Ra Tết, dân buôn hi-tech chơi dài vì... ế

Ra Tết, dân buôn hi-tech chơi dài vì... ế ảnh 1

Thị trường máy tính tiêu thụ chậm nhất trong lịch sử
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi..."

Câu ví von có vẻ như vẫn nghiệm ứng với tình hình kinh doanh máy tính và các thiết bị số thời điểm hiện tại. Nếu như cùng kỳ hàng năm, thời điểm cận Tết và ra Tết là khoảng thời gian khá tưng bừng của giới buôn đồ công nghệ, máy tính thì trong vài năm trở lại đây, thị trường càng ngày càng trầm lắng bất kể hàng loạt dự báo về xu hướng tăng của các công ty nghiên cứu thị trường.

Anh Minh Hoàng, phụ trách ngành hàng máy tính xách tay của một đơn vị chuyên doanh công nghệ trên đường Láng (Hà Nội) cho biết: "Năm vừa rồi nhiều báo cáo cho rằng máy tính xách tay bán tốt nhưng thực tế thì dân trong nghề ai cũng nản bởi người mua thì ít, ngắm thì nhiều. Doanh số ước đạt chỉ bằng 50% so với các năm 2010 đổ về trước, doanh thu có tăng nhưng tăng là vì vật giá tăng chứ lỗ vẫn hoàn lỗ".

Cùng chung quan điểm của anh Hoàng, anh Tuấn Anh, phụ trách kinh doanh sản phẩm netbook than thở: "Máy tính xách tay giá từ trung đến cao đã đành, netbook còn thê thảm hơn vì bán đại hạ giá cũng chẳng ai mua. Hiện giờ chỉ còn Samsung, Asus là bám trụ ở phân khúc này tại thị trường Việt Nam với một, hai mẫu gọi là. Tuy nhiên doanh số bán ra thì không thể đếm được bởi có tuần chẳng bán được máy nào. Có lẽ thị trường máy tính giá rẻ cũng sẽ đến hồi kết".

Tại một số thị phần khác gồm linh kiện các dòng máy tính để bàn, ghi nhận của VietNamNet tại phân khúc này là một sự đìu hiu đến phẳng lặng. Do nhu cầu nâng cấp và sử dụng máy desktop ngày càng ít trong khi giới đầu tư chơi các PC cấu hình "khủng" thì chỉ đếm trên đầu ngón tay nên tại một số đơn vị điện máy lớn như Trần Anh, Mai Hoàng...các linh kiện cao cấp như card đồ hoạ, RAM "chiến" hay bo mạch khủng của các hãng như MSI, Gigabyte, Asus thậm chí còn không có hàng sẵn, phải đặt trước mới có.

Anh Thắng, kinh doanh mặt hàng máy tính để bàn cho biết:"Còn mấy ai muốn chơi PC như trước nữa đâu để mà nâng cấp máy theo chu kỳ năm. Bây giờ lứa khách hàng chơi PC thì đã bỏ nghề hoặc rã đám, còn lứa khách hàng mới thì chủ yếu tập trung vào các công nghệ số di động như laptop, máy tính bảng cao cấp hoặc thấp hẳn ở thị phần các máy bộ, máy bàn lắp sẵn cấu hình thấp, giá rẻ".

Một số công ty trước đây vốn chuyên doanh máy tính bàn, linh kiện cao cấp như công ty Anh Đức thì giờ đây cũng chuyển hẳn sang kinh doanh máy chủ và các giải pháp phần cứng dành cho dự án, thay vì tập trung vào đối tượng khách lẻ, thị trường ngách như trước kia.

Nhận định về thị trường này, một chuyên gia lâu năm trong ngành tin học cho biết:"Sự đi xuống của thị phần máy tính ngoài việc ảnh hưởng bởi chuỗi khủng hoảng kinh tế thì còn do những thay đổi về tập quán sử dụng của người dùng đầu cuối. Ngay đến HP cũng còn gặp lao đao trong việc sản xuất máy tính thì mặt bằng chung của thị trường này đã chạm ngưỡng bão hoà và sẽ thay đổi theo chiều đi xuống trong các năm tới, khi mà thị phần các dòng máy cầm tay, di động lên ngôi".

