Nghiện game, những trẻ ngoan trở thành "ác quỷ"

Bỏ học chơi game

Chơi game từ năm học lớp 9, nay đã học đến lớp 13 (lớp học ôn sau khi trượt đại học - PV), Tuấn (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) tự nhận mình là một “con nghiện.” Tiền ăn sáng mẹ cho, Tuấn mua thẻ nạp để tăng sức mạnh cho nhân vật của mình trong game và trả tiền internet. Hễ giờ học nào giáo viên không điểm danh, Tuấn lại lẻn ra quán internet cạnh trường để “cày game.”

Tuấn kể, trước kia máy tính nhà mình cũng kết nối internet, Tuấn tha hồ chơi game thâu đêm suốt sáng ở phòng riêng mà không bị quấy rầy. Một lần, Tuấn bị mẹ phát giác nên đã cắt mạng. Kể từ đó, cậu làm bạn với “quán chat,” thân đến nỗi có thể “ghi nợ” vài trăm ngàn.

Cũng bởi thế, từ một học sinh khá, Tuấn dần sa sút học tập. Mỗi lần kiểm tra thì việc quay cóp đã thành món sở trường của Tuấn. Và, cậu bảo đỗ tốt nghiệp trung học cũng nhờ “ngón nghề” này.

Nghiện game, những trẻ ngoan trở thành "ác quỷ" ảnh 1

Nhiều người chơi game thâu đêm suốt sáng và bị ảnh hưởng tính nết của nhân vật trong thế giới ảo. Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+

Chơi game, nhiều người mất tiền nhưng cũng nhiều người được tiền nên trò chơi này như có ma lực. Tùng (ở Đội Cấn) kể rằng cậu đã từng đi mua hộ người bạn một chiếc nhẫn trên thế giới ảo của trò chơi Võ Lâm truyền kỳ với giá 80 triệu mà không được. “Nhìn đồ, biết đẳng cấp nên nhiều người cũng kiếm tiền triệu khi bán được đồ vật của mình cho khách sộp. Như em, nếu mua hộ đồ thành công thì sẽ được ‘bo’ vài trăm ngàn,” Tùng nói.

Cũng theo Tùng, việc chơi game cũng phải có chừng mực. Bởi nếu đạt được “đẳng cấp” ở một trò chơi nào đó, thì bản thân các game thủ cũng phải đổ quá nhiều công sức và tiền bạc vào nó.

Quan sát của phóng viên Vietnam+ tại hàng chục cửa hàng internet, game online tại Hà Nội cho thấy đa phần khách hàng ra quán chỉ để chơi game. Phần lớn trong số đó là những game với cảnh gươm giáo, đánh giết.

Anh Đinh Văn Việt, chủ quán Thế giới Internet tại khu vực trường Cao đẳng Kinh tế (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, có đến 85%-90% khách hàng của anh đến để chơi game. Người ít thì chơi một đến hai tiếng, còn nhiều thì tới cả ngày.

Mở quán internet được bốn năm, anh Việt cho biết những người chơi game online thường là nam giới, ở độ tuổi từ 16 đến 30. Đa phần, họ rất ham và đã đến cửa hàng nào chơi thì hiếm khi đi sang cửa hàng khác.

Thành “ác quỷ” cũng vì game

Chiến (25 tuổi) ở Thanh Trì thì khác, làm quen với mạng cách đây khoảng 5 năm, khi cậu trở thành người làm thuê cho một cửa hàng kinh doanh internet. Thế rồi, từ chỗ không biết, Chiến trở thành một tín đồ của game. Hết Võ lâm truyền kỳ rồi đến Kiếm thế, chẳng game nào mà Chiến không “chiến.” Nhiều khi đi làm từ 6 giờ sáng, đến tận 12 giờ đêm Chiến mới về đến nhà.

“Cày game” cả đêm, Chiến đâm ra nghiện thuốc. Tính nết cũng cục cằn và ít tiếp xúc với bên ngoài. Cộng với sức khỏe ngày càng sa sút, Chiến mất công việc ở quán internet và trở về nhà ăn bám bố mẹ.

Những ngày đầu không có “đao kiếm,” Chiến cứ như người mất hồn. Thi thoảng, Chiến lại lẻn ra mạng với số tiền ít ỏi mẹ cho ăn sáng. Nhiều khi hết tiền, Chiến buộc phải “bán đồ” (đồ vật của nhân vật trong game) để trả nợ.

Báo chí trong những năm gần đây đã không ít lần nêu ra những hệ lụy nghiêm trọng có nguyên nhân từ game. Đơn cử như tháng 8/2009, nhóm thanh niên 9X đã rủ nhau đến khu vực vườn hoa Trung Yên-Trung Hòa (Hà Nội) cưỡng đoạt xe đạp của các em học sinh để lấy tiền chơi game.

Ở một trường hợp khác, năm 2008, tên Ngô Bá Tâm, 16 tuổi tại Bà Rịa-Vũng Tàu còn cầm tuýp sắt đánh chết bà nội, khi bị bà mắng vì mải chơi game. Mới đây, tại Hàn Quốc, một cặp vợ chồng vì mải chơi game mà để đứa con 3 tháng tuổi chết đói ở nhà.

Đó là những hồi chuông báo động về những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của game tới toàn xã hội. Và rõ ràng, việc chơi game đến mức quên ăn, quên ngủ của các game thủ đã khiến nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng về tính cách của các nhân vật trong thế giới ảo cũng như sức khỏe ngày càng suy kiệt…

Mặc dù việc chơi game quá tải sẽ gây tác động không nhỏ đến sức khỏe, song với các game thủ, dường như những lời khuyên ấy vẫn “nước đổ lá khoai”. Bằng chứng là, ngày càng nhiều quán game online mọc lên, nhiều tín đồ của game xuất hiện cùng lúc với số lượng trò chơi trực tuyến tăng dần. Nếu như cuối năm 2004, khi chỉ có vài game online xuất hiện thì đến nay, số lượng đã là hơn 50 game.

Bài tiếp: Ngăn “tác dụng phụ” của game: Thuốc nào dã tật?

Phớt lờ cảnh báo về “tác dụng phụ” khi chơi game, nhiều game thủ vẫn quên mình trong với thế giới ảo. Đã đến lúc các cơ quan, ban ngành cần có những “liều thuốc” để ngăn chặn, nếu không muốn căn bệnh nghiện game đi quá xa tầm kiểm soát.

Theo Trung Hiền (Vietnam+)

Đọc thêm