Nhân lực CNTT: Khó đạt chất lượng cao bằng chi phí thấp

Nhân lực CNTT: Khó đạt chất lượng cao bằng chi phí thấp ảnh 1
Đào tạo nhân lực CNTT không thể nói chuyện đắt rẻ.

Hiện cả nước có 235 cơ sở đào tạo có ngành liên quan đến CNTT, thì phần lớn trong số đó chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế về cơ sở vật chất, thiếu giáo trình tiên tiến…

Đánh giá thấp nhân lực “nội”

Tại buổi toạ đàm về nhân lực CNTT do Bộ TT&TT tổ chức với đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội và các trường đại học diễn ra ngày 13/1/2010 tại Hà Nội, ý kiến của đại diện công ty như VDC, Vietsoftware, Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm, Hội tin học Việt Nam… đều chung nhận định: Chất lượng nhân lực CNTT và thị trường nhân lực CNTT trong nước còn quá nhiều hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước. Cụ thể hơn, đó là khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh kém, yếu trong kỹ năng làm việc nhóm, kiến thức thực tế cũng như khả năng tư duy sáng tạo chưa cao…

Trước ý kiến doanh nghiệp “kêu” chất lượng sinh viên và chất lượng đào tạo tại các trường, đại diện các cơ sở đào tạo như Đại học Công nghệ Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chia sẻ hàng loạt khó khăn. Theo đại diện của trường Đại học Công nghiệp, mức học phí áp trần Nhà nước qui định đối với các trường là 200.000 đồng/tháng như hiện nay đang tỏ ra nhiều bất cập, nhà trường cũng chỉ đáp ứng nổi khoảng 10% nhu cầu thực tiễn bằng mức thu đó. Do học phí thấp, các trường không thể có điều kiện đầu tư thêm cơ sở vật chất để sinh viên thực hành, tránh chuyện học “chay”. Còn ông Bùi Thế Duy, Chủ nhiệm khoa CNTT trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Có lẽ chính vì sự hạn chế trong điều kiện đào tạo trong nước mà vài năm trở lại đây, CNTT đã không còn là ngành hấp dẫn đối với sinh viên. Thực tế tỷ lệ sinh viên dự tuyển vào ngành CNTT liên tục giảm so với các ngành như kinh tế, ngoại thương…

Đào tạo gặp khó do cơ chế

Trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2010 của Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Tẫn Dũng đã khẳng định chúng ta phải quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Trong đó vấn đề then chốt để thực hiện mục tiêu này chính là nguồn nhân lực. Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp thì cho rằng, cần phải học tập các quốc gia như Ấn Độ để phát triển nguồn nhân lực CNTT cho mình. Trên thực tế, nếu có chính sách phù hợp thì sẽ phát huy được tiềm năm của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNPT đã đưa ra một số ví dụ về câu chuyện phát triển nhân lực tại Tập đoàn để khẳng định: vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cơ chế. Như việc Học viện Bưu chính Viễn thông xin Nhà nước cho phép thực hiện theo cơ chế xã hội hoá tự thu tự chi, nhưng đã vài năm nay cũng không được cấp phép. Bên cạnh đó, trường Trung cấp nghề của VNPT muốn nâng lên Cao đẳng với chất lượng đào tạo nhân lực cao hơn nhưng do vướng điều kiện phải có trên 5ha đất mới được cấp phép (trong khi VNPT mới chỉ có khả năng lo được 3 ha) nên tạm thời phải gác lại kế hoạch. Ông Trận khẳng định: “Chúng ta phải đưa ra các nội dung qui định liên quan đến chất lượng đào tạo, về đội ngũ giáo viên…, chứ không chỉ nên ràng buộc về chỉ tiêu đất”.

Không thể nói chuyện đắt - rẻ

Các chuyên gia cho rằng, để đưa ra giải pháp tháo gỡ cho sự thiếu hụt nhân lực CNTT trình độ cao, trong định hướng phát triển nguồn nhân lực CNTT ở tầm Quốc gia, Nhà nước cần đưa ra định hướng cụ thể: Việt Nam cần phát triển nhân lực ở lĩnh vực nào (phần cứng hay phần mềm, công nghiệp nội dung số…), nghiên cứu xây dựng chương trình dự báo nhu cầu thực tế của xã hội đối với nhân lực CNTT phân theo thị trường, nhóm ngành, trình độ…, chứ không thể đưa ra mục tiêu về số lượng chung chung. Ông Vũ Hoàng Liên – Giám đốc VDC cũng đưa ra gợi ý: Trong điều kiện có thể, Nhà nước nên nghiên cứu xây dựng một hệ thống xếp hạng tương đối khớp với tiêu chuẩn của quốc tế để áp dụng vào việc đào tạo của các trường đào tạo về CNTT trong nước, để khi sinh viên ra trường cầm trên tay tấm bằng, chứng chỉ của nhà trường là có thể tạo được sự “yên tâm” về chất lượng đối với các doanh nghiệp khi xin việc.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng cần có cơ chế cho sinh viên theo học ngành CNTT vay dưới dạng hỗ trợ tín dụng giáo dục, tăng cường hình thức xã hội hoá đào tạo... Đặc biệt, vấn đề đào tạo không thể nói chuyện thu học phí đắt hay rẻ mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo ra sao. Muốn đào tạo nhân lực chất lượng cao với… chi phí thấp là một bài toán vô cùng khó khăn. “Nếu Nhà nước không quyết tâm, đưa ra vấn đề đột phá thì các cuộc họp bàn về nhân lực CNTT sẽ mãi ở trong vòng luẩn quẩn” – Ông Phạm Tấn Công, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VINASA phát biểu.

Hiện nay Nhà nước đã có cơ chế cho phép áp dụng giáo trình của nước ngoài vào công tác giảng dạy chính quy, tuy nhiên khả năng tài chính của phần lớn cơ sở đào tạo rất khó khăn. Do vậy, nên chăng Nhà nước xem xét, nghiên cứu lựa chọn một số chương trình đào tạo CNTT tiên tiến trên thế giới để mua bản quyền và cung cấp miễn phí, hoặc thu phí một phần các chương trình này để đưa vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo CNTT trong nước.

Nhóm phóng viên ICTnews

Đọc thêm