Phát triển công nghệ cao phải chấp nhận rủi ro

Phát triển công nghệ cao phải chấp nhận rủi ro ảnh 1

"Chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển các ngành khoa học dịch vụ", tiến sĩ Phan Minh Tân. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)
Đừng sợ thất bại

- Phát triển sản phẩm khoa học công nghệ cao là hướng đi đúng đắn. Nhưng dường như, ngành khoa học này vẫn còn một số rào cản, thưa ông?

Tiến sĩ Phan Minh Tân: Rào cản ở chỗ các chính sách, cơ chế hiện nay không phù hợp với công nghệ cao. Đầu tư vào công nghệ cao tiềm ẩn rủi ro lớn, trong khi cơ chế hiện chưa chấp nhận rủi ro.

Lấy ví dụ, khi nhà khoa học được giao đề tài nhất định phải có sản phẩm để báo cáo. Nhưng công nghệ cao không phải lúc nào nghiên cứu cũng ra sản phẩm. Nhiều thất bại nhưng chỉ cần một sản phẩm thành công đã mang lại lợi nhuận lớn.

Bởi thế, muốn phát triển công nghệ cao phải chấp nhận rủi ro. Thêm vào đó, lao động của công nghệ cao rất khó định mức, trong khi quy định phải nói rõ một chuyên đề cần bao nhiêu tiền…

Những cái đó là không phù hợp và cẩn thay đổi để phát triển.

- Các doanh nghiệp có tích cực tham gia vào nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao không?

Tiến sĩ Phan Minh Tân: Chúng tôi cũng đã bắt đầu lôi kéo các doanh nghiệp tham gia vào đầu tư cho công nghệ cao theo công thức doanh nghiệp 7, nhà nước 3. Hiện đang hướng tới đầu tư năng lượng sạch giá rẻ như làm điện gió theo hình thức chế tạo thay thế thiết bị nhập khẩu…

Ông nghĩ sao về việc phát triển khoa học công nghệ chuyển hướng sang lấy doanh nghiệp làm trọng tâm?

Tiến sĩ Phan Minh Tân: Trước đây, chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp làm đề tài, dự án. Bây giờ lập đề án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Trong hỗ trợ này, ngoài việc hỗ trợ làm đề tài sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ, phát triển tài sản trí tuệ, thương hiệu, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn… Ngoài ra còn hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo các thiết bị thay thế nhập khẩu theo mẫu nước ngoài.

Hiện, có 53 loại thiết bị đã chế tạo trong nước thay thế nhập khẩu, tiết kiệm cho doanh nghiệp khoảng 34 triệu USD. Trong đó, nhiều thiết bị đã được xuất khẩu, chất lượng gần như tương đương nhập ngoại và có nhiều tính năng được cải tiến.

Nhắm vào khoa học dịch vụ

- Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung ưu tiên phát triển ngành khoa học nào?

Tiến sĩ Phan Minh Tân: Chúng tôi sẽ ưu tiên phát triển khoa học dịch vụ.

Trên thế giới, khoa học dịch vụ là một khái niệm mới nhưng hứa hẹn tiềm năng lớn. Đây là xu hướng và Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã đồng ý về chủ trương.

Về mục tiêu, năm 2011, chúng tôi sẽ tham gia hiệp hội khoa học dịch vụ thế giới. Trong 5 năm tới, khoa học dịch vụ đóng góp 20% trong tổng doanh thu các ngành khoa học của Thành phố.

- Ông có thể nói rõ hơn về khoa học dịch vụ?

Tiến sĩ Phan Minh Tân: Cách đây khoảng 50 năm, người ta đưa ra khái niệm về khoa học máy tính và đến nay, khái niệm này đã trở thành phổ biến.

Năm 2010, người ta nhắc đến khoa học dịch vụ như một ngành khoa học tổng hợp của nhiều ngành: kỹ thuật, khoa học và cả xã hội học. Đây chính là nền kinh tế tri thức.

Một ví dụ cụ thể như ở Mỹ, thủ tục thuê xe hơi khi xuống sân bay chỉ trong vòng… 1 phút. Những quy trình này chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ thông tin. Điều này cũng có thể áp dụng cho những dịch vụ khác như check in, check out khỏi khách sạn…

Do đó, phát triển khoa học dịch vụ sẽ hỗ trợ ngành dịch vụ phát triển với chất lượng dịch vụ tốt hơn, tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.

- Bắt tay vào phát triển khoa học dịch vụ, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên cho ngành nào?

Tiến sĩ Phan Minh Tân: Hiện đang triển khai cho ngành du lịch. Nhưng cái quan trọng và cần làm đầu tiên là đào tạo nhân lực cho ngành này. Chúng tôi đang kết hợp với IBM, đưa chương trình đào tạo vào một số trường đại học để cung cấp những khóa học về khoa học dịch vụ.

Với các doanh nghiệp tham gia, chúng tôi sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo. Khi doanh nghiệp triển khai giải pháp, sẽ được hỗ trợ tư vấn…

- Xin cảm ơn ông!
Theo Trung Hiền (Vietnam+)

Đọc thêm