Nở rộ “bệnh viện” máy tính

Tiện ích như một bệnh viện

Hầu hết các “phòng khám” hay “bệnh viện” máy tính đều đưa ra nhiều gói dịch vụ khác nhau. Giống như một bệnh viện “đa khoa”, chủ nhân của những chiếc máy tính cần điều trị có thể sử dụng các dịch vụ như: Ứng cứu; khám và điều trị, ngoại trú, nội trú, hỗ trợ 24/24, tư vấn, bảo trì…

Khi đến “bệnh viện” máy tính, “bệnh nhân” sẽ được khám để chuẩn đoán bệnh. Thời gian sửa chữa các lỗi máy tính không cố định. Nếu là sự cố đơn giản như cài phần mềm, diệt virus, sửa bộ nguồn... thì có thể hoàn tất trong vòng một vài giờ đồng hồ. Nhưng nếu máy bị hư linh kiện thì đôi khi phải chờ vài tuần để mua linh kiện thay thế.

Tại hầu hết các bệnh viện máy tính, đa số những máy tính cần phải sửa chữa đều bị lỗi về phần mềm như bị nhiễm virus, lỗi hệ thống Windows, hoặc có nhiều máy bị trục trặc do lỗi không biết sử dụng rơi vào những khách hàng mới mua máy...

Ngoài ra, đối với một số “bệnh viện” máy tính lớn còn có những dịch vụ nhưng cho thuê nhân lực IT, đào tạo theo đơn đặt hàng… Khách hàng cũng có thể yêu cầu các “bác sỹ” đến tận nhà sửa chữa máy tính, thậm chí trong trường hợp “bệnh nhân” bị bệnh nặng, “bác sỹ” sẽ tự đưa về “bệnh viện” để “giải phẫu” hoặc chờ thay thiết bị…

Hiện nay, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ điều trị, bảo dưỡng, hỗ trợ…, nhiều “bệnh viện” máy tính còn kinh doanh các linh kiện máy tính, máy tính nguyên chiếc. Việc kinh doanh này sẽ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi có nhu cầu sửa chữa hoặc đổi máy tính mới. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần nên tìm hiểu kỹ để tránh bị lợi dụng và tốn kém.

Thận trọng để tránh lãng phí

Trước khi có “phòng khám” hay “bệnh viện” máy tính ra đời thì việc nhân viên sửa chữa máy tính dụ dỗ hoặc lừa khách hàng phải thay nhiều linh kiện không phải là chuyện hiếm thấy. Cùng với năng lực có hạn về chuyên môn của nhân viên sửa chữa, nhiều khách hàng đã phải khóc dở, mếu dở vì “tiền mất, tật mang”, đã không chữa được máy lại còn hỏng nặng thêm.

Khi có những “bệnh viện” máy tính ra đời, sự lo ngại ấy phần nào giảm bớt, người tiêu dùng cũng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng các dịch vụ có tính chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, không phải “bệnh viện” nào cũng giống nhau, nhân viên nào cũng có trình độ như nhau, hoặc thậm chí cả đạo đức trong kinh doanh cũng có sự khác biệt nhất định.

Vẫn có những khách hàng đã phải khốn khổ mỗi khi máy tính hỏng cho dù được đem đến bệnh viện điều trị. Thực tế cho thấy, nhiều khách hàng, nhất là người lớn tuổi, đem máy tính đến các “bệnh viện” máy tính cũng thường bị nhân viên “vẽ” ra thêm các bệnh để bán linh kiện...

Theo chuyên gia của bệnh viện máy tính IC Mỹ Đình, khi máy bị trục trặc trước hết bạn hãy kiểm tra lại nguồn điện, khởi động lại máy tính. Nếu chưa được, bạn có thể gọi điện thoại đến các “bệnh viện” máy tính nhờ tư vấn qua điện thoại trước, hoặc nếu có thời gian bạn cũng có thể mang máy đến để nhờ sửa chữa sẽ tiết kiệm được chi phí hơn.

Khi nhờ nhân viên đến tận nơi để sửa chữa, tốt nhất là chủ nhân của những chiếc máy đó nên có mặt để có điều kiện trao đổi về bệnh tình của máy, tránh việc “hỏng một đằng, sửa một nẻo” cũng như hạn chế được việc phải thay thế những linh kiện không cần thiết.

Khách hàng cũng nên thận trọng hơn khi lựa chọn địa chỉ sửa chữa, nhân viên trực tiếp điều trị máy tính phải là người có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đó, điều này càng đặc biệt coi trọng đối với các máy tính xách tay có giá trị tài sản lớn.

Theo Lan Hương (Dân Trí)

Đọc thêm