Tai vạ vì đưa số điện thoại lên mạng

Bỗng dưng bị mời mua... bao cao su

Đang ngồi cafe với bạn bè, anh Lê Thanh, nhân viên văn phòng bỗng dưng nhận được một tin nhắn khá nhạy cảm: "Nhân dịp 20/10, hãy làm người chồng tuyệt vời với các sản phẩm bao cao su và gel bôi trơn mới của shop tại địa chỉ xyz". Một điều đáng nói là, anh Thanh hiện đang công tác tại một đơn vị khối nội chính, cũng là người có tuổi nên tuyệt nhiên số di động của anh chẳng bao giờ cho người lạ, huống chi là các cửa hàng bán đồ nhạy cảm như vậy.

Dò ra mới biết, cách đây vài hôm anh có rao bán một lô đất trên một diễn đàn và vô tình để số điện thoại lại để cho người mua liên hệ. Do không dùng nhiều số nên anh để số SIM chính mình đang dùng và dẫn đến tình huống trớ trêu vừa nêu.

Không dừng ở đó, ngày càng nhiều trường hợp các số thuê bao di động bị lạm dụng và là đích đến của các tin nhắn, cuộc gọi spam và đôi khi là cả các trường hợp lừa đảo.

Tai vạ vì đưa số điện thoại lên mạng ảnh 1

Tin nhắn, cuộc gọi rác ngày một tinh vi hơn do có sự tiếp tay của những kẻ đánh cắp thông tin cá nhân.
Chị Thanh Hương, Việt kiều từ Pháp về bức xúc: "Chẳng hiểu từ đâu ra có nhân viên bảo hiểm cứ nằng nặc đòi gặp tôi để tư vấn dịch vụ, phiền phức vô cùng mà rõ ràng mình có cho ai số đâu. Mà cái thể loại này thì nhiều lắm, hôm thì công ty Pxx, hôm thì Ayy, dai như đỉa, đến là phiền". Trường hợp của chị là do một lần mua hàng thời trang, nhân viên cửa hàng xin số để có hàng mới sẽ gửi tin nhắn thông báo, vì cả nể nên chị để lại chứ theo lời chị thì "có mấy ai biết số của tôi đâu và 1 năm tôi về Việt Nam có vài tuần thì làm sao mà lộ được".

Còn anh Minh Sơn thì than thở: "Suốt ngày nhận các tin nhắn spam kiểu '10 tư thế làm vợ vui', 'soi cầu lô đề' hay 'tin nhắn tình yêu', 'bạn đã trúng thưởng xe SH' làm loạn xới cả ngày. Toàn từ đầu số SIM rác gửi vào máy mà không sao chặn được. Gọi tổng đài hỗ trợ của nhà mạng thì nhân viên ỡm ờ rồi trả lời... em chịu, và mọi chuyện lại đâu vào đấy".

Dò theo từng câu chuyện, một điểm chung mà PV VietNamNet ghi nhận được là các nạn nhân đều vô tình để số di động và tên tuổi của mình ngoài ý muốn trên mạng hoặc tại các shop bán hàng.

Sau khi có được số di động của người dùng, các đối tượng liền bán ngay cho một trung tâm chuyên mua các số di động và thông tin thuê bao để từ đó bán cho các công ty marketing hay một vài nhà cung cấp dịch vụ nội dung (CP) để từ đó spam, thậm chí cả hình thức lừa đảo.

Một nhân viên từng làm việc tại một CP cho biết: "Trước đây các CP có máy bắn SMS rác theo tài khoản hàng loạt theo một dải số. Tuy nhiên cách làm đó không hiệu quả bởi một danh sách đôi khi cũng có nhiều SIM vô chủ, SIM ngưng hoạt động. Gần đây có một vài đầu mối cung cấp số thuê bao có người dùng và phân loại đối tượng để từ đó bắn SMS quảng cáo, spam chính xác hơn".

Cũng theo nhân vật này, việc tổng hợp các số thông tin thuê bao rất dễ tương tự như việc thu mua email để spam như ngày trước. Chỉ việc đặt hàng, phân vùng đối tượng là lập tức có danh sách số điện thoại từng người, thích hợp với nội dung spam, tha hồ gửi SMS spam đúng đích mà hiệu quả cao, chi phí rẻ.

Nếu như email có hệ thống lọc thư rác tương đối hiệu quả thì việc spam kiểu này tỷ lệ thành công cao hơn nhưng cũng gây phiền toái hơn với những người bỗng dưng bị mời dịch vụ ngoài ý muốn.

