Ngăn “tác dụng phụ” của game: Thuốc nào dã tật?

Cai nghiện cho game thủ

Trong một cuộc trò chuyện với phóng viên Vietnam+, ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc điều hành Game Studio South (thuộc VinaGame) từng nói rằng: “Game dễ truyền tải yếu tố văn hóa vào cộng đồng.”

Nói như ông Quang, rõ ràng việc chơi quá nhiều game bạo lực, với những cảnh chém giết, đổ máu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm sinh lý của game thủ, nhất là giới trẻ. Bởi thế, rất có thể trong tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục phải chứng kiến những hệ lụy của game bạo lực nếu không có “thuốc” đặc trị.

Đông đảo dư luận xã hội đang rất quan tâm về vấn đề này. Thời gian qua, có những lớp học nhằm cai nghiện cho game thủ được tổ chức ở quy mô thí điểm do Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên miền Nam tổ chức.

Ngăn “tác dụng phụ” của game: Thuốc nào dã tật? ảnh 1

Những đứa trẻ mê game bạo lực rất dễ bị ảnh hưởng đến tính cách (ảnh minh họa). Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+

Bà Huỳnh Hồng Hiệp, Giám đốc Trung tâm giảng dạy (thuộc Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu niên miền Nam) cho hay, trong hai năm qua, Trung tâm này đã mở được hai lớp cai nghiện game vào các dịp nghỉ hè (do học viên đa phần là học sinh). Đã có 40 học viên đến tham dự khóa học.

Tại đây, các học viên sẽ trải qua khoảng 10-15 ngày cai nghiện game bằng những phương pháp: Xây dựng hình ảnh bản thân, từ chối và biết kiên định, sinh hoạt và làm việc nhóm, từ cuộc sống ảo đến hiện thực, công tác xã hội, học khiêu vũ, thể thao…

Bà Hiệp cho hay, sau khi học viên tốt nghiệp, Trung tâm thường xuyên liên lạc với phụ huynh để theo dõi tình hình. Kết quả cho thấy, 80% số học viên đã có chuyển biến tốt, không ham mê game online như trước.

Theo dự kiến, tháng 7/2010, một lớp cai nghiện game thí điểm thứ ba sẽ được tổ chức. Sau khi mô hình thí điểm thành công, sẽ được kiến nghị để mở rộng ra phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, cai nghiện chỉ là bước sau, để chữa trị khi đã nhiễm bệnh. Vấn đề của các nhà quản lý,  các bậc cha mẹ và cả các doanh nghiệp game là đừng để các game thủ rơi vào "bệnh game, " và cần phòng để khỏi phải chữa.

Thắt chặt quản lý game bạo lực

Về phía đơn vị quản lý, ông Chu Hòa, Phó cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, những năm qua, game online phát triển nhanh, tạo ra một hiện tượng xã hội.

Theo ông Hòa, không thể có nước Việt Nam dùng internet mà không có trò chơi, bởi như vậy là không đúng quy luật.

“Chúng ta không thể cấm người Việt chơi game, chúng ta chỉ có thể làm cách nào để game tác dụng có lợi nhất cho cộng đồng mà thôi. Nhu cầu chơi game cũng như chơi thể thao, dã ngoại… sau giờ phút căng thẳng là tất yếu,” ông Hòa nói.

Trong hơn một năm qua, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã thắt chặt dần việc quản lý game. Bởi vậy, những game mới phát hành trong thời gian gần đây đã được loại bỏ yếu tố mà báo chí, cộng đồng lên án.

Theo đó, khi doanh nghiệp mang sản phẩm game đến, nếu nội dung game có “gươm to, giáo dài” và hình ảnh phản cảm sẽ không được duyệt để phát hành. “Thông qua cách duyệt này, doanh nghiệp đã bớt nhập khẩu những game bạo lực quá mức,” ông Hòa cho biết.

Có một thực tế, thị trường game Việt “sinh sau đẻ muộn,” vì vậy, để đáp ứng nhu cầu chơi game, người ta phải nhập game từ nước ngoài. Song, đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối bởi các doanh nghiệp phát hành game thường không có quyền can thiệp vào nội dung game nhập khẩu.

Về vấn đề này, ông Hòa cho hay “quan điểm của chúng tôi là ủng hộ sản xuất game trong nước với nội dung lành mạnh, góp phần quảng bá văn hóa Việt. Ngoài ra, chúng ta sẽ dễ dàng quản lý, xử lý vi phạm và định hướng cho sự phát triển của game Việt.”

Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho hay, giới trẻ hiện nay đam mê game một phần cũng bởi quá thiếu sân chơi và hình thức vui chơi cho giới trẻ. Trong khi đó, những trò chơi trên thế giới ảo có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều nơi. Do đó, để hạn chế việc vùi đầu vào game, các cơ quan liên quan cần có những biện pháp để tăng thêm nhiều loại hình giải trí khác.

Với tư cách là thành viên Hội đồng thẩm định game quốc gia, ông Bình cho rằng, hiện game online khi thẩm định đều được xem xét yếu tố hạn chế  thời gian chơi. Thông thường, sau khoảng 3-5 tiếng chơi liên tục, người chơi sẽ không nhận được tiền ảo trong game, thậm chí không chơi được nữa.

Song, thực tế cho thấy biện pháp này trở nên không hợp lý bởi game thủ có thể hack công cụ quản lý thời gian của game một cách dễ dàng.

Để quản lý chặt hơn, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quản lý trò chơi trực tuyến. Theo đó, quy định các đại lý Internet không được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến sau 22 giờ, người chơi không được vượt quá 3 giờ/ một trò chơi trong vòng 24 giờ...

Dư luận thì cho rằng, Việt Nam nên xem xét và đặt "giờ giới nghiêm" với người chơi game online như ở Hàn Quốc. Có thế mới mong hạn chế được những "tác dụng phụ" không mong muốn của game tới xã hội.

Theo Trung Hiền (Vietnam+)

Đọc thêm