho rằng, đây là quãng lặng để các DN CNTT tích lũy nội lực cho chiến lược phát triển trong thập kỷ kế tiếp, bởi lẽ động thái từ Chính phủ cho lĩnh vực CNTT thì lại rất tích cực?Không hiểu nhìn vào Top 10 sự kiện ICT nổi bật 2009, sự thiếu vắng các sự kiện, DN CNTT (cả tích cực lẫn tiêu cực) có làm cho giới CNTT thấy rằng họ đang chững lại mà sốt ruột? Vậy thì, "mau lên chứ, vội vàng lên mấy chứ", không lẽ nào, với môi trường tốt như vậy, với sự sôi động của thị trường ICT như vậy mà các chú gấu CNTT lại cứ "ngủ đông"?

Theo Đoàn Ngọc Thu (ANTG cuối tháng)

Đọc thêm