Chuyên mục Kỷ Nguyên Số

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh
DANH MỤC
  • Nhịp công nghệ
  • Thiết bị số
  • Tuyệt chiêu
  • Kinh Doanh Online
  • Công Nghệ 4.0
  • Xe Điện
Trang chủ
Kỷ nguyên số
Nhịp công nghệ

Nhịp công nghệ

Ngày CNTT Việt Nam: Nên lấy ngày nào?

Thứ tư 30/03/2011 14:10
printer envelope zini zini zini zini
Vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược về chọn Ngày Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam, song phần lớn cho rằng nên lấy ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 49/CP ngày 4/8/1993 về phát triển CNTT Việt Nam.

Hai nhóm lựa chọn cho Ngày CNTT Việt Nam

Ngày 29/3/2011, Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Hội đồng tư vấn Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT để lấy ý kiến đóng góp lựa chọn ngày làm Ngày CNTT Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT giao Bộ TT&TT nghiên cứu, tổng hợp và đề xuất để Chính phủ phê duyệt Ngày CNTT Việt Nam, đến nay đã có nhiều ý kiến đề xuất mốc thời gian cho ngày này. Trong đó các ý kiến chia thành hai nhóm theo hướng lấy ngày thành lập một số cơ quan đơn vị CNTT và ngày ban hành các văn bản của Nhà nước nhằm thúc đẩy ngành CNTT.   

Theo quan điểm của Vụ Công nghiệp CNTT, có 2 mốc thời gian đáng chú ý hơn cả. Một là ngày 24/5/1968: Thành lập Phòng toán học tính toán (Phòng máy tính) trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Viện CNTT sau này). Đây là cơ quan đầu tiên của nhà nước Việt Nam đưa vào sử dụng máy tính điện tử để giải quyết các bài toán liên quan tới sự phát triển kinh tế, sản xuất và phục vụ chiến đấu. Phòng này có nhiệm vụ giải những bài toán do thực tế sản xuất và chiến đấu đề ra, có khối lượng tính toán lớn, cần tính trên máy tính điện tử; bảo quản, phân phối việc sử dụng máy tính điện tử và các phương tiện tính toán khác; chuẩn bị cơ sở vật chất và cán bộ để xây dựng trung tâm tính toán, đào tạo cán bộ cho ngành máy tính; tổ chức việc quản lý khai thác, bảo hành Máy tính điện tử Minsk-22 do Liên Xô tài trợ cho Việt Nam. Hai là lấy ngày 4/8/1993: Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/CP về phát triển CNTT ở Việt Nam. Nghị quyết khẳng định quan điểm, mục tiêu và nội dung phát triển CNTT ở nước ta đến năm 2000 và đề ra các biện pháp lớn để thực hiện chủ trương quan trọng này. Với tinh thần của Nghị quyết này, lần đầu tiên ngành công nghiệp CNTT được coi là ngành kinh tế kỹ thuật của đất nước. Đây còn là căn cứ để Chính phủ phê duyệt và ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Quyết định 211/TTg ngày 7/4/1995 về Chương trình quốc gia về CNTT, Quyết định 54/1998/QĐ-TTg ngày 3/3/1998 về việc ban hành quy chế quản lý và điều hành các chương trình kỹ thuật-kinh tế: CNTT, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu và Công nghệ tự động hóa… góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng.

Trưng cầu ý kiến

Phát biểu tại buổi họp này, ông Vũ Đức Thi, nguyên Viện trưởng Viện CNTT cho rằng với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” thì nên lấy ngày 24/5/1968 là hợp lý. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng lên tiếng đồng tình với mốc thời gian này.

Tuy nhiên, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự Phạm Thế Long cho rằng có thể chọn 2 ngày làm ngày CNTT Việt Nam. Thứ nhất, nên lấy ngày thành lập Hội Tin học Việt Nam (17/12/1988) vì đây là ngày cho tất cả những người làm CNTT của Việt Nam giống như ngày 20/11 giành cho tất cả các thầy cô giáo. Ngày thứ hai có thể lựa chọn làm Ngày CNTT Việt Nam là ngày 4/8/1993 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/CP vì nó đánh dấu bước chuyển rõ nét của Chính phủ đối với lĩnh vực CNTT. Đồng tình với quan điểm thứ nhất của ông Phạm Thế Long, ông Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ đưa ra một lựa chọn duy nhất là nên lấy ngày thành lập Hội Tin học làm Ngày CNTT Việt Nam. Thế nhưng, ông Phí Văn Thuận, Vụ KHCN của Bộ Y tế lại đồng tình với đề xuất thứ 2 là lấy ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/CP bởi nó thể hiện quyết tâm của Chính phủ về phát triển CNTT. Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách của Vinasa cũng cho rằng nên lấy mốc thời gian gần đây để thể hiện sức trẻ trung và có nhiều khát vọng. Trong rất nhiều mốc thời gian và sự kiện để lựa chọn thì nên lấy ngày 4/8/1993-ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/CP làm Ngày CNTT Việt Nam.

Trước nhiều ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này, Bộ TT&TT đã phát phiếu thăm dò ý kiến của tất cả các thành viên Hội đồng tư vấn Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT. Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy có quá nửa số thành viên chọn ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết số 49/CP (4/8/1993) làm Ngày CNTT Việt Nam. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các hội, hiệp hội về lựa chọn Ngày CNTT Việt Nam. Sau đó Bộ TT&TT sẽ có báo cáo Chính phủ phê duyệt Ngày CNTT Việt Nam.

Theo Thái Khang (ICTnews)


 

các tin khác

  • Samsung và LG "gây chiến" vì 3D
  • Panasonic ra tiêu chuẩn chung cho kính 3D
  • "Cháy" vé dự hội nghị phát triển công nghệ Apple
  • Giá trị của những thương hiệu hàng đầu
  • Đổ xô rót vốn cho mạng xã hội di động
  • Hãng Nokia quyết "ăn thua" trả đũa đối thủ Apple
  • VinaPhone đẩy mạnh phổ cập 3G tại Việt Nam
  • "Chợ cóc" điện tử
  • Dell không tin iPad thành công trong doanh nghiệp

tin đọc nhiều

CHỈ MỤC
  • Nhịp công nghệ
  • Thiết bị số
  • Tuyệt chiêu
  • Kinh Doanh Online
  • Công Nghệ 4.0
  • Xe Điện
  • rss G+ Facebok

Chuyên mục Kỷ Nguyên Số

© Chuyên mục công nghệ Báo điện tử Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan chủ quản: Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Giấy phép số: 636/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 28-12-2020
Tổng Biên Tập: Mai Ngọc Phước. Tòa soạn: 34 Hoàng Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, TPHCM
Tổng đài: (028)39910101 - 39914701. Fax: (028) 3991 4661; Email: kynguyenso@phapluattp.vn

Liên hệ Truyền Thông, quảng cáo: (028) 39914669 – Fax: (028) 39914606, Email: quangcao@phapluattp.vn

® Pháp Luật TP.HCM giữ bản quyền nội dung trên website này.

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản của Báo.

Đang hiển thị 2201645673509662010.