Nhân lực IT “tháo chạy”

Nhân lực IT “tháo chạy” ảnh 1

Ảnh minh họa.

Chết trước bình minh?

Hơn hai năm ngụp lặn trong cuộc khủng hoảng kinh tế đã buộc rất nhiều hãng CNTT phải thực thi các chính sách “cấp cứu” để tồn tại như cắt giảm nhân lực, cắt giảm lương thưởng và các quyền lợi khác của người lao động nhằm tiết kiệm một cách tối đa chi phí hoạt động. Các nhân viên IT được giữ lại phải làm việc nhiều hơn, áp lực lớn hơn nhưng lại được hưởng một mức lương thấp hơn trước rất nhiều chưa kể đến những mối đe dọa “bị sa thải” luôn luôn lơ lửng trên đầu họ… Tất cả những thực tế đó khiến không ít người cho rằng họ đang bị đối xử tệ bạc và đánh giá thấp những gì họ đã đóng góp cho công ty.

Và khi nền kinh tế đang dần dần hồi phục, khi các hãng CNTT bắt đầu mở rộng hoạt động trở lại cũng là lúc nhu cầu về nguồn nhân lực gia tăng, số cơ hội “nhảy việc” nhiều lên, một cơn sóng ngầm mang tên “Chuyển công ty” đang lớn dần và có nguy cơ nhấn chìm không ít doanh nghiệp. Giới chuyên gia quản lý nhân lực CNTT gọi hiện tượng này bằng một cái tên rất mỹ miều: Cái chết trước bình minh.

Theo kết quả khảo sát do hãng tư vấn và cung ứng nhân lực trong lĩnh vực CNTT Robert Half Technology vừa công bố: 43% trong số hơn 1.400 giám đốc CNTT (CIO) được hỏi cho biết việc thực hiện các chương trình nhằm “giữ chân” nhân viên sẽ là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của họ trong năm 2010 và khoảng 21% số CIO cho biết họ đã trình lên cấp lãnh đạo của doanh nghiệp các kế hoạch đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho các nhân viên trong thời gian tới.

“Các nhà quản lý sẽ phải chú trọng hơn nữa đến việc ngăn chặn vấn nạn thiếu hụt nhân lực, chảy máu chất xám và phải giữ lại bằng được những nhân viên tốt nhất của mình. Đây sẽ là một việc khó bởi trong thời gian qua, những cuộc sa thải, cắt giảm thu nhập khiến rất nhiều người cảm thấy họ đã bị ngược đãi và đây là lúc để ra đi tìm cơ hội mới tốt hơn”, Dave Willmer, giám đốc điều hành của Robert Half Technology nói

Đã quá muộn?

Có lẽ lời thuyết phục ở lại để ngăn chặn các cuộc tháo chạy ồ ạt vào thời điểm này đã là quá muộno. Hồi tháng 9/2009, hãng tư vấn Deloitte Consulting (Mỹ) đã đưa ra một bản báo cáo cảnh báo về tình trạng di chuyển ồ ạt một lượng lớn nhân lực trong lĩnh vực CNTT và cho rằng: Có một trận “sóng thần” đã chuẩn bị đổ bộ vào lĩnh vực công nghệ của thế giới khi những nhân viên tài năng nhất sẽ lặng lẽ rời bỏ doanh nghiệp khi mối đe dọa bị sa thải không còn nữa và họ được chào mời rất ráo riết từ các công ty khác.

Jeff Schwartz, Giám đốc mảng nhân lực của Deloitte Consulting còn khẳng định kể cả khi nền kinh tế đã hồi phục, gánh nặng và mối đe dọa suy sụp, phá sản đối với các hãng CNTT cũng không hề nhẹ hơn so với thời kỳ suy thoái.

Số liệu từ các công trình nghiên cứu của hãng Gartner cũng cho thấy lời cảnh báo tương tự và tình hình thậm chí còn nguy hiểm hơn bởi chính những nhân viên đã ở lại trong thời kỳ khủng hoảng đã được giao nhiều việc hơn nên tất nhiên họ cũng nắm giữ nhiều thông tin về công ty cũ. “Khi họ quyết định ra đi sau khủng hoảng, họ sẽ trở thành một “sát thủ” tiềm tàng với ông chủ cũ”, Lily Mok – Phó chủ tịch Gartner nói.

Theo Hoàng Trường (ICTnews / CIO, Network World)

Đọc thêm