Sau ZTE đến lượt Huawei bị điều tra tại Mỹ và Úc

Theo tờ Washington Post, Nhà Trắng và quốc hội đang mâu thuẫn về việc liệu có nên cứu gã khổng lồ công nghệ ZTE hay không? Tuy nhiên, đây không phải là công ty Trung Quốc duy nhất nằm trong tầm ngắm của các nhà lập pháp. 

Trong thư gửi đến Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Jim Banks cho rằng mối quan hệ đối tác này có thể đe dọa đến an ninh quốc gia và đề nghị điều tra chương trình nghiên cứu đổi mới của Huawei. Cụ thể, chương trình của Huawei sẽ tài trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu về công nghệ truyền thông, khoa học máy tính, kỹ thuật và các lĩnh vực liên quan. 

Trước đó, các cơ quan tình báo của Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Huawei có mối liên kết chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc và Quân đội Giải phóng Nhân dân. Những thiết bị của Huawei tại Mỹ có thể được sử dụng nhằm mục đích gián điệp công nghệ và kinh tế hoặc tấn công mạng. Các nhà lập pháp cho rằng mối quan hệ đối tác của Huawei và các tổ chức giáo dục của Mỹ đang đặt ra nhiều rủi ro cho vị thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. 

Rubio chia sẻ: “Trung Quốc đang sử dụng Huawei để xâm nhập thị trường và ăn cắp các nghiên cứu của Mỹ, họ đang sử dụng cái gọi là quan hệ đối tác nghiên cứu với hơn 50 trường đại học Mỹ để khai thác”.

Sau buổi làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình (Trung Quốc), Tổng thống Donald Trump (Mỹ) đã gỡ bỏ lệnh cấm đối với ZTE và cho phép công ty trả tiền phạt. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đã tỏ ý không đồng tình và tiến hành bỏ phiếu nhằm phục hồi lệnh cấm với ZTE. Chưa dừng lại ở đó, dự luật Ủy quyền Quốc phòng cũng sẽ cấm các cơ quan chính phủ Mỹ mua các thiết bị của ZTE và Huawei.

Tương tự, Ủy bạn truyền thông Liên bang đang đề xuất các quy tắc mới nhằm ngăn chặn khoản trợ cấp cho chính quyền địa phương nếu họ mua các thiết bị viễn thông nước ngoài có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia.

Rubio và Banks tin rằng cả ZTE lẫn Huawei đều là cánh tay đắc lực nằm trong chiến dịch tấn công kinh tế của chính phủ Trung Quốc. “Bộ Giáo dục không nhận thức được các mối đe dọa của Huawei khi họ đã xâm nhập thành công vào nhiều trường đại học trên khắp đất nước”. Các nhà lập pháp muốn những trường đại học hợp tác với Huawei phải bàn giao hợp đồng chi tiết, đặc biệt là các trường đại học được nhận tài trợ của liên bang. Nếu họ không tuân thủ, quốc hội có thể tạm thời dừng tài trợ.

Dan Blumenthal, Giám đốc Viện Doanh nghiệp Mỹ tại châu Á, chia sẻ: “Cần có một chiến lược nhất quán, toàn diện để đẩy lùi mọi yếu tố xâm lược kinh tế Trung Quốc, bao gồm việc chống lại ZTE và Huawei”. Bạn đọc quan tâm có thể xem lại bài viết Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ZTE trên bờ vực sụp đổ tại http://bit.ly/2K8g9Dn.

Các quan chức thực thi pháp luật đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về sự thâm nhập và gián điệp của Trung Quốc tại các cơ sở giáo dục của Mỹ. Giám đốc FBI Christopher A. Wray cho biết văn phòng hiện đang theo dõi thận trọng khi chính phủ Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại các cơ sở của Mỹ theo nhiều cách, đơn cử như thông qua Viện Khổng Tử và các mối quan hệ đối tác nghiên cứu.

Đáp lại những lời cáo buộc trên, Huawei phủ nhận mối quan hệ với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và tất cả cáo buộc xâm phạm trên Internet. Trong khi đó, chính quyền Mỹ đang tung ra một loạt các hành động để đối đầu với sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là việc trộm cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ…

Không chỉ riêng ở Mỹ, Huawei còn phải “đấu tranh” tại Úc khi có thông tin các nhà chức trách nước này có thể cấm hãng công nghệ Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng mạng di động 5G tại Úc.

Sắp tới, các hãng viễn thông của Úc sẽ phải thuê các công ty công nghệ để xây dựng mạng di động siêu nhanh nhưng cơ hội để Huawei tham gia vào dự án là không nhiều vì công ty đang gặp sự phản đối từ các cơ quan an ninh quốc gia Úc.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

 

Đọc thêm