Phát triển công nghiệp phần cứng bằng "chất xám"

Phát triển công nghiệp phần cứng bằng "chất xám" ảnh 1

Nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm bằng tay nhưng mang giá trị gia tăng cao.

“Mỏ vàng” chờ khai phá

Theo ước tính của Hội Tin học TP.HCM (HCA), trong năm 2010 doanh thu thị trường CNTT Việt Nam có thể đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 21% so với năm 2009 đạt 6,4 tỷ USD và riêng nhóm sản xuất phần cứng, phân phối bán lẻ và các dịch vụ phát sinh liên quan chiếm khoảng 84%, tương đương với 4,8 tỷ USD.

Nhận định của các chuyên gia cho thấy, con số 4,8 tỷ USD nêu trên đang là miếng bánh hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, đặt trong thực tế hiện nay thì sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội còn quá hạn chế, dẫn tới khả năng chiếm lĩnh thị trường vô cùng khó khăn.

Theo số liệu công bố của Bộ Công thương, thị phần xuất khẩu phần cứng tại Việt Nam có đến 98% là của các công ty FDI, 2% còn lại thuộc về các doanh nghiệp nội. Cùng đó, doanh thu của phần máy tính thương hiệu Việt Nam năm 2009 chỉ “khiêm tốn” ở mức 200 triệu USD (nếu đem so với thị trường đạt 6,4 tỷ USD thì chỉ chiếm khoảng 3% - một con số quá nhỏ bé so với tiềm năng).

Vậy để tạo sức cạnh tranh, các doanh nghiệp “nội” cần đi theo hướng nào? Đâu là chính sách đột phá Nhà nước cần tạo ra để hỗ trợ, đáp ứng kịp thời sự phát triển của các doanh nghiệp?

“Thay máu” lối tư duy

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), ông Phạm Thiện Nghệ - Phó Chủ tịch Hiệp hội nhấn mạnh: Nói về những vấn đề liên quan đến phần cứng thì không nên chỉ chú ý đến sản xuất trong nhà máy mà phải để ý tới mảng lưu thông phân phối, bán lẻ các sản phẩm CNTT. Về lâu dài, muốn phát triển ngành công nghiệp phần cứng CNTT cần xây dựng hoàn chỉnh cả hai mảng vật lý và phần tri thức nhúng vào sản phẩm (sản phẩm tri thức là những trình điều khiển, kiểu dáng công nghiệp, tính năng thân thiện...). Tuy nhiên trong điều kiện hiện tại thì Việt Nam nên chú trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển phần tri thức, chất xám - tức là “phần hồn” cho các sản phẩm vật lý mà Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động.

Ông Phạm Thiện Nghệ cũng cho hay, hiện nay việc tập trung cho nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) là hướng đi chủ yếu của nền công nghiệp CNTT trên thế giới. Tại Việt Nam, một số công ty lớn như TMA, Global Cybersoft... cũng đã bắt đầu xây dựng đường lối kinh doanh theo hướng này, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng không nên nằm ngoài cuộc.

“Cần phải nhìn nhận việc sản xuất phần cứng không có nghĩa là phải làm tất cả các khâu để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh mà phải có sự liên kết theo hướng phân công, liên kết từ các nhà máy trên toàn cầu”, ông Phạm Thiện Nghệ cảnh báo.

Cần sự tác động kịp thời

Theo các chuyên gia, muốn xây dựng một nền công nghiệp về CNTT tại Việt Nam ngoài việc thu hút đầu tư từ những doanh nghiệp lớn, các công ty FDI thì Nhà nước nên quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để sản xuất các sản phẩm bằng tay hoặc số lượng khiêm tốn nhưng mang giá trị gia tăng cao, trong đó hàm lượng về chất xám, kiểu dáng, chất liệu cao cấp sẽ tạo nên nét rất riêng.

Cụ thể hơn, các cơ quan, viện nghiên cứu thuộc nhà nước (như Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số thuộc Bộ TT&TT) cần làm đầu mối trong việc nghiên cứu và triển khai phát triển R&D để có các sản phẩm chứa giá trị gia tăng bên trong là các phần mềm nhúng của Việt Nam bên cạnh các thiết bị vật lý nhập ngoại. Các sản phẩm nên tập trung cho các thiết bị di động và thiết bị điện tử chuyên dùng (cho ngành y khoa, giáo dục, nghiên cứu khoa học...). Hình thức hỗ trợ việc này có thể là cho vay lãi suất thấp không giới hạn, không có định mức chi phí quảng bá thương hiệu...

Khuyến nghị riêng cho các tỉnh Bắc Trung Bộ

Theo các chuyên gia, các địa phương này cần phải lưu ý đến vấn đề thị trường Việt Nam có một đặc thù là vẫn chấp nhận những công nghệ tương đối cũ, giá rẻ vì đại đa số người tiêu thụ là người dân có thu nhập thấp, mục đích sử dụng đơn giản và yêu cầu công nghệ không cao. Nên khuyến khích những doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất những sản phẩm giá rẻ phục vụ cho đại bộ phận nhân dân nông thôn như máy tính giá rẻ, tivi, radio, những thiết bị di động với tính năng “plug and play”...

Trong chiến lược thu hút đầu tư, Nghệ An và các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ cần cân nhắc kêu gọi các công ty FDI xây dựng các nhà máy về ngành công nghiệp phần cứng. Không nhất thiết phải có những nhà máy lớn, sản xuất những sản phẩm hoàn chỉnh mà có thể kêu gọi đầu tư cho các nhà máy nhỏ hơn, đầu tư sản xuất sản phẩm bán thành phẩm. Ngoài ra, vấn đề xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh, giỏi tay nghề, để phát triển dịch vụ CNTT tại địa phương cũng cần được đặt ra cấp thiết.

Để ngành công nghiệp phần cứng tại Việt Nam phát triển, nên để ý đến mảng dịch vụ phần cứng vì sản xuất và bán sản phẩm CNTT bao giờ sản phẩm cũng đi kèm với dịch vụ.

Theo Nguyên Đức (ICTnews)

Đọc thêm