Quản thuê bao trả trước: rà soát 200.000 điểm giao dịch

Quản thuê bao trả trước: rà soát 200.000 điểm giao dịch ảnh 1
Trong 2 năm, Viettel đã cắt 7.000 hợp đồng đại lý ủy quyền. Ảnh minh họa.
Khâu yếu nhất vẫn là đại lý
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, nếu nói ngắn gọn về tồn tại trong công tác quản lý thuê bao trả trước hiện nay thì đó là: cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao trả trước đầy đủ nhưng chưa chính xác.

Trong các tồn tại, khâu yếu nhất vẫn là đại lý. "Nếu đại lý thực hiện tốt các quy định về đăng ký thông tin thuê bao thì độ chính xác của thông tin không thể thấp được", Thứ trưởng khẳng định.
Trong 2 năm qua, Viettel đã cắt 7.000 hợp đồng đại lý uỷ quyền nhưng nếu không quản lý chặt chẽ, đại lý mới sẽ vẫn tiếp tục vi phạm. Vì thế, Thứ trưởng Thắng yêu cầu các doanh nghiệp phải rà soát lại hệ thống hơn 200.000 điểm giao dịch được ủy quyền. Theo Thứ trưởng, con số này là quá nhiều và các doanh nghiệp cần xem xét cắt giảm còn 100.000 điểm (tương ứng 10 phường xã/1 điểm), cũng như tiến tới dùng chung các điểm giao dịch.
Thứ trưởng cho biết, trong năm nay Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn Luật viễn thông, trong đó sẽ đưa vào các điều khoản về đăng ký thuê bao viễn thông; về điều kiện để trở thành chủ điểm giao dịch.
Đại tá Vũ Xuân Dung, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho rằng: nếu làm nghiêm từ khi đăng ký, bắt buộc người sử dụng phải xuất trình CMT, chủ đại lý trực tiếp kiểm tra thông tin sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng khai báo thông tin không chính xác.
"Còn đối với những trường hợp cần phối hợp đối chứng, chúng tôi sẽ hợp tác. Riêng về Đề án cơ sở dữ liệu chứng minh thư điện tử, chúng tôi dự kiến triển khai vào cuối năm 2011", Đại tá Dung cho biết.
Sẽ có điểm giao dịch “N trong 1”
Hiện tại, mỗi nhà mạng có 1 hệ thống giao dịch riêng và tại đó chỉ làm thủ tục hòa mạng cho chính thuê bao của mạng đó. Trước thực tế này, theo đề xuất của ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom, các doanh nghiệp viễn thông nên dùng chung “hạ tầng” giao dịch để vừa tạo thuận lợi cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
"Nếu việc này được thực hiện, tại một điểm giao dịch sẽ có đại diện của các mạng để người dân có thể lựa chọn đăng ký mạng nào mình thích chứ không phải đến từng điểm giao dịch của từng nhà mạng như hiện nay", ông Sơn nói.
Ngoài ra, ông Sơn cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với nhau trong việc thông tin và xử lý những đại lý có “tiền án” để xử lý nghiêm, tránh tình trạng đại lý vi phạm bị cắt hợp đồng với mạng này lại "chạy" sang nhà cung cấp khác rồi cũng vi phạm tương tự.
Theo Hà Phương (VNN)

Đọc thêm