Rộ trào lưu biến laptop thành MacBook

Kỳ công với Hackintosh

“Hackintosh” (hay OSx86) là thuật ngữ được dùng để gọi những phiên bản hệ điều hành Mac OS được “chế biến” lại để có thể cài đặt trên những laptop vốn dùng HĐH Windows.
Trên thế giới, dự án phát triển các phiên bản Hackintosh đã xuất hiện từ năm 2005. Tuy muộn hơn, nhưng gần đây phong trào “độ” hệ điều hành MAC ở Việt Nam vẫn diễn ra khá sôi nổi trong cộng đồng người yêu công nghệ và được thực hiện chủ yếu trên các laptop/notebook dùng vi xử lý của hãng Intel.

Rộ trào lưu biến laptop thành MacBook ảnh 1

Một người yêu công nghệ cài đặt thành công Hackintosh trên laptop Dell.
Theo L.V. Tài, một dân “độ” chuyên cài hackintosh cho người dùng ở TP HCM, để cài Hackintosh, đầu tiên cần kiểm tra cấu hình của máy có phù hợp hay không. Ví dụ như cần tránh những dòng máy có card Wi-Fi Atheros 9485, những máy dùng card Wi-Fi Intel (R) PRO, card đồ họa sử dụng công nghệ Optimus của nVidia (vì không hoạt động trên Hackintosh),... sau đó mua bản cài đặt MAC OS Retail từ Apple với giá khoảng 25 USD để tiến hành “bào chế” bộ cài đặt này thành những bản Hackintosh và cài đặt lên thiết bị của mình.
Tuy nhiên, với những người ít kinh nghiệm, họ cũng có thể chọn cách tải về các bản Hackintosh được “bào chế” sẵn ở các diễn đàn công nghệ uy tín. Sau khi cài đặt, bạn phải tìm và tải về những driver (trình điều khiển, hay còn được gọi là “kext”) trên internet.
“Trên lý thuyết, Hackintosh có thể cài đặt trên hầu hết các máy tính sử dụng vi xử lý X86 của Intel và một vài dòng máy của AMD. Tuy nhiên,để tìm được đầy đủ trình điều khiển thiết bị (driver) cho card đồ họa, card wifi, blutooth…cho laptop sau khi cài đặt, người dùng thường phải mất khá nhiều thời gian, có khi phải thay thế cả phần cứng để máy hoàn toàn tương thích với Hackintosh”, anh Huỳnh Thanh Hùng, một người nhiều kinh nghiệm về Hackintosh ở Q.1, TP HCM, chia sẻ.
Theo anh Hùng, trong các dòng laptop sử dụng vi xử lý Intel hiện nay, những mẫu của Sony Vaio là trở ngại "khó nhằn" nhất với dân Hackintosh vì khả năng tương thích trong môi trường MAC khá thấp. Những người sở hữu Sony Vaio thường chọn cách trải nghiệm MAC OS trên những máy ảo, hoặc cài giao diện giả lập của MAC OS cho hệ điều hành Windows.
Thú vị nhưng nhiều rủi ro
Vì muốn trải nghiệm MAC OS, anh Lê Thành Nhơn, thành viên một diễn đàn công nghệ, cũng thử sức với Hackintosh. Anh Nhơn cho biết, mặc dù đã tìm hiểu khá kĩ, nhưng khi anh bắt tay vào cài đặt, các lỗi lặt vặt mới bắt đầu xuất hiện. Vì MAC OS và Windows là hai nền tảng sử nhiều chuẩn công nghệ khác nhau, nên việc cài đặt cũng trải qua rất nhiều khâu chuyển đổi. Sau một ngày “mày mò”, anh đã cài được Hackintosh chiếc notebook ASUS nhưng vẫn không nhận được Wi-Fi và USB 3.0.

Rộ trào lưu biến laptop thành MacBook ảnh 2

Một nhóm những người quan tâm đến Hackintosh ở TP HCM.
Dạo một vòng quanh các diễn đàn công nghệ có cộng đồng Hackintosh Việt Nam, có thể bắt gặp khá nhiều các chủ đề tư vấn phần cứng để tương thích với Hackintosh. Những lỗi về thiết bị như chuột không hoạt động, máy hay bị treo, một số tính năng "mất tích",...là một trong các lỗi phổ biến.
 
“Việc chủ động thay thế các linh liện bên trong thiết bị là hơi… quá sức đối với những người thiếu kinh nghiệm . Nếu bạn thao tác không cẩn trọng, thiết bị có thể bị hư hỏng”, TuanAK - một thành viên bày tỏ.
 
Hiện nay, ở Hà Nội và TP HCM cũng đã xuất hiện những nhóm yêu thích Hackintosh. Việc thường xuyên được gặp gỡ, trao đổi cũng giúp những người mới tìm hiều về giải pháp này có thêm kinh nghiệm để “thổi hồn Apple” vào những chiếc máy tính vốn dùng hệ điều hành Windows.
 
“Chỉ tốn tiền cà phê thôi, nhưng cũng vui vì gặp nhiều anh em có chung sở thích. Nhờ được chia sẻ những bộ cài đặt và mẹo thao tác, việc chinh phục Hackintosh với mình trở nên dễ dàng hơn”, Hoàng Sơn - sinh viên CNTT, chia sẻ trong buổi offline ở TP HCM.
 
Theo chia sẻ của những người tìm hiểu về Hackintosh, việc cài hệ điều hành Mac OS trên laptop thông thường bằng giải pháp sử dụng Hackintosh chỉ mang tính trải nghiệm hoặc đáp ứng một nhu cầu đặc biệt nào đó trong công việc. Nếu như MacBook Air "thứ thiệt" có thể khởi động trong vòng vài giây, một chiếc laptop dùng Hackintosh khó có thể đạt được tốc độ tương tự nếu không được trang bị phần cứng 'khủng".
Theo Duy Nguyễn (ictworld)

Đọc thêm