Phát triển CPĐT cần hướng tới người dân

Dưới đây, xin trích đăng ý kiến phát biểu của Giáo sư Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng chính phủ về CNTT, Phó ban chỉ đạo quốc gia về CNTT tại Hội thảo CPĐT (16-17/7/2009) về vấn đề này.

Như đã nói ở trên, CPĐT Việt Nam có 3 mốc rất quan trọng, đó là 2010 (xây dựng Chính phủ quản lý, điều hành qua mạng); 2015 (xây dựng Chính phủ tích hợp); và 2020 (xây dựng Chính phủ mọi lúc, mọi nơi). Trên thực tế, quá trình xây dựng CPĐT Việt Nam đã được khởi động từ năm 2001 với Đề án 112, nhưng đáng tiếc là cho tới nay – nghĩa là đã gần một thập kỷ nhưng kết quả thu được vẫn còn rất khiêm tốn. Nói về vấn đề này, ông Đỗ Trung Tá cho rằng chúng ta cần phải đề cao yếu tố thực tế, và cần phải “lấy dân làm gốc”.

“Lấy dân làm gốc”

Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực này, từ một loạt các nghị quyết và ý kiến chỉ đạo, rồi nhất là gần đây nhất Thủ tướng chính phủ đã quyết định làm thế nào để đưa Việt Nam trở thành một nước hùng mạnh về CNTT. Nói như thế để thấy rằng chúng ta có nền tảng lý luận cho việc phát triển CNTT. Các chặng, bước đi, cách đi thế nào để chúng ta lấy dân làm gốc chứ không phải phát triển CNTT bên ngoài các mục tiêu về chính trị và thực tiễn địa phương. Đi từ dịch vụ, từ người dân lên, vì vậy chúng ta phải tìm hướng đi từ thực tiễn này.

Một điểm nữa là Bộ Bưu chính Viễn thông có chức năng quản lý về CNTT nhưng người dân không hiểu Bưu chính Viễn thông thì CNTT nằm ở đâu. Cho nên sau này khi thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông CNTT thì người dân lại đến hỏi mua tem. Chính vì thế, tôi đã quyết định phải chuyển đổi tên Bộ Bưu chính viễn thông thành Bộ CNTT –TT. Nhưng khi Chính phủ thảo luận để đưa lên nội dung báo chí, mọi người đề nghị bỏ chữ CN để hiểu thông tin này có cả báo chí. Vì vậy, tên gọi không đúng cũng ảnh hưởng khá nhiều đến việc triển khai. Cho nên, về mặt nào đó, tên gọi cũng phải gần dân.

CPĐT là trực tiếp phục vụ nhân dân chứ không phải làm cho Chính phủ nhanh nhẹn hơn, năng suất chỉ trong bộ máy chính phủ. Chúng ta xác định lại rõ ràng CPĐT là để phục vụ cho dân tốt hơn chứ không phải chỉ làm về mặt giải pháp, hay về mặt công nghệ để chúng ta có một chính phủ điện tử.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Tôi cho rằng trong thời gian tới chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Điều này là rất khó và chúng ta đang đi vào phần khó. Thứ nhất là chính sách đối với cán bộ làm trong lĩnh vực CNTT. Chính sách, cơ chế, giải pháp của mình như thế nào? Thế mạnh này không phải là cơ sở hạ tầng cũng không phải là chỉnh đốn cơ chế của CPĐT mà trình độ văn minh, văn hóa và dân trí của người dân như thế nào ứng với một nước CNTT phát triển. Đó là những mảng rất lớn. Làm sao kiến nghị được với nhà nước có chính sách gì để thúc đẩy sự phát triển để chúng ta trở thành một quốc gia mạnh về CNTT.

Đam mê thôi vẫn chưa đủ

Ở đây chúng ta phải quyết tâm hơn nữa. Vì chúng ta đã nhìn rõ tiềm năng rồi, như ông Trọng (ông Nguyễn Trọng – Nguyên Chủ tịch Hội tin học TP.HCM - PV) đã nói, chúng ta còn quá khiêm tốn, từ nay đến 2015 có 1 triệu sinh viên CNTT ra trường, và phải đến năm 2026 những người này mới mang về cho nhà nước 60 tỉ USD.

Chúng ta chưa có đánh giá cụ thể về tâm huyết và niềm đam mê của những người làm CNTT, nhưng đó còn là uy tín và danh dự của một đất nước và của thế hệ trẻ trong tương lai. Việt Nam có một lượng lao động trẻ rất lớn dưới 35 tuổi thì không có lý do gì mà khả năng và học tập kém đi. Chúng ta phải lấy đó để phấn đấu, và đó cũng là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ Bộ TT &TT mà Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch đầu tư… cũng phải chung tay gánh vác.

Nếu không giữ được người tài cho đất nước, tất nhiên là họ cũng chỉ làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng khi trình độ ngang nhau mà chênh lệch thu nhập sẽ làm cho nhuệ khí làm việc thấp đi, bớt đam mê đi.

Chú trọng tới dịch vụ nội dung

Tương lai của mạng không phải chỉ của nhà khai thác dịch vụ mà ở cả khách hàng - cũng cung cấp dịch vụ, thông tin như những nhà khai thác dịch vụ. Khi triển khai 3G, 4G thì hai máy tính hoặc 2 thiết bị di động hoàn toàn có thể tương tác nội dung với nhau. Vì vậy, việc quản lý nội dung trên mạng vẫn cần phải chú trọng. Phát triển công nghệ mà không đảm bảo an toàn cho nội dung thì sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại.

Tương lai trên mạng tính bằng tốc độ bit nhân ra tiền chứ không tính bằng dịch vụ. Lợi dụng các giải pháp công nghệ cao, đưa ra vô vàn dịch vụ nhưng khi thống kê thì tần suất sử dụng rất nhỏ, và như vậy là không hiệu quả. Phải xem xét kinh nghiệm của các nước đã thành công trên thế giới. Các nước này cũng đã trải qua giai đoạn giải pháp và công nghệ là chính. Có thể tận dụng dịch vụ của các doanh nghiệp, các công ty cung cấp dịch vụ để tạo điều kiện cho các cơ quan, doanh nghiệp làm CPĐT.

Theo VnMedia

Đọc thêm