Tạo sức mạnh cạnh tranh bằng CNTT

Tạo sức mạnh cạnh tranh bằng CNTT ảnh 1

Giám sát hành trình tuyến thư trên hệ thống E-VTP của ViettelPost.

Ghi nhận những hiệu quả đó, ViettelPost đã được Bộ TT&TT tôn vinh với Giải thưởng VICTA 2010 cho “Doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng CNTT hiệu quả nhất”.

Mạnh tay đầu tư

Với quan điểm coi việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ điều hành, quản lý và sản xuất kinh doanh chính là “đòn bẩy” để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, từ năm 2007 đến nay, nhất là trong 2 năm 2009-2010, BC Viettel đã mạnh dạn tập trung đầu tư ứng dụng CNTT tại đơn vị mình.

Ước tính chi phí đầu tư cho CNTT trong các năm 2007, 2008, 2009 là khoảng 15 tỷ đồng. Riêng năm 2010, ViettelPost đã mạnh dạn chi tiếp hơn 2 tỷ đồng để phát triển, nâng cấp hệ thống ứng dụng CNTT. Sự đầu tư khá quyết liệt và “mạnh tay” của BC Viettel trên thực tế đã đưa hệ thống CNTT của đơn vị này có bước tiến dài so với giai đoạn trước năm 2006.

Cụ thể, nếu như năm 2006, hệ thống trang thiết bị phần cứng của ViettelPost chỉ gồm 1 máy chủ, 199 máy tính để bàn, hơn 100 máy in và 1 laptop; thì tính đến tháng 3/2011, DN bưu chính này đã có 6 máy chủ, 646 máy tính để bàn, 101 máy tính xách tay, 360 máy in và 280 máy quét.

Cùng với đó, từ chỗ chỉ chạy 2 phần mềm là kế toán và phát hành báo chí; thì đến nay hệ thống phần mềm ứng dụng của ViettelPost đã được phát triển, tích hợp với hơn 20 phân hệ phần mềm.

Đáng chú ý là, hệ thống thông tin quản lý bưu phẩm bưu kiện E-VTP đã đáp ứng được yêu cầu quản lý: quản lý được doanh thu công nợ đến từng khách hàng, cung cấp hệ thống bảng giá và dịch vụ động, quản lý và giám sát được chất lượng đến từng vận đơn, quản lý khoán cho từng đơn vị.

Đặc biệt, năm 2010 hệ thống E-VTP đã ứng dụng thành công thiết bị PDA tích hợp quét mã vạch, giảm được 70% thời gian khai thác tại các Trung tâm khai thác. Đối với chức năng quản lý giá và dịch vụ được thiết kế động, đảm bảo phục vụ cho bất kỳ dịch vụ và loại bảng giá trong nước và quốc tế nào; đồng thời, chức năng quản lý phân cấp đơn vị cũng đã đảm bảo được hệ thống E-VTP đáp ứng nhu cầu quản lý đa quốc gia đồng nhất trên 1 hệ thống và hiện đã ứng dụng cho cả chi nhánh Campuchia…

Tối ưu hóa chi phí, nguồn nhân lực

Đại diện ViettelPost cho biết, một thành quả lớn của ViettelPost về đầu tư ứng dụng CNTT chính là việc toàn bộ hơn 1.400 “người ViettelPost”, cả khối quản lý điều hành cũng như đội ngũ sản xuất trực tiếp đều đã biết, sử dụng các phần mềm ứng dụng, mạng Internet hỗ trợ công việc hàng ngày.

Theo ước tính sơ bộ của ViettelPost, việc triển khai hệ thống ứng dụng CNTT đã giúp ViettelPost giảm tới 60% chi phí và thời gian tác nghiệp.

Chia sẻ về hiệu quả VettelPost thu được từ việc triển khai ứng dụng CNTT hỗ trợ quản lý, điều hành và SXKD, Tổng Giám đốc Công ty CP Bưu chính Viettel (ViettelPost) Lương Ngọc Hải khẳng định: “Hiệu quả dễ thấy nhất là nếu không có CNTT hỗ trợ thì với việc sản lượng ngày càng tăng như giai đoạn vừa qua, để quản lý chi phí và doanh thu của DN, nhân lực ở khối cơ quan sẽ phải tăng gấp 4 lần; công tác phí hàng năm chắc chắn sẽ không dưới 2 tỷ đồng và thay vì được hỗ trợ đào tạo online qua cầu truyền hình như hiện nay thì chỉ riêng việc hàng năm DN phải “rải” đội ngũ đào tạo nội bộ đi hết các địa phương cũng đã “ngốn” mất vài tháng… Không ứng dụng CNTT, sản lượng tăng sẽ dẫn đến tăng nhân lực, tăng chi phí và tất yếu lợi nhuận DN sẽ bị sụt giảm”.

Trên thực tế, nhìn lại chặng đường phát triển của ViettelPost trong hơn 3 năm qua, có thể thấy ứng dụng hiệu quả CNTT hỗ trợ quản lý điều hành và SXKD là một nguyên nhân cơ bản khiến ViettelPost vẫn đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao trong khi lực lượng lao động tăng không nhiều.

Đơn cử như từ 2008 đến nay, tổng số CBCNV ViettelPost giao động từ 1.300-1.400 người; trong khi đó, tổng doanh thu DN tăng từ 240 tỷ đồng năm 2008, lên hơn 363 tỷ đồng năm 2009 và đạt hơn 423 tỷ đồng doanh thu năm 2010. Năm 2010, lợi nhuận sau thuế của ViettelPost đạt gần 16 tỷ đồng và năm 2011 mục tiêu lợi nhuận sau thuế của DN là đạt hơn 21 tỷ đồng.

Theo Minh Tú (ICTnews)

Đọc thêm