Tên miền tiếng Việt chính thức cán mốc 1 triệu

tên miền tiếng Việt, VNNIC
Thứ trưởng Lê Nam Thắng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T.C

Trung tâm Internet Việt Nam cho biết, con số này là thành quả của việc mở cửa cho phép đăng ký trực tuyến và miễn phí tên miền tiếng Việt theo chủ trương của Chính phủ từ cuối tháng 4/2011. Tuy nhiên, 1 triệu chỉ là mốc chào mừng, bởi tính đến ngày 9/8, số lượng tên miền tiếng Việt đã kích hoạt là 1.006.306.

Tên miền tiếng Việt thuộc hệ thống tên miền đa ngữ (viết tắt IDN), là xu thế đang phát triển của công nghiệp nội dung Internet. Đây là tên miền được các quốc gia không sử dụng dụng ngôn ngữ tiếng Anh, ký tự Latin triển khai để hỗ trợ người dân địa phương truy cập Internet bằng ngôn ngữ riêng. Sau 10 năm nghiên cứu, Tổ chức quản lý Tên miền và địa chỉ mạng quốc tế (ICANN) đã chính thức cấp phát tên miền này cho các quốc gia từ tháng 5/2010. Tính đến 2013, đã có hơn 5,2 triệu tên miền đa ngữ được đăng ký.

Chia sẻ tại sự kiện chào đón tên miền thứ 1 triệu diễn ra chiều nay (25/8), Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định tên miền tiếng Việt có lợi thế về sự rõ nghĩa và tạo ra môi trường thuần Việt trên mạng Internet, đồng thời cũng là công cụ hữu hiệu để tăng cường quảng bá, bảo vệ thương hiệu, hình ảnh của các doanh nghiệp. Theo ông, sự phát triển của tên miền đa ngữ tại Việt Nam là do nó đang được cấp phát miễn phí, hơn nữa, thời điểm này công nghệ đã chín muồi, các trình duyệt thông dụng như IE, Firefox, Chrome đều hỗ trợ tên miền đa ngữ. Cuối cùng, không thể không kể đến việc Luật Viễn thông đã cho phép chuyển nhượng tên miền, mở ra thị trường cho nghề kinh doanh tên miền.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức mà tên miền tiếng Việt phải đối mặt, Thứ trưởng chỉ ra. Chỉ có khoảng 18% số tên miền thực sự hoạt động (tương đương 118.000 tên miền trên tổng số 1 triệu tên miền đăng ký) , và hiệu quả thực tế của những tên miền này ra sao thì cũng chưa có bất cứ báo cáo nào thống kê. Dù vậy, việc đạt được thành tích này trong vòng 3 năm cũng là đáng khích lệ, bởi tên miền truyền thống (.vn) phải mất gần 20 năm mới đạt được 290.000 tên miền hoạt động.

Thứ trưởng cho rằng VNNIC và các bên liên quan cần tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách, biện pháp để cải thiện tỷ lệ sử dụng tên miền thực tế. Sau năm 2015, các bên sẽ tiến hành tổng kết 5 năm triển khai cung cấp tên miền đa ngữ để trên cơ sở đó, đề ra những chính sách mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, từ 2015 đến 2020. Trong đó, VNNIC cần đặc biệt lưu ý đến cơ chế khuyến khích chuyển nhượng nhanh tên miền, thông qua phí và lệ phí để tránh tình trạng đầu cơ, ôm tên miền quá lâu trong khi những người có nhu cầu sở hữu thực tế lại không có cơ hội tiếp cận.

"Nếu tên miền tiếng Việt đảm bảo chất lượng tốt hơn, bảo trì, bảo hộ tên miền tốt hơn, chính sách phí lại rẻ hơn thì mới có thể cạnh tranh được với tên miền truyền thống và tên miền quốc tế", Thứ trưởng khẳng định.

Theo Trọng Cầm (VNN)

Đọc thêm