Cẩn trọng khi buôn bán trên mạng

Theo một chuyên gia bảo mật thì: "Tốt nhất là nên dùng 2 số di động khi tham gia các giao dịch trực tuyến. Sẽ chẳng có ai đảm bảo thông tin cá nhân của bạn không bị thu thập và bị rao bán cho các tổ chức spam hay thậm chí là nạn nhân của nạn lừa đảo trực tuyến".

Dạo qua các diễn đàn thương mại điện tử, không khó để tìm thấy các thông tin cá nhân được đưa lên mạng bởi chính người dùng. Một điều dễ thấy là, các thông tin về số di động, tên tuổi, địa chỉ, email... đều có thể dễ dàng lấy được một cách công khai và người dùng vô tình hai tay dâng cho kẻ xấu.

Tai vạ vì đưa số điện thoại lên mạng ảnh 2

Việc đưa địa chỉ cá nhân/nhà riêng lên mạng Internet là con dao hai lưỡi đầy ẩn họa (Ảnh: Webtretho).
Anh Mạnh, nhà ở Kim Ngưu kể về một câu chuyện lừa đảo khi để lộ thông tin mà chính gia đình anh gặp phải. Do thường xuyên bán hàng trực tuyến nên anh thường để địa chỉ và số điện thoại trên mạng. Bất chợt có hôm anh phải đi nhập hàng ở nước ngoài thì có người đột ngột tự xưng là bạn anh gọi điện đến, báo anh đang bị công an nước bạn bắt ở cửa khẩu, cần chuyển gấp 10 triệu qua đường "viết tay" (hình thức chuyển tiền chợ đen mà giới dân buôn thường sử dụng) tới một người tự xưng là bạn - đang gỡ cho anh.

Lo sốt vó, dù bán tín bán nghi, cộng với việc số di động của anh không roaming, không thể liên lạc, gia đình đã chuyển ngay tiền vì lo lắng con mình dính vào phòng lao lý, nhất là khi người đầu dây bên kia đọc vanh vách địa chỉ nhà, số di động, điện thoại cố định, tên tuổi của anh Mạnh thì mọi người càng có sở cứ để tin. Vậy là khi anh về nước, chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy cả nhà xúm vào hỏi vụ việc và lúc đó mới vỡ ra là bị lừa.

Điều đáng nói là, cho đến thời điểm này, nhà mạng chưa có một chế tài cụ thể xử lý các trường hợp lừa đảo hay spam qua di động và vì vậy tệ nạn này mặc sức hoành hành.

Theo Minh Phú, sinh viên chuyên làm thêm các công việc trực tuyến thì: "Có hẳn một mạng lưới tổ chức và thu mua lại các số điện thoại và danh sách khách hàng. Họ có thể tổ chức một mạng lưới sinh viên làm thêm, chuyên dạo qua các diễn đàn để copy số điện thoại hoặc thu mua lại tính tiền theo số lượng số di động thu thập để từ đó bán cho công ty khác hoặc spam". Cũng theo Phú, có thời điểm, một công ty cần gấp danh sách số điện thoại của 1000 khách hàng theo diện liên quan bất động sản thì ngay lập tức sẽ có một tổ chức đi vào các diễn đàn về xây dựng, mua bán đất đai để lấy thông tin cá nhân và bán lại với giá 1000 đồng/số di động.

Việc tùy tiện để lại số di động đôi khi cũng không phải do chủ quan người dùng mà có khi do chính những quy định của Admin các diễn đàn. Mục đích lập ra là tốt nhằm xác nhận những giao dịch bất minh, nhưng đôi khi chính việc đưa lên mạng số di động và tên tuổi của mình lại khiến người dùng rước họa.

Có lẽ, trước khi chờ nhà mạng có chế tài xử lý thì người dùng tốt nhất hãy tự bảo vệ mình. Đó có thể là sử dụng các thông tin phụ khi giao dịch như số điện thoại phụ, tên và không bao giờ được ghi địa chỉ trừ phi bạn là chủ cửa hàng. Ngoài ra, cũng nên cân nhắc việc đưa thông tin cá nhân của mình lên mạng, ngay cả khi được Admin diễn đàn hay các trang mạng xã hội yêu cầu bởi chẳng ai biết thông tin của mình sẽ được bảo mật tới đâu.
Theo Vương Long (VNN)

Đọc thêm