Sự quá tải thông tin của những năm 2010

Sự quá tải thông tin của những năm 2010 ảnh 1

Ảnh: Minh họa

Mười năm trước đây, chúng ta hẳn là sững sờ trước một chiếc điện thoại di động với khả năng tính toán và bộ nhớ hơn cả chiếc máy tính cá nhân trung bình có trong năm 1999. Với năng lực như vậy, cùng chiếc camera và ngày càng thêm nhiều ứng dụng, chiếc điện thoại di động đang quản lý mọi mặt cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên, mười năm tới đây, iPhone và các thiết bị cùng loại sẽ chỉ là đồ cổ tại thời điểm đó.

Thập kỷ tới đây, với sự phát triển của máy tính và Internet sẽ cho ra đời những thiết bị thông minh hơn và nhanh hơn. Các thiết bị này sẽ tích hợp các bộ cảm biến và máy tính giúp ghi lại các hoạt động của chúng ta, xây dựng các hồ sơ số hoá giúp làm tăng khả năng nhớ, lưu trữ và giúp đưa ra các quyết định, giải quyết tình trạng quá tải thông tin.

Những thiết bị như vậy hiện nghe có vẻ xa vời. Và các dự báo công nghệ thường nỏi tiếng là đi trước thời đại. Trong khi các dự báo trong ngắn hạn về thị trường có chiều hướng giả định quá nhiều thay đổi thì các dự báo dài hạn lại đánh giá thấp các khả năng về những thay đổi lớn đột ngột.

Ngay cả như vậy, hình dung về các thiết bị đa kết nối tạo ra và sàng lọc một khối lượng dữ liệu khổng lồ vào những năm 2010 là một bước tiến mang tính logic về Web như máy tính và các ứng dụng, những thứ xuất hiện vào những năm 2000. Định luật Moore nổi tiếng với nguyên lý tăng gấp đôi năng lực tính toán 2 năm/1 lần không làm tăng chi phí vẫn được áp dụng.

Quay trở lại với trường hợp chiếc máy tính cá nhân vào khoảng những năm 2000. Tốc độ của nó chỉ bằng 1/6 tốc độ của đại đa số các máy tính trên thị trường hiện nay.

Năm 1999, iMac của Apple ra đời với bộ nhớ RAM 64 MB. iMac hôm nay có bộ nhớ gấp 60 lần chiếc máy iMac ra mắt thời điểm đó. Thậm chí những chiếc iMac cao cấp với ổ cứng có dung lượng đến 10GB có thể lưu trữ cả một thư viện ảnh số và các file dữ liệu nhiều định dạng khác nhau. Hiện nay, ngay cả những chiếc máy nghe nhạc iPod cũng có khả năng lưu trữ nhiều hơn một chiếc máy tính vào thời điểm đó. Trong khi đó, các ổ nhớ của iMac đã bắt đầu từ mức 500GB.

Các bạn có nhớ hình thức kết nối quay số ‘dial – up’? Theo khảo sát của hãng Forrester Research, năm 2000, chỉ có chưa đến 10% hộ gia đình tại Mỹ có đường truyền Internet băng thông rộng, nhưng đến năm 2008, con số này đã là 61%.

Khi các máy tính và các kiểu kết nối Internet nhanh hơn chúng ta lại càng có nhiều điều kiện để hưởng thụ các tiến bộ của công nghệ. Vào tháng 10/2002 theo một cuộc điều tra của hãng Nielsen trung bình người Mỹ sử dụng máy tính khoảng 52 giờ/tháng tại nhà nhưng đến tháng 10/ 2009 con số này đã tăng lên gần 68 giờ/tháng.

Theo Forrester, chúng ta sẽ thấy dung lượng ổ cứng là không bao giờ là đủ cho việc lưu trữ các file nhạc và ảnh khi mà các gia đình có máy quay kỹ thuật số tăng từ 10% năm 2000 lên 68% trong năm ngoái. Những người sở hữu các máy nghe nhạc MP3 tăng từ mức chưa đến 2% năm 2000 lên 41% năm 2008.

Chúng ta đã và đang tăng các cách để có thể kết nối mạng với nhiều lựa chọn khác nhau như: điện thoại di động, điện thoại quay phim, điện thoại thông minh hay iPhone. Chúng ta mua nhiều máy tính xách tay hơn và kỳ vọng có thể kết nối được Internet ở mọi nơi.