Ra Tết, dân buôn hi-tech chơi dài vì... ế ảnh 2

Các máy tính bảng giá rẻ của thương hiệu uy tín vẫn tiêu thụ tốt.
"Còn ăn chơi dài"

Đó là nhận định của anh Tuấn, phụ trách kinh doanh công ty máy tính Hưng Long, theo anh thì:"Hết tháng Giêng rồi vào Quý II, mà đây là khoảng thời gian 'lạnh' nhất của thị trường giữa mùa hè. Khách lẻ bán chậm, khách dự án khó giải ngân nên thị trường máy tính còn khó khăn dài".

Thị trường máy tính xách tay đã vậy, tại phân khúc đồ số những ngày đầu năm nay cũng ghi nhận một sự sụt giảm đáng kể. Ghi nhận tại các trung tâm điện máy lớn, các dòng TV LED/LCD đều bán chậm và kém hơn năm 2011 từ 30 đến 40% bất kể mức giá vẫn ngang ngang năm ngoái.

Không chỉ có vậy, các dòng thiết bị giải trí tại gia như dàn loa Home Theatre, đầu phát HD, máy ảnh số cũng chung thảm cảnh. Tại cửa hàng đồ số trên phố Hàng Bài, theo ghi nhận tại đây thì trung bình từ ngày mở hàng đầu xuân, mỗi ngày chỉ bán được 2 máy ảnh số và 1 đầu phát HD, trong khi thời gian này năm ngoái con số này là gấp 3 lần.

Sức tiêu thụ của các dòng máy tính bảng, máy nghe nhạc cũng không còn mạnh như mùa mua sắm cuối năm thời điểm tháng 12. Tính tới thời điểm này, các dòng máy nghe nhạc của Creative, iRiver... đã chết yểu trên thị trường và thế độc tôn thuộc về các dòng máy iPod của Apple, tuy nhiên sức tiêu thụ cũng không cao.

Theo chị Lan Anh, khách hàng mua máy nghe nhạc thì: "Năm nay các dòng máy nghe nhạc ít thứ mới lạ nên mình chẳng có nhu cầu đổi máy. iPod Nano, iPod Touch của Apple thì vẫn thiết kế cũ với chức năng tương đương nên không tạo được dấu ấn đậm nét như hàng năm".

Thị trường máy tính bảng lần đầu tiên ghi nhận sự chững lại của iPad. Sau gần 1 năm chiếm ngôi đầu, vị trí này tại thị trường Việt đã bị Kindle Fire và Nook Tablet tiếm ngôi. Giá của Kindle Fire tại Việt Nam khoảng 5,5 triệu trong khi Nook Tablet là 6,5 triệu, vẫn rẻ bằng nửa so với iPad 2 phiên bản thấp nhất.

Một chủ cửa hàng bán Kindle Fire xách tay tại mạng Muare cho biết:"Khách mua hàng của tôi đa số là khách hàng trẻ với kinh phí eo hẹp với một số người dùng đã có iPad nhưng thích trải nghiệm mới. Giá bán 5,2 đến 5,5 triệu cho Kindle Fire là khá hợp lý cho một sản phẩm thương hiệu thay vì người tiêu dùng phải bỏ tiền ra mua các máy tính bảng thương hiệu Việt - ruột Tàu chất lượng kém".

Tuy nhiên, vị chủ cửa hàng này cũng cho biết, dù bán chạy nhưng do nguồn hàng hạn hẹp do phải đặt từ Mỹ, tốn thời gian và chi phí cao nên không ăn lãi được nhiều. Thêm vào đó, nếu cuối Quý I/2012 Apple ra mắt iPad 3 với những tính năng vượt trội hơn thì rất có thể thị phần này ít nhiều bị ảnh hưởng.
Theo Vương Long (VNN)

Đọc thêm