Rộ dịch vụ bán “dế sang” trả góp

Rộ dịch vụ bán “dế sang” trả góp ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp cung cấp cả tiện ích tính lãi suất tự động cho từng sản phẩm để khách hàng tiện lên kế hoạch. Ảnh: Đ.H

Thủ tục ngày càng “thoáng”

“Trả góp không cần thế chấp”, “Trả góp không lãi suất” hay “Mua trả góp giá mềm”… - hàng loạt lời rao hấp dẫn như thế đang xuất hiện tràn lan trên mạng, “hút” những đối tượng như sinh viên, người đang đi làm túi tiền dù chưa đủ nhưng muốn sắm chơi dế “sang”.

Như tại thị trường Hà Nội, có thể kể đến các công ty như FPT Shop, tragoplaptop.com, Hà Việt (tragoplayngay.vn), rồi nhiều siêu thị như Việt Long, Thế giới di động… cũng ngày càng “nhảy sâu” vào lĩnh vực này.

Về mặt hàng được hỗ trợ trả góp, hiện hầu hết là cho những loại có giá từ hang chục triệu đồng cho tới ngót 20 triệu như Galaxy SII, HTC Evo 3D, Nokia 8800 Carbon Arte… Trong đó, đang “hot” nhất hiện nay phải kể đến chiếc điện thoại iPhone 4. Đáng chú ý, hiện hầu hết các doanh nghiệp đều cam kết xét duyệt hồ sơ cho vay nhanh chóng. Thông thường các doanh nghiệp (với sự hợp tác cùng một tổ chức tài chính tín dụng hoặc ngân hàng “ruột”) hiện chỉ yêu cầu khách hàng mang chứng minh nhân dân và hộ khẩu, không cần thế chấp và thậm chí có nơi mạnh miệng tuyên bố “bán không lãi suất”… (khách hàng chỉ cần trả trước từ 30% - 70% giá trị sản phẩm, có thể trả góp trong 3 tháng, 6 tháng, hoặc 9 - 12 tháng).

Tuy nhiên, cũng có không ít nơi còn cho phép người mua không nhất thiết phải “sở hữu” hộ khẩu Hà Nội (như tại Hà Việt Computer trên phố Thái Hà), rồi đưa ra bảng tính lãi suất tự động trên website, cho phép khách hàng chỉ cần nhập số tiền trả trước, giá sản phẩm, thời hạn vay là sẽ cho ra ngay số tiền phải trả hàng tháng để tiện lên kế hoạch.

Đáng chú ý, hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhắm đến cả đối tượng mà trước đây thường bị họ “chê” là tiềm ẩn rủi ro cao như sinh viên. Theo nhận định của giới kinh doanh mặt hàng điện tử, không chỉ riêng Hà Nội mà tại các đô thị lớn khác như Đà Nẵng, TP.HCM cũng ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp bán mobile trả góp cho mọi đối tượng. “Giữa lúc đời sống kinh tế của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, đây là xu hướng phù hợp của các doanh nghiệp nhằm nỗ lực “kích cầu” thị trường mobile hiện có vẻ trầm lắng”, anh Quân, chủ cửa hàng Apple Shop trên phố Huế (Hà Nội) nhận định. Lấy ví dụ như tại Hà Nội, không giống như thời điểm hơn 1 năm trở về trước số lượng doanh nghiệp bán điện thoại trả góp điện thoại chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay cũng đã có đến vài chục doanh nghiệp, chủ yếu tập trung ở phố Thái Hà, Lê Thanh Nghị, Lý Nam Đế…

Bán trả góp cả… iPhone 4S?

Liên quan đến câu chuyện bán điện thoại đắt tiền trả góp, một vấn đề tuy không còn mới cũng cần được nhắc lại để cảnh báo người tiêu dùng đó là cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định đặt mua. Bởi thực tế cho thấy, hiện có không ít doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa bán trả góp để nâng giá lên cao chót vót so với thông thường, hoặc thậm chí là diễn ra cả tình trạng lừa đảo.

Ví dụ như sản phẩm iPhone 4 bản quốc tế dung lượng 16GB tại Bách Khoa Computer hiện có giá tới 16,8 triệu (trong khi giá phổ biến hiện nay chỉ khoảng 15 triệu). Tức là, ngoài việc phải chịu giá bán cao… bất bình thường thì người dùng cũng còn phải chịu lãi suất khoảng 2 – 2,2 %. Ví dụ như mua trả góp trong 6 tháng chiếc iPhone 4 16GB giá 16,8 triệu, thì khách hàng sẽ phải chi thêm tới hơn 4 triệu đồng so với việc “mua đứt” sản phẩm.

“Nhiều người không có kinh nghiệm, không tính toán kỹ rất dễ bị mua đắt đến vài triệu đồng. Nếu ít tiền và không quá sốt ruột với “hàng hiệu” thì nên tích cóp và đợi đến thời điểm hợp lý để mua”, anh Định, nhân viên công ty máy tính Siêu thanh (Hà Nội) lưu ý.

Theo H.P (ICTnews )

Đọc thêm