Robocon 2009 vòng loại KV phía Bắc: Cuộc đấu của công nghệ và ý chí!

Robocon 2009: Phô diễn công nghệ...

Đề thi Robocon 2009 ít chú trọng tính đối kháng nhưng là sự phô diễn về công nghệ và kỹ thuật. 5 nhiệm vụ đặt ra trong đề thi: lên kiệu, vượt núi, băng rừng, xuống kiệu và đánh trống, đều đặt ra những bài toán về công nghệ cực kỳ phức tạp. Điển hình là làm sao để có thể đảm bảo độ ổn định thăng bằng cho robot lữ hành ngồi trên kiệu cago, được gánh bởi một robot tự động khiêng kiệu và một robot khiêng kiệu điều khiển bằng tay mà vẫn đảm bảo tốc độ hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhất. Một bài toán nhưng có rất nhiều lời giải công nghệ, và đó chính là lý do để mỗi đội góp mặt tại vòng 2 này, đều mang đến sân thi đấu những dấu ấn công nghệ riêng của mình.

Chưa có một đề thi Robocon nào mà nhiệm vụ đặt lên vai của robot tự động lại nặng nề như Robocon 2009: một robot dẫn đường, robot tự động khiêng kiệu phải đạt được độ chính xác, tốc độ di chuyển cực nhanh. Theo dõi những cuộc thi đầu tiên ở vòng loại, có thể thấy, các đại diện đến từ Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thể hiện những thiết kế rất ấn tượng bằng việc sử dụng khí nén để bẻ lái cho robot tự động, ép hai bánh trước của robot xuống đường hạ thấp trọng tâm trong quá trình thực hiện cua tay áo. Đây là công nghệ khá cao được ứng dụng tương tự trong thiết kế bẻ lái của ôtô.

Trong khi đó, không chỉ dò đường theo vạch trắng trên sân, những chú robot đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội còn sử dụng cảm biến khoảng cách để có thể tự động thay đổi hướng chuyển động của robot tự động khiêng kiệu, rút ngắn đáng kể quãng đường băng rừng.

Điểm mặt anh tài

Trở lại lần thứ 2 với vòng chung kết toàn quốc sau 6 năm vắng bóng, nhưng Đại học Sư phạm kỹ thuật (SPKT) Hưng Yên trở thành hiện tượng đột phá với 4 đại diện. Mặc dù không được đánh giá cao về hiệu quả ứng dụng công nghệ mới, tốc độ di chuyển của robot khiêng kiệu, nhưng bù lại, robot lữ hành của họ lại hoạt động rất tốt ở những nhiệm vụ cuối là xuống kiệu và đánh trống. Nhờ đó, trong những trận đấu quan trọng, Đại học SPKT Hưng Yên đều giành được những chiến thắng trong gang tấc trước những đối thủ được xem là mạnh hơn tới từ ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Bách Khoa, Học viện Phòng Không Không Quân.

Ngôi trường thứ 2 có tới 4 đại diện tham dự vòng chung kết là Học viện Phòng Không Không Quân (PKKQ). Với thiết kế robot chính xác, sử dụng công nghệ cao như đưa la bàn điện tử vào để cân bằng và điều khiển robot, giúp cho thành tích của Học viện PKKQ luôn xếp ở vị trí đầu bảng. Những chú robot đến từ Học viện PKKQ đã từng gióng lên nhịp trống khải hoàn chỉ với trên 60 giây, thành tích cao nhất đạt được ở vòng loại khu vực phía Bắc.

Trong khi đó, Đại học Công nghiệp Hà Nội - đương kim vô địch năm nay chỉ có 1 đội lọt vào đến vòng chung kết là CNĐT03. Tuy vậy, họ vẫn được đánh giá cao về mặt ứng dụng công nghệ và sáng tạo. Tuy nhiên, thiếu một chút may mắn để những CNĐT01, FE_CN02, CDT-K9 có mặt trong vòng chung kết Robocon 2009.

Năm nay, trường ĐHBK có 2 thành viên góp mặt vào chung kết trong tổng số 15 đội mang quân đi thi đấu. Không mạnh về cơ khí như ĐH Công Nghiệp Hà Nội, các chàng trai Bách Khoa Hà Nội lại có ưu thế mạnh về lập trình, sử dụng cảm biến đo khoảng cách để Robot có thể chuyển hướng dễ dàng ở góc 45 độ, rút ngắn thời gian băng rừng. Với truyền thống từng vô địch Robocon trong nước và góp mặt tới hai lần tại cuộc thi ABU Robocon quốc tế, các đội trường đến từ ĐH Bách Khoa càng vào vòng trong càng thể hiện bản lĩnh thi đấu vững vàng và họ rất xứng đáng ở vị trí ứng cử viên cho chức vô địch năm nay.

Một trường có truyền thống Robocon là Học viện Kỹ thuật Quân sự. Chỉ 1 đội lọt vào vòng 2 của vòng loại khu vực phía Bắc nhưng Hồng Hà CMT lại được đánh giá là đội mạnh nhất bảng, với thiết kế cơ khí chính xác, tốc độ cản lướt rất nhanh. HỒNG HÀ CTM xuất quân là mang đến những chiến thắng tuyệt đối.

Trong số 14 đội đại diện khu vực phía Bắc tham dự vòng chung kết có 2 đại diện đến từ các trường cao đẳng là CKĐT09 của CĐ Cơ khí luyện kim Thái Nguyên và DYNAMICS RED STAR từ CĐ Công nghiệp Sao Đỏ. Năm 2008 cả 2 trường cũng đã có đại diện lọt vào đến vòng này. Năm nay, tuy không được đánh giá cao về mặt công nghệ nhưng Robot Sao đỏ hoạt động khá ổn định, lại không nằm trong bảng tử thần nên dễ dàng thẳng tiến đến vòng chung kết sẽ diễn ra tại Huế.

Chung kết toàn quốc Robocon 2009 sẽ được diễn ra tại Huế từ ngày 11/5-15/5/2009.

Theo VTV

Đọc thêm