Các trang thông tin cá nhân được thay thế bằng các blog (nhật ký cá nhân trên mạng) mà có thể được tạo ra trong vài giây, tạo điều kiện cho bất cứ ai chỉ cần một chiếc máy tính, truy cập được Internet là có thể tiếp cận được lượng độc giả lớn hơn nhiều so với nhiều tờ báo. Các mạng xã hội thế hệ đầu tiên, các cửa hàng sách trực tuyến đã phải nhường lại vị thế cho các hệ thống mạng xã hội như Facebook hay Twitter, nơi mà chúng ta có thể đưa lên những bài viết, tranh ảnh, đường dẫn kết nối và các đoạn video thành một mạch thông tin có chọn lọc.

Trực tuyến, một công cụ dễ dàng khiến chúng ta bước qua đường ranh giới giữa thông tin cá nhân và thông tin công cộng. Chúng ta chia sẻ những thông tin thân mật với “những người bạn” trên mạng trực tuyến và đôi khi chỉ đơn giản quá nhiều thông tin đặc biệt khi các sếp của chúng ta cũng đang đọc nó.

Tất cả những thay đổi này được tạo ra chỉ bởi vì sự phát triển của sức mạnh máy tính và công nghệ kết nối mà sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thập kỷ tới.

Theo thời gian, chúng ta sẽ bỏ lại ngày càng nhiều những thông tin số không dùng nữa. Một vài trong số đó giống như những thứ mà chúng ta đang chia sẻ trực tuyến bây giờ. Một số sẽ được phát hành một cách lặng lẽ thông qua các thiết bị giống như những chiếc điện thoại di động có thể phát tín hiệu định vị vị trí của chúng.

Chúng ta cũng truy cập được nhiều dữ liệu về thế giới quanh ta hơn, thu hẹp thời gian truyền tin về các chỉ số chứng khoán thời gian thực, các số liệu thống kê của chính phủ, các cơ sở dữ liệu khoa học và các nguồn thông tin có hiện nay.

Trong thập kỷ tới, theo dự tính của nhà phân tích James McQuivey của Forrester Research, tất cả những thông tin có thể tiếp cận được ngay lập tức ở mọi nơi. Bạn sẽ hình dung ra một cuộc làm quen tại một cuộc hội thảo nào đó và bạn sẽ có sẵn các thông tin gần đây nhất liên quan đến người bạn mới này cộng thêm một ghi chú về tên chồng/vợ của đối tác.

Phần mềm sẽ nhớ mọi thứ mà bạn mua, đọc trực tuyến và xem trên tivi. Một thiết bị lọc thông minh sẽ sử dụng các chọn lựa trước đây của bạn để đề xuất cho cuốn sách nên đọc hay một vở kịch nên xem lần tới hoặc thậm chí sẽ là bạn nên ăn món gì cho bữa tối. Đó sẽ là một thiết bị mạnh hơn nhiều so với cách mà Amazon.com và Netflix đề xuất về sách hay phim ảnh đến độc giả.

James McQuivey cũng nghĩ rằng chúng ta sẽ sử dụng tất cả công nghệ mới chỉ để bắt kịp với những người khác. Ông lấy ví dụ trường hợp sử dụng các máy tính trong lớp học toán: Đầu tiên giáo viên cấm học sinh sử dụng máy tính nhưng bây giờ máy tính lại bị bắt buộc phải có. Nếu để quên máy tính vào hôm làm kiểm tra thì bạn sẽ thấy đó đúng là một bất lợi lớn.

Craig Mundie, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược của hãng Microsoft tin rằng chúng ta đang tiến dần đến thời đại mà đã được mong chờ từ rất lâu. Đó là thời đại của những chiếc máy tính biết phản hồi lại các bài diễn văn, điệu bộ và các bài viết của chúng ta. Marina Gorbis, Giám đốc Học viện cho Tương lai của Mỹ cho biết: “Mọi vật thể vật chất sẽ có một đám mây số xung quanh nó”. Tuy nhiên khi mọi vật, việc xung quanh ta tăng sự số hóa thì đồng thời cũng tạo ra những thử thách mới cho quyền riêng tư của con người.

Trong những năm 2000, Google là một trong những công ty có sức mạnh nhất thế giới bởi nó giúp chúng ta dễ dàng nắm được nội dung của web trong môi trường mạng. Vậy điều gì mà chúng ta cần trong những bước tiếp theo của sự phát triển? Những công ty như Google và thế hệ tiếp theo sẽ có khả năng tổng hợp, phân tích các thông tin giúp bạn hiểu và có cái nhìn chung chất về một công ty hay một sự vật, việc mà không chỉ đơn giản là một bản thống kê các con số cùng “một mớ” các dữ liệu chồng chéo. 

Theo Bảo Khanh ( ICTnews / Cellular-news)

Đọc thêm