Nokia lại chọn sai con đường?

Nokia lại chọn sai con đường? ảnh 1
Nokia – Microsoft “kết hôn” – liệu có đẻ ra “đại bàng”.

Nokia – hãng di động lớn nhất thế giới đã chính thức tuyên bố “kết hôn” với Microsoft, hãng phần mềm lớn nhất thế giới nhằm tìm lại thời kỳ hoàng kim trên thị trường di động. Nhưng với giới công nghệ thế giới, Nokia đã lại chọn sai con đường và như Phó chủ tịch Google Vic Gundotra đã bình luận: “Hai con gà tây kết hôn với nhau không thể đẻ ra đại bàng”.

Có thể Windows Phone 7 là hệ điều hành tốt hơn hẳn so với Symbian nhưng đáng tiếc là vấn đề của Nokia lại không nằm ở hệ điều hành nên đó không phải là liều thuốc có thể chữa được căn bệnh trầm kha của hãng di động Phần Lan.

Nokia đang bị Apple và Google đánh tơi bời. Với Apple, đó là chính sách “đóng cửa” hay “tích hợp khép kín” tất cả phần cứng và phần mềm của họ và được hỗ trợ bởi những thiết kế sản phẩm tuyệt vời nhất thế giới. Còn tại Google, nền tảng Android của họ lại hấp dẫn người dùng và các hãng di động khác bằng sự linh hoạt đến mức tối đa và nền tảng mở cả về phần mềm lẫn phần cứng. Cả 2 chiến lược này đều đã thu hút hàng triệu người dùng với hàng trăm ngàn ứng dụng. Nokia, họ là một kẻ thua cuộc nhưng đang hy vọng bắt tay với một kẻ thua cuộc khác là Microsoft để lội ngược dòng bằng chính chiến lược đã rất lỗi thời của cả 2 bên. Nhưng đâu là vấn đề thực sự của Nokia?

Hãng di động lớn nhất thế giới cũng có một số mẫu sản phẩm rất đẹp nhưng những sản phẩm này đang bị lu mờ bởi cả một “rừng” những chiếc di động xấu xí, nhìn na ná như những chiếc máy không tên tuổi của Trung Quốc và được phân biệt với nhau bằng những chữ số vô hồn.

Có thể nói, Nokia đang thất bại một cách toàn diện, từ thiết kế sản phẩm, thương hiệu và sự đơn giản. Và điều quan trọng là Windows Phone 7 không có khả năng cứu bất kỳ sự thất bại nào trong số đó.

Hãy thử ghé thăm website của Nokia để thấy sự phức tạp đang giết họ như thế nào. Các chuyên gia về web nói, trang chủ của Nokia khiến người ta nghĩ ngay đến website của một tổ chức chính phủ. Thay vì đưa người dùng đến thẳng chỗ họ cần thì việc đầu tiên là Nokia bắt họ phải chọn vùng, bước thứ 2 là chọn quốc gia và phải qua vài bước nữa họ mới đến được “rừng” di động của Nokia với những tấm ảnh minh họa (thumbnail) bé xíu. Đến đây, khách hàng lại đụng đầu với một mê hồn trận khác. Họ bối rối khi không biết chọn sản phẩm nào, E72, E75, N8 hay 3710, 7020 hay 2730? Tất cả chỉ là những con số và chính những con số này chẳng nói lên điều gì. Số lớn không có nghĩa là sản phẩm tốt hơn. Khi họ vừa quyết định chọn chiếc C6, ngay lập tức họ lại thấy C7 cũng tốt nhưng bên cạnh C7, chiếc C4 cũng hấp dẫn không kém… Đó là tất cả những trải nghiệm mà Nokia mang lại: rối rắm, mờ nhạt, mơ hồ, không bản sắc và gây khó chịu.

Thêm một ví dụ nữa. Trước kia, Nokia đã rất nhiều năm theo đuổi việc chen chân vào thị trường Nhật Bản – thị trường di động lớn thứ 4 thế giới nhưng cho đến tận năm 2008, thời điểm mà Nokia chính thức chào thua và rút lui khỏi đó, họ mới chỉ có được khoảng 2% thị phần. Theo lý giải của Nokia, thị trường di động Nhật đã bão hòa và người dân Nhật chỉ quen với các thương hiệu điện thoại nội địa. Nhưng chỉ chừng hơn 1 năm sau khi Nokia rút quân, Apple nhảy vào đó và nhanh chóng chiếm lĩnh tới 72% thị trường smartphone. Apple và iPhone đã thắng lớn ngay trên chính mảnh đất Nokia vừa thất thủ. Điều này đã nói lên tất cả.

Vậy đâu là giải pháp cho Nokia? “Hãy bước chân ra thị trường mới chỉ 2 mẫu sản phẩm”, một số nhà nghiên cứu thị trường nói. Một là chiếc di động cấp thấp, giá rẻ, pin phải cực lâu, sóng cực khỏe, chất lượng âm thanh của cuộc gọi cao. Mẫu thứ 2 là một chiếc smartphone cao cấp sử dụng Windows Phone 7 với thiết kế đẹp hơn iPhone, chất lượng cuộc gọi cao hơn, ăng-ten tốt hơn, camera cao cấp hơn, màn hình đẹp hơn… hay nói tóm gọn là mọi thứ đều phải tốt hơn iPhone. Thêm vào đó, Nokia hãy mạnh dạn khai tử Symbian và MeeGo, khai tử kiểu đặt tên sản phẩm bằng số và áp dụng lại mô hình thành công của Apple.

Nhưng có lẽ các lãnh đạo của Nokia sẽ cười vào chiến lược này. Và đó là cách họ lại tiếp tục thất bại.

Theo Lê Trí (ICTnews / CW, NYT, WSJ)

Đọc thêm