Sau 2 năm, 3G Việt Nam vẫn “khởi động”?

Thuê bao tăng chậm, dịch vụ giảm

Với 115,2 triệu thuê bao di động tính đến hết Quý III năm 2011, Việt Nam đang là quốc gia có mật độ thuê bao/dân số vào diện "khủng" so với toàn thế giới. Chính vì vậy, các công nghệ gia tăng dựa trên nền di động tại nước ta cũng được liệt vào dạng có mức tăng trưởng nóng.

Sau 2 năm, 3G Việt Nam vẫn “khởi động”? ảnh 1

Nhiều dịch vụ nền 3G được triển khai nhưng không hấp dẫn người dùng.
Trong một thông báo gần đây, theo số liệu Qualcomm có từ Wireless Intelligen thì Việt Nam sau 2 năm triển khai 3G có tổng lượng thuê bao là 20 triệu cho dịch vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế thì tính đến thời điểm Quý II vừa qua, số lượng thuê bao chỉ còn xấp xỉ 8 triệu cho cả 3 nhà mạng lớn. và theo công ty nghiên cứu Frost & Sullivan thì con số này vẫn thuộc mức thấp trong khu vực.

Một nghịch lý là, nếu so với mặt bằng giá trong khu vực, mức cước 3G của Việt Nam đang được đánh giá là rất thấp và rất hấp dẫn cùng độ phủ sóng rộng rãi, chất lượng dich vụ Mobile Internet thuộc hàng ổn định.

Trên thực tế, một điều dễ thấy là 3G không đủ hấp lực với thuê bao Việt Nam so với các dịch vụ truyền thống như thoại và nhắn tin text. Nếu vào thời điểm khai trương, mạng VinaPhone ghi nhận một lượng lớn người dùng đăng ký dịch vụ Video on Demand trên nền 3G thì đến thời điểm này, số lượng khách hàng sau 2 năm dường như không có sự tăng trưởng. Về phía Viettel, theo ghi nhận từ phía bộ phận giá trị gia tăng của nhà mạng này thì các dịch vụ phục vụ thuê bao 3G đa dạng nhưng vẫn rất ít khách.

Nhận xét về thực trạng này, chuyên gia viễn thông cho biết: " Việt Nam có độ tăng trưởng nóng về mặt thuê bao di động nhưng lại khá nguội với 3G và các dịch vụ trên nền băng thông tốc độ cao. Điều này phản ánh một thực tế là mức độ sử dụng của người Việt vẫn còn thấp, chỉ số ARPU hàng năm thậm chí có lúc giảm hoặc tăng rất chậm. Với số ARPU 5,8 USD/người/tháng như hiện nay, đây là con số khó để có thể phát triển 3G".

Mặc dù đã được các nhà mạng "bình dân hoá" nhưng xem ra 3G vẫn là một dịch vụ gì đó rất xa vời với đại bộ phận người tiêu dùng. Hồng Thuý, sinh viên năm thứ 2 ĐH Ngoại giao cho biết: "Mới đầu nghe 3G thì cũng thích vì là công nghệ mới nhưng sau một thời gian dùng em thấy cách tính cước của nhà mạng rất có vấn đề đối với dịch vụ Mobile Internet, trong khi các dịch vụ khác như tải clip, nghe nhạc... thì không thực sự hấp dẫn bởi điện thoại đã có sẵn tính năng nghe nhạc, clip thì tải trên mạng rồi copy vào thẻ nhớ thoải mái, đỡ mất tiền".

Vậy là người dùng Việt Nam chạm tay vào 3G chỉ ở bước cơ bản loanh quanh dịch vụ băng thông tốc độ cao thay vì trải nghiệm các chức năng cao cấp hơn. Chính vì lẽ đó, các công ty dịch vụ nội dung cũng không chú trọng nhiều đến việc kích cầu thị trường này bằng các nội dung độc đáo.

