Phóng viên thời “công nghệ số”

Phóng viên thời “công nghệ số” ảnh 1

Ảnh minh họa 

“Nhàn” hơn nhờ 3G

Trình làng tại Việt Nam năm 2009, có thể nói công nghệ 3G đã trở thành một sự kiện lớn đối với giới phóng viên, bởi lẽ: Giờ đây, chỉ cần sở hữu trong tay thiết bị truy cập là USB 3G nhỏ gọn hoặc một “chú dế” có tính năng kết nối 3G (như Nokia) để làm modem giúp chiếc máy tính xách tay cũng “nối” được Internet tốc độ cao, cánh phóng viên có thể ung dung lướt web phăng phăng tại bất cứ nơi đâu để chuyển tin bài, hình ảnh hoặc video clip về toà soạn, thay vì phải “ì ạch” với công nghệ chậm chạm của GPRS như trước hay phi xe thục mạng về tận tòa soạn.

Tuy nhiên, do mới được ra mắt tại Việt Nam nên sự phát triển của mạng lưới 3G chưa được rộng. Chính vì thế, cánh phóng viên, nhất là người chuyên viết về lĩnh vực CNTT đều “ao ước” có thể sở hữu trong tay những thiết bị kết nối mạng băng rộng vệ tinh toàn cầu, không phụ thuộc vào nhà cung cấp nội địa như cách mà các phóng viên của nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới như BBC, AFP… vẫn thường sử dụng để tác nghiệp tại Việt Nam trong những sự kiện quốc tế.

Còn nhớ, hồi năm 2007, giới phóng viên công nghệ Việt Nam được dịp xôn xao khi Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) giới thiệu dịch vụ kết nối mạng băng rộng vệ tinh toàn cầu (Broadband Global Area Network). Thiết bị này được giới thiệu là cho phép người dùng sau khi đăng ký với nhà cung cấp sẽ nhận được một chiếc SIM Card tương tự như điện thoại di động để kết nối Internet với tốc độ 512 Kbps. Tuy nhiên, mỗi đầu thu phát tín hiệu vệ tinh như thế có giá bán từ 2.000 – 4.500 USD (tức là cao nhất lên tới gần trăm triệu đồng), khiến cho cánh phóng viên đành ngậm ngùi… “bỏ qua”.

Phóng viên thời “công nghệ số” ảnh 2

Gõ tin bài bằng… di động

Máy vi tính sắp hết pin nhưng tìm không nổi chỗ cắm sạc! Cái “án” đó quả thật là một cực hình đối với cánh phóng viên phải đi công tác đường dài, điều kiện bắt buộc phải di chuyển liên tục trong thời gian gấp gáp. Tuy nhiên, câu chuyện đó giờ đã không còn là vấn đề đáng để quá lo ngại.

Hiện nay, việc viết và gửi tin thông qua chính chiếc điện thoại di động đang được rất nhiều phóng viên tại Việt Nam sử dụng nhờ những chú dế “thông minh” hay thậm chí chỉ là “bình dân” của Nokia, SamSung… cho phép người dùng có thể cài đặt phông chữ tiếng Việt đang được bán tràn ngập thị trường. Chính vì vậy, khi những chiếc laptop mang theo hết pin hoặc đơn giản hơn chỉ là không tiện để rút ra để gõ bài do phải di chuyển gấp gáp, thì cánh phóng viên hoàn toàn có thể lôi “chú alo” ra để thực hiện cái “thiên chức” này. Thùy Liên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cho biết: “Sử dụng chiếc Nokia E71, tôi có thể soạn và gửi một tin khoảng 200 - 250 chữ về tòa soạn chỉ trong vòng 20 – 30 phút, rất nhanh chóng”.

Tuy nhiên, nếu cho rằng phải gõ nội dung trên bàn phím điện thoại di động (dù là bàn phím qwerty được đánh giá tiện lợi) vẫn là một cực hình, chỉ phù hợp với chuyện viết tin ngắn, không thể “kiên trì” gõ được bài dài hàng nghìn chữ, thì cũng không ít phóng viên đã thửa riêng cho mình những bàn phím Bluetooth Laser với kích thước nhỏ gọn.

Ứng dụng công nghệ kết nối không dây Bluetooth, những bàn phím như vậy cho phép người dùng kết nối với chú dế SmartPhone hoặc điện thoại thông thường để thoải mái “múa” tay như với bàn phím máy tính. Đáng chú ý, Bluetooth Laser là thiết bị ngoại vi với kích thước chỉ nhỉnh hơn một chiếc điện thoại di động thông thường, sử dụng diode phát ra ánh sáng laser đỏ để chiếu hình ảnh bàn phím ảo lên một bề mặt bất kỳ. Khi cánh phóng viên sử dụng, tia hồng ngoại được sử dụng để nhận biết sự di chuyển của các ngón tay.

Ngay tại thị trường Hà Nội và TP.HCM, những bàn phím như vậy không hiếm, tuy nhiên giá cả cũng rơi vào tầm 3,9 triệu đồng trở lên - tức là chỉ rẻ hơn một bộ máy tính để bàn có giá thấp nhất trên thị trường hiện nay chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng.

Phóng viên thời “công nghệ số” ảnh 3

“Thúc” phóng viên Việt tiếp cận công nghệ

Lỉnh kỉnh quanh mình những vật bất ly thân như máy ảnh số, máy tính xách tay, thiết bị kết nối Internet tốc độ cao, máy ghi âm (có thể là kiêm quay phim, chụp ảnh, được “ngụy trang” tinh vi dưới dạng chiếc cúc áo)…, cánh phóng viên “nội” giờ đây có thể ung dung tác nghiệp tại bất cứ nơi đâu. Sự bùng nổ thông tin toàn cầu cũng như sự xuất hiện ngày càng nhiều của phương tiện kỹ thuật số tiên tiến đang khiến cho nghề báo trở thành một trong những ngành nghề mang tính cạnh tranh khốc liệt.

Đặt trong xu thế đó, hiện nay nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đã thẳng tay tạo ra “sức ép” buộc phóng viên phải nhạy bén trong việc tiếp cận với công nghệ mới hỗ trợ tác nghiệp. Thậm chí, còn đưa ra cả chuyện thưởng - phạt cho vấn đề này. Trong khi đó, nhân nói chuyện tiếp cận với công nghệ của làng báo Việt Nam, thì có thể thấy rằng hầu hết mới dừng lại ở chuyện “tùy tâm” và “tùy túi” (tiền) của từng cá nhân phóng viên.

Chính vì thế mới có chuyện bên cạnh thực tế nhiều phóng viên cật lực “cày” tin và tận dụng tối đa để đảm bảo 30 phút sau khi sự kiện diễn ra sẽ được đăng, thì không ít phóng viên vẫn còn đang… ngoài cuộc với công nghệ. Thậm chí, làm tại một tờ báo điện tử (rất cần thông tin cập nhật từng phút, từng giờ) mà “đang tâm” nỡ để một, hai ngày sau mới gửi cho tòa soạn với lý do… “ngoài cuộc với công nghệ”: Nhà mất điện, modem trục trặc.

Theo Phan Minh (ICTnews)

Đọc thêm