GIẢI THƯỞNG CNTT-TT VIỆT NAM 2009:

Nóng lòng chờ giờ G

Nóng lòng chờ giờ G ảnh 1
Thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 dành nhiều thời gian tranh luận để tìm các ứng viên xứng đáng nhận giải thưởng của Bộ TT&TT. Ảnh: M.T

Ngày 12/3, các thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 (Vietnam ICT Awards 2009) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo - đã tổ chức phiên họp toàn thể để chọn ra các ứng viên xứng đáng nhất nhận giải thưởng của Bộ TT&TT. Các thành viên Hội đồng Chung khảo đã dành trọn một ngày để xem xét và thẩm định hàng trăm hồ sơ để tìm ra 30 hồ sơ cuối cùng sẽ được xứng danh trong buổi Lễ trao giải tổ chức vào sáng ngày 20/3 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Nhóm viễn thông, Internet: Mạng di động nào là số một?

Nhóm giải viễn thông và Internet có tổng cộng 9 giải chia cho 3 lĩnh vực: dịch vụ di động, điện thoại cố định và Internet. Trong đó, không ngạc nhiên khi lĩnh vực di động được các thành viên Hội đồng Chung khảo đánh giá là gay cấn và nóng bỏng nhất.

Lĩnh vực di động có 4 giải nhất dành mạng di động xuất sắc nhất, mạng cung cấp dịch vụ trả sau xuất sắc nhất, mạng di động cung cấp dịch vụ mới xuất sắc nhất và mạng di động chăm sóc khách hàng tốt nhất.

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ TT&TT, thành viên Hội đồng Chung khảo cho rằng việc xét chọn mạng di động xuất sắc nhất năm nay khó khăn hơn nhiều so với năm ngoái. Nếu giải thưởng này năm ngoái là cuộc đua song mã giữa MobiFone và Viettel thì năm nay có thêm VinaPhone và cả mạng di động mới “lột xác” Vietnamobile.

Trước năm 2009, VinaPhone còn ở khoảng cách khá xa so với hai mạng di động đứng đầu MobiFone và Viettel. Nhưng trong năm 2009, VinaPhone đã tăng tốc rất nhanh sau khi là mạng di động đầu tiên ở Việt Nam ra mắt dịch vụ 3G. Đến nay, cả ba mạng di động trên đã gần như ngang ngửa nhau, tạo nên thế chân kiềng trên thị trường di động. Bên cạnh đó, sau khi “lột xác”, mạng di động Vietnamobile cũng tăng trưởng ấn tượng. Năm ngoái, Vietnamobile đã có thêm 6 triệu thuê bao kích hoạt, trong đó có 4 triệu thuê bao phát sinh cước.

Chính vì thế chân kiềng trên thị trường di động mà cuộc đua ở giải mạng di động cung cấp dịch vụ trả sau xuất sắc nhất cũng rất gay cấn. MobiFone có tiếng là mạng có nhiều thuê bao “VIP” nhưng VinaPhone cũng rất mạnh ở dịch vụ trả sau, đặc biệt là số lượng thuê bao. Còn Viettel trong năm vừa qua cũng đã tổ chức nhiều chương trình giữ chân và lôi kéo thêm khách hàng “VIP” (khách hàng phát sinh cước tiền triệu mỗi tháng).

Trong năm 2009, nhiều mạng di động đã tung ra dịch vụ mới để đón đầu hoặc đáp ứng nhu cầu mới của người dùng khi có 3G. Do đó, giải thưởng mạng di động cung cấp dịch vụ mới xuất sắc cũng ganh đua rất khốc liệt, đặc biệt là giữa các nhà mạng cung cấp dịch vụ 3G như MobiFone, VinaPhone hay S-Fone.

So với di động, cuộc đua tranh giải nhất trong lĩnh vực Internet và điện thoại cố định không sôi động bằng. Mặc dù VNPT đã quá mạnh trong dịch vụ điện thoại cố định, còn VDC cũng chiếm tới gần 70% thị phần dịch vụ truy cập Internet. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định không dây như EVN Telecom cũng phát triển rất nhanh với trên 1 triệu thuê bao điện thoại cố định không dây mới trong năm 2009. Hơn nữa, việc trao giải lại không chỉ phụ thuộc vào số thuê bao nên ai giành giải nhất trong lĩnh vực điện thoại cố định vẫn là ẩn số.

Công nghiệp CNTT: Cạnh tranh mạnh ở phần mềm và nội dung số

Mảng công nghiệp CNTT có 7 nhóm giải thưởng cho các lĩnh vực phần mềm, nội dung số, máy tính thương hiệu Việt Nam, phân phối, tích hợp hệ thống, đào tạo nhân lực CNTT và doanh nghiệp CNTT-TT mới có tiềm năng phát triển.

Trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, ông Nguyễn Trọng Đường, quyền Vụ trưởng Vụ CNTT của Bộ TT&TT, thành viên Hội đồng Chung khảo, cho rằng phần mềm và nội dung số là các lĩnh vực khiến các thành viên hội đồng chấm giải đau đầu và mất nhiều thời gian tranh luận nhất. Lý do là vì có nhiều hồ sơ tham gia dự giải ngang ngửa nhau ở các tiêu chí chính của giải thưởng.

Lĩnh vực phần mềm có 3 giải dành cho doanh nghiệp phần mềm xuất sắc nhất, doanh nghiệp làm phần mềm và dịch vụ nội địa xuất sắc, và doanh nghiệp phần mềm và dịch xuất khẩu xuất sắc.

Ở mảng gia công xuất khẩu phần mềm, công ty phần mềm FPT (FPT Software) không có đối thủ về quy mô (2.700 nhân viên, doanh thu hơn 40 triệu USD) nhưng giải thưởng còn có nhiều tiêu chí khác. Xét trên tiêu chí tốc độ phát triển doanh thu và lợi nhuận hay năng suất lao động, nhiều công ty có quy mô nhỏ hơn như Công ty giải pháp phần mềm CMC, CSC Việt Nam hay Harvey Nash lại có ưu thế. Chính vì vậy, ai giành tấm vé nhận giải vào ngày 20/3 tới vẫn là câu hỏi khó đoán. Tương tự, mảng phần mềm và dịch vụ nội địa cũng hội tụ khá nhiều tên tuổi lớn như MISA, Công ty hệ thống thông tin FPT (FIS) hay Công ty giải pháp phần mềm CMC.

Trong năm vừa qua, nội dung số là lĩnh vực phát triển nóng nhất trong ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, tăng hơn 50% với doanh thu 700 triệu USD (theo số liệu của Bộ TT&TT). Chính vì vậy, việc xét giải doanh nghiệp số một trong lĩnh vực này cũng rất sôi động với rất nhiều ứng cử viên sáng giá như Công ty cổ phần tập đoàn Vina (VNG) với át chủ bài Zing.vn, công ty truyền thông FPT với “con cưng” Vnexpress hay các ẩn số có thể tạo bất ngờ như công ty Digi-Texx Việt Nam…

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, các lĩnh vực còn lại như máy tính thương hiệu, phân phối, tích hợp hệ thống và đào tạo nhân lực CNTT cũng sẽ thay đổi khá nhiều so với năm ngoái. Ngoài ra, một nét mới của Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 là có giải thưởng dành cho doanh nghiệp CNTT-TT trẻ (thành lập từ 2004 trở lại) có tiềm năng phát triển. Nhóm giải này cũng thu hút sự tham gia của khá nhiều doanh nghiệp mới, trong đó có những doanh nghiệp đang đứng trong top đầu trong ngành công nghiệp CNTT Việt Nam như VNG.

Một điểm mới nữa của giải thưởng năm nay là có thêm giải thưởng cho đơn vị đào tạo CNTT cho người khuyết tật nhằm tôn vinh và khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị tham gia đào tạo CNTT cho người không may mắn.

Xét giải ứng dụng CNTT: Không dễ đo lường

Ứng dụng CNTT có 7 giải thưởng đơn vị ứng dụng CNTT xuất sắc dành cho các cơ quan nhà nước cấp Bộ; UBND tỉnh/thành; UBND quận/huyện/thị; các sở, ban, ngành; cơ quan nhà nước cấp cục, tổng cục; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp lớn. Riêng nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, và doanh nghiệp lớn có xét giải riêng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và ngoài lĩnh vực CNTT.

Theo ông Nguyễn Thành Phúc Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT, thành viên Hội đồng Chung khảo, khác với xét giải trong các lĩnh vực công nghiệp CNTT, viễn thông và Internet dựa trên các yếu tố định lượng khá rõ ràng, việc đánh giá đơn vị ứng dụng CNTT xuất sắc dựa trên cả các yếu tố định tính. Vì vậy, bên cạnh việc đưa ra các tiêu chí chấm điểm dựa trên hồ sơ của ứng viên dự giải, Ban Tổ chức giải còn chấm điểm dựa trên kết quả thẩm định thực tế. Đặc biệt, Ban Tổ chức giải còn phát triển một phần mềm riêng cho các thành viên hội đồng chấm điểm các hồ sơ tham gia lĩnh vực ứng dụng CNTT để đảm bảo tính chính xác.

Ông Phúc cho biết Ban Tổ chức nhóm giải ứng dụng CNTT thu hút hàng trăm hồ sơ tham gia của các cơ quan nhà nước các cấp, các doanh nghiệp lớn và nhỏ trên cả nước. Riêng nhóm giải này, Ban Tổ chức giải thưởng đã phải tổ chức trên chục đoàn đi thẩm định thực tế các hồ sơ lọt vào vòng chung khảo.

Trong nhóm giải ứng dụng CNTT, các lĩnh vực thu hút nhiều đơn vị tham gia nhất là khối UBND các tỉnh/thành; khối các sở, ban ngành; khối UBND các quận/huyện; doanh nghiệp nhỏ và vừa; và khối các doanh nghiệp lớn.

Ngày 20/3 sẽ trao giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009

Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2009 là giải thưởng quốc gia trong lĩnh vực CNTT-TT, xét và trao tặng cho các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong ứng dụng và phát triển CNTT-TT Việt Nam. Đây là giải thưởng chính thức của Bộ TT&TT được tổ chức hàng năm và năm nay là lần thứ hai.

Để tổ chức giải thưởng này, Bộ TT&TT đã thành lập 3 Hội đồng Sơ khảo cho các lĩnh vực công nghiệp CNTT; viễn thông – Internet; và ứng dụng CNTT; và Hội đồng Chung khảo gồm 11 thành viên là các nhà quản lý và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CNTT-TT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng là Chủ tịch Hội đồng Chung khảo.

Lễ trao Giải thưởng CNTT - TT Việt Nam 2009 được tổ chức trọng thể tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội vào ngày thứ Bảy, 20/3 và sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV 1).

Theo Duy An (ICTnews)

Đọc thêm