Mỹ: “Online hóa” trường học

Mỹ: “Online hóa” trường học ảnh 1

Các lớp học trực tuyến đang “bùng nổ” trên khắp nước Mỹ.

Daterrius Hamilton ngồi trong một phòng học được sắp đầy những chiếc máy tính. Nhưng đó không phải là giờ Tin học mà cậu học sinh chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 này đang phải “nhằn” môn Anh ngữ 3 với đề bài về Jack London. Đã từng trượt tốt nghiệp phổ thông vì không thể “qua” môn Anh ngữ 3 nên giờ đây Hamilton phải đăng ký học trực tuyến để lấy điểm môn này và để được công nhận tốt nghiệp. Ngay khi nhận được câu hỏi, Hamilton lập tức truy