Sở "tố" nhà mạng không “trảm” SIM đa năng

Sở "tố" nhà mạng không “trảm” SIM đa năng ảnh 1

Theo đại diện Bộ TT&TT, một số doanh nghiệp vẫn sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao, dù hành vi này đã bị nghiêm cấm theo Thông tư 04/2012 vừa ban hành.

SIM đa năng làm "tràn lan" SIM rác

Năm 2008, VinaPhone được coi là doanh nghiệp tiên phong trong việc sử dụng SIM đa năng để quản lý thuê bao trả trước tại các điểm chấp nhận đăng ký của VinaPhone trên toàn quốc. Với SIM đa năng này, chủ nhân của hàng chục ngàn điểm chấp nhận đăng ký trực tiếp của VinaPhone có thể dễ dàng thao thác cập nhật thông tin khách hàng vào hệ thống mà không cần phải ghi nhớ các mẫu câu lệnh chuẩn.

Sau đó, thị trường di động Việt Nam đã chứng kiến sự “lên ngôi” của SIM đa năng và hầu hết các mạng di động lớn đều tung ra loại SIM đa năng. Tuy nhiên, các đại lý đã dùng SIM đa năng để đăng ký và kích hoạt hàng loạt SIM rồi tung ra bán cho khách hàng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc “quản” thuê bao trả trước.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 04/2012 về Quản lý thuê bao di động trả trước có hiệu lực thi hành từ 1/6/2012. Thông tư quy định rõ việc cấm kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao chưa đăng ký thông tin theo quy định và mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin; cấm tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước trái pháp luật và cấm mua bán, lưu thông, sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao, thiết bị có chức năng kích hoạt SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM.

Tuy nhiên, tại Hội nghị phổ biến văn bản Quy phạm pháp luật lĩnh vực Viễn thông, Internet khu vực miền Bắc ngày 6/6, đại diện Sở TT&TT Vĩnh Phúc cho biết, trong quá trình triển khai Thông tư số 04, đơn vị này thấy rằng, hiện một số nhà mạng vẫn thực hiện chính sách để đại lý có thể sử dụng SIM này để đăng ký tiếp nhận thông tin, kích hoạt tài khoản. Vì thế, SIM của tất cả các nhà mạng dù có mệnh giá 65 nghìn đồng nhưng khi kích hoạt SIM mới lại có từ 100 nghìn đến 140 nghìn đồng trong tài khoản. Ngoài ra, nhà mạng tặng tiền trong tài khoản thuê bao hàng tháng (khoảng 25 nghìn đồng) cho một vài gói cước như VinaPhone với gói cước U+, MobiFone với gói cước Zone+. "Đây chính là nguyên nhân gây ra vấn nạn SIM rác, mua SIM thay thẻ dẫn đến tình trạng lãng phí kho số và khó quản lý thuê bao trả trước", đại diện Sở TT&TT Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), hiện có hơn 200.000 điểm đăng ký thông tin thuê bao trả trước theo Thông tư 22/2009/TT-BTTTT và trong đó có đến hơn 50% sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin.

Doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm Thông tư 04

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, sau khi Thông tư số 04/2012 ra đời, Cục Viễn thông đã tổ chức tập huấn, làm việc với các doanh nghiệp nhưng có vẻ như không phải tất cả doanh nghiệp đều đã thực hiện đúng tinh thần của Thông tư 04. Do SIM đa năng không được mua bán, lưu thông trên thị trường nên trong trường hợp các Sở TT&TT địa phương phát hiện ra các doanh nghiệp vẫn còn sử dụng thì có thể xử lý theo quy định. "Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp và địa phương", ông Hải cho biết thêm.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, đến thời điểm này, 5 ngày sau khi Thông tư 04/2012 có hiệu lực, một số doanh nghiệp vẫn sử dụng SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao. Cục Viễn thông đề nghị doanh nghiệp chấm dứt ngay việc sử dụng SIM đa năng vì hành vi này đã được nghiêm cấm theo quy định của Thông tư và bắt buộc áp dụng ngay từ ngày 1/6. "Cục đã có đầy đủ thông tin và sẽ chuyển cho các Sở TT&TT địa phương để xử lý", đại diện Cục Viễn thông khẳng định.

"Cục có thể phát hiện ra ngay trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp mà không cần phải ra ngoài thị trường kiểm tra", ông Nguyễn Xuân Trụ cho biết thêm.

Cũng theo ông Trụ, mặc dù sau cuộc họp triển khai các nội dung về phát triển thuê bao di động với các doanh nghiệp viễn thông ngày 24/5 về việc quản lý khuyến mãi, phát triển bền vững thị trường viễn thông, nhưng mới đây đồng loạt 3 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone đề nghị cho phép triển khai các gói cước tương tự U+ (VinaPhone), Zone+ (MobiFone)...

"Điều này chứng tỏ dù giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã có sự thống nhất nhưng việc đồng tình của doanh nghiệp chưa được cao", ông Trụ nhấn mạnh.

Như vậy, mọi quy định của cơ quan quản lý có thực hiện triệt để được hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào ý thức triển khai, sự nghiêm túc của doanh nghiệp.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm