Thị trường ĐTDĐ sau ngày 15/2: Không biến động

Thị trường ĐTDĐ sau ngày 15/2: Không biến động ảnh 1

Thị trường di động cũ không bị tác động bởi Thông tư 43. Ảnh: T. A

Thông tư 43/2009/TT-BTTTT do Bộ TT&TT ban hành ngày 30/12/2009 về Danh mục các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng bị cấm nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2.

Không lo thiếu hàng!

Trong vai khách hàng đi tìm mua mặt hàng cũ, đặc biệt là những loại thuộc dạng “hàng hiếm, hàng độc” của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Sony Ericsson, Nokia, Siemen, BlackBerry, Motorola chưa từng được phân phối chính hãng trong nước, phóng viên báo BĐVN đã khảo sát tại một số điểm kinh doanh trên phố Thái Hà, Lê Thanh Nghị, Kim Mã, Hoàng Cầu… Khi được hỏi về xuất xứ của chiếc điện thoại 3G C975 “secondhand” của hãng Motorola có giá 1,2 triệu đồng và hơn chục chiếc điện thoại cũ mang thương hiệu BlackBerry “cực kỳ bình dân” trị giá chỉ từ 450.000 đồng tới nhỉnh hơn 1 triệu đồng như dòng 7100X, 7230, 7290, 7730 đang được bày bán tại cửa hàng Minh Tùng trên phố Kim Mã, hay chiếc Sharp 770McLarens-Mercedes, Emporia 170 với phím bấm lớn phù hợp với đối tượng người cao tuổi tại cửa hàng “Điện thoại độc” số 99 phố Hoàng Cầu, nhân viên tại các điểm bán đều khẳng định: “Đó là hàng xách tay từ nước ngoài!”. Cùng đó, họ đều khẳng định nguồn hàng không có gì ảnh hưởng sau ngày 15/2, thậm chí lắm nơi còn chưa biết đến lệnh cấm nhập khẩu của Thông tư 43.

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN, ông Trần Quang Ánh – Giám đốc hệ thống bán lẻ ĐTDĐ Nhật Cường tại Hà Nội nhận định, Thông tư 43 sẽ không có nhiều tác động gây ảnh hưởng đến nguồn hàng của các doanh nghiệp, bởi theo ông Ánh, hiện trong nước chưa thấy doanh nghiệp nào nhập khẩu điện thoại cũ. Như với các điểm kinh doanh của Nhật Cường, điện thoại cũ hiện đang được bày bán chủ yếu là loại mua lại từ khách hàng và loại hàng xách tay từ nước ngoài. Ông Ánh lý giải thêm: “Điện thoại cũ với số lượng lớn thường khó kiểm soát về chất lượng, không doanh nghiệp nào mạo hiểm nhập khẩu dòng máy đời cao có giá thành đắt…”.

Trao đổi thêm, đại diện một số nhà phân phối và bán lẻ ĐTDĐ lớn trong nước như Viễn thông A, FPT Mobile cũng chung nhận định với đại diện Nhật Cường. Ông Lê Hoàng Hải, Phó Giám đốc FPT Mobile, khẳng định: “Thị trường điện thoại cũ chủ yếu là của người dùng trong nước mua đi bán lại, rất ít hàng cũ nhập khẩu”.

Thị trường ĐTDĐ sau ngày 15/2: Không biến động ảnh 2

Hàng cũ nhập lậu: Khó chặn

Như vậy, trước nghịch lý không có doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng cũ nhưng các điểm bán vẫn ung dung kinh doanh, không lo thiếu hàng, thì có thể nhận thấy hai nguyên nhân cơ bản: Thứ nhất, nguồn hàng máy điện thoại cũ (do người sử dụng trong nước dùng từ khi mua mới) được trao đổi mua bán luôn rất lớn. Thứ hai (đây là vấn đề “nóng” đối với cơ quan quản lý lâu nay) chính là nguồn máy cũ, nhất là mặt hàng điện thoại cao cấp, các dòng chưa từng được phân phối tại Việt Nam được tuồn về qua con đường nhập lậu hoặc trá hình dưới dạng “hàng xách tay” từ nhiều nước trên thế giới qua đường hàng không, đường bộ.

Theo thông tin phóng viên tìm hiểu từ anh Hoà – người chuyên bỏ mối mặt hàng ĐTDĐ tại chợ Đông Kinh (Lạng Sơn), ĐTDĐ nhập lậu từ Trung Quốc qua biên giới Lạng Sơn để tuồn vào thị trường trong nước rất lớn. Ngoài các mặt hàng giá trị thấp, mới 100% thì những loại “đời cao, giá ngất ngưởng” thuộc phân khúc smartphone, điện thoại hỗ trợ tính năng văn phòng cao cấp như BlackBerry, HTC, Nokia N-series… cũ cũng được nhập về với số lượng lớn và dễ dàng bán cho các điểm kinh doanh với giá rẻ từ 20 đến 40% nếu so với “hàng công ty” trong nước. Trong đó, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, riêng mặt hàng như BlackBerry lại được các điểm tiêu thụ nhập rất nhiều, không quá kén chọn bởi loại tính năng đơn giản giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng cũng được bán chạy. Còn với dòng đời cao, khi đã yên vị trong các cửa hàng, nhiều “chú dế” cũ sẽ được tân trang, “mông má” lại hình thức hoặc thay thế “áo mới” để bán ra với giá không dưới 8 - 9 triệu đồng.

8 nhóm sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc diện cấm

Thông tư 43/2009/TT-BTTTT do Bộ TT&TT ban hành ngày 30/12/2009 có 8 nhóm sản phẩm CNTT đã qua sử dụng thuộc diện cấm trong đó có ĐTDĐ, thiết bị truyền dẫn dùng cho phát thanh vô tuyến hoặc truyền hình, camera truyền hình, camera số… Tuy nhiên, các sản phẩm thuộc danh mục trên được phép nhập khẩu để làm dịch vụ bảo hành, bảo trì… Riêng các sản phẩm máy tính xách tay và màn hình, máy thu hình IP dạng LED/OLED sẽ không thuộc danh mục cấm nếu có thời hạn không quá 3 năm kể từ ngày sản xuất đến ngày mở tờ khai hải quan.

(Nhóm phóng viên ICTNews)

Đọc thêm