Sau 2 năm, 3G Việt Nam vẫn “khởi động”? ảnh 2

Tỷ lệ thuê bao 3G không tăng như kỳ vọng của nhà mạng.
Một đại diện của công ty Dentsu, đối tác dịch vụ nội dung cho nhà mạng NTT Docomo tại Nhật trong một buổi làm việc gần đây đã cho biết: "Các bạn có mạng lưới và hạ tầng nhưng đó mới chỉ là khởi điểm. Cái quan trọng là phải thuyết phục được khách hàng sử dụng các dịch vụ nội dung thì như vậy mới gọi là kinh doanh 3G theo đúng nghĩa. Tại Nhật Bản, dịch vụ nội dung trên nền băng thông tốc độ cao chiếm 70, 80% doanh thu và các nhà phát triển nội dung nhờ đó cũng từ đó tạo ra những sản phẩm và chất lượng độc đáo".

Tính tới thời điểm hiện tại, theo một nghiên cứu tổng hợp từ các công ty nội dung lớn tại Việt Nam như VMG, VTC Mobile... thì sản lượng tin nhắn và doanh thu từ dịch vụ GTGT vẫn chủ yếu từ các nội dung xổ số, nhạc chờ, cài GPRS - vốn là những nội dung không phải trên nền 3G.

"3G chưa xong thì đừng mong 4G"

Đó là nhận xét của một chuyên gia viễn thông khi có những thông tin về việc thử nghiệm 4G tại Việt Nam. Theo chuyên gia này thì: "Chỉ cần nhà mạng Việt Nam tối ưu hoá và kích cầu đại bộ phận người tiêu dùng sử dụng dịch vụ 3G là đã thành công rồi bởi với tập quán tiêu dùng của người Việt Nam thì đường truyền 3G hiện nay là đã quá đủ, chưa cần thiết phải lên 4G. Nếu không làm tốt việc này, chắc chắn sẽ nhiều nhà mạng sẽ 'dính bẫy 3G' do chính họ đặt ra khi mà khấu hao đầu tư chưa hết đã phải tái đầu tư nâng cấp công nghệ".

Tuy nhiên, khi mà năm 2011 đã gần kết thúc, dường như mọi việc không êm đẹp như vậy trước những con số không đạt mục tiêu năm của các nhà mạng trong việc phát triển thuê bao.

Khi mà vẫn còn phải tập trung lo phát triển và giữ chân thuê bao, thật khó để có thể nói trước rằng sang năm tới các nhà mạng lớn đẩy mạnh hơn ở việc kích cầu người dùng 3G.

Gần đây, các nhà mạng lớn như VinaPhone, Viettel đều triển khai các gói cước 3G "siêu rẻ" với những gói cước data khá hấp dẫn chỉ khoảng 100 ngàn. Nhưng trên thực tế, nó lại được đón nhận rất hời hợt bởi theo nhiều khách hàng vẫn thích tặng tiền, nhân đôi thẻ nạp hơn là trải nghiệm với dịch vụ băng thông tốc độ cao.

Theo một lãnh đạo nhà mạng thì trong năm 2012 tới họ sẽ tập trung vào việc kích cầu thị trường người dùng 3G. Nhưng kích như thế nào để tăng cầu thì vị này cũng không tiện cho biết.

Xem ra, trước những dự báo về một năm khó khăn chung của tình hình kinh tế năm 2012, việc hướng người dùng tới các dịch vụ mới "tốn tiền" hơn trên nền di động sẽ là một bài toán khó của các nhà mạng lớn.

Thêm vào đó, với việc vẫn loanh quanh luẩn quẩn trong bài toán phát triển và giữ chân thuê bao di động cơ bản bằng các gói cước, phương án giá như "tỷ phú", "triệu phú", "miễn phí" nhằm vào đối tượng người dùng nội mạng thì chắc chắn, viễn cảnh mạng 3G của Việt Nam trong năm tới sẽ vẫn còn khá mờ nhạt.
Theo Vương Long (VNN)

Đọc thêm