Rủ nhau cai nghiện... Internet

Lời cầu cứu… online

“Em lên net thường xuyên, em có lẽ đã nghiện thật sự, em bỏ bê việc học và mọi thứ. Em đã thử nhiều lần bỏ net và bớt net nhưng vẫn hoàn net, net và net, đêm nào em cũng thức đến 1g. Ngày thì net tất cả những lúc rảnh, cuối tuần em net suốt ngày và thức rất khuya chỉ để blog, Y! hỏi đáp, chat, xem thư, xem linh tinh. Hãy giúp em với...”.

Đó là tin nhắn của một bạn có nick nhonnho12... tại diễn đàn Yahoo! Hỏi và đáp. Nó nhanh chóng thu hút sự đồng cảm và quan tâm của rất đông bạn trẻ với đủ mọi chia sẻ, an ủi và tư vấn khác nhau. Ai ai cũng đồng cảm việc “sao mình cứ online suốt ngày, có khi nửa giờ không mở mạng là cảm thấy rất cắn rứt”, “Người xưa có câu: quân tử một ngày không đọc sách mặt mũi khó coi, còn tui một ngày không lên mạng thì mặt mũi khó ưa”. Hoặc căng thẳng hơn là “mình cũng online 24/24 giống bạn vậy, đi học về là nhảy lên máy, còn nghỉ hè thì cứ ngồi bám riết cái máy, có hôm 4g sáng mới ngủ ấy chứ…”.

Quả thật, trước tình hình Internet giảm giá, Wi-Fi phủ kín thành phố và có đủ mọi thiết bị để kết nối với mạng toàn cầu, tình trạng “ăn Internet - ngủ Internet - trò chuyện Internet” đang ngày càng phổ biến tại các thành phố lớn. Một khảo sát về tần suất sử dụng Internet của một nhà đầu tư mạng xã hội tại VN làm doanh nhân này… hết hồn: hơn 70% thanh niên ở bốn thành phố lớn của VN online nhiều hơn bảy giờ mỗi ngày.

Cô bạn nhonnho12... đã chọn một giải đáp để bình chọn là “xuất sắc nhất” cho tình trạng “nghiện ngập” của mình: “1. Tập thể thao; 2. Nghĩ về ba mẹ (vì hành động này sẽ giúp bạn chú tâm vào việc học nhiều hơn); 3. Bạn nên đọc truyện khi rảnh, có thể là truyện tranh hay bất kỳ truyện gì bạn thích; 4. Hoặc bạn coi kịch hài, coi phim; 5. Hạn chế tối đa việc mở modem, chỉ mở máy vi tính nếu cần học”. Nhiều người đồng tình, nhưng cũng có bạn than thở: “Cũng khó như cai thuốc lá, đi đâu cũng thấy thiên hạ online hoặc nói về những chuyện thời sự của mạng, khó lòng mà dứt ra được”.

Quả thật, dù muốn cai nghiện Internet nhưng hầu hết những lời cầu cứu này lại được rao trên… mạng, tại khá nhiều trang. Tất nhiên nó làm người kêu cứu khó lòng mà cai được, vì còn phải kiểm tra xem đã có ai đến… cứu mình chưa.

Biện pháp mạnh

Không nguy hiểm như nghiện game, nhưng nghiện Internet đang bắt đầu có những dấu hiệu “ăn mòn” vào thời gian của một bộ phận không nhỏ người trẻ. “Tôi nghĩ lên mạng để học, làm việc hay tìm kiếm thông tin thì không bao giờ… gây nghiện, bởi không ai phải làm những việc này suốt cả ngày lẫn đêm. Chủ yếu cơn nghiện xảy ra với những việc… không đâu vô đâu, không chỉ mất thời giờ, sức khỏe mà còn làm lệch pha các quan hệ gia đình, xã hội đối với những người chúi đầu vào mạng. Tôi nghĩ, các bà thì nghiện tán dóc, nghe nhạc và xem hàng hóa, các ông thì thích đánh bạc, tán gái và xem những thứ bậy bạ” - Nguyễn Công Hùng, một giảng viên đại học, nói khá gay gắt trên... blog của mình về tình hình này.

Nếu như ở Mỹ hoặc Trung Quốc đã hình thành những bệnh viện chuyên cai nghiện Internet mà báo chí hay giới thiệu trong mục “thế giới kỳ lạ”, thì nhiều phụ huynh, thậm chí nhiều bạn trẻ đã bắt đầu dùng những hình thức mạnh tay hơn đối với Internet. Bà Mai Vân, nhà ở đường Nguyễn Văn Đậu (TP.HCM), đã dùng kéo cắt phăng đường truyền Internet dù bà luôn phải làm việc với tổng hành dinh công ty ở nước ngoài. Bà ta thán: “Thằng con cứ về nhà là chúi mũi vô Internet. Kiểm soát kỹ nhưng cuối cùng thì có khi cả ngày mẹ con chẳng nói câu nào, rất là nguy”.

Bạn Nguyễn Hải Long, giám đốc kinh doanh của một công ty đa quốc gia, quyết tâm “lánh nạn” bằng việc xung phong đi phát triển thị trường vùng sâu vùng xa để “có muốn cũng không online được”. Sau ba tuần cách ly với thế giới mạng, anh trở về và tập thói quen… viết tay mọi văn bản, thư từ và gọi điện thoại trao đổi công việc, mọi thứ liên quan đến máy móc đều nhờ người khác hỗ trợ.

“Đừng dán mắt mãi vào máy tính mà lục tìm thông tin xa xôi, hãy ra ngoài nắng, trò chuyện với bạn bè và sống cuộc sống thực tại của mình. Hãy thử một ngày không online, đời sẽ khác lắm...”, câu khẩu hiệu được truyền nhau trên mạng, cổ vũ cho trào lưu sống giản đơn đang ngày càng nổi trội hơn trên thế giới quả thật như một lời nhắc cho những ai bắt đầu nghiện Internet. “Internet là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu nhất cho cuộc sống và công việc hiện nay, nhưng nếu không cẩn thận, nó cũng là sợi dây xích, trói cuộc sống của ta vào thế giới ảo. Tớ tắt máy đây...”, lại một lời nhắn từ Yahoo! Messenger nữa.

Theo TRẦN NGUYÊN (Tuổi Trẻ)

Đọc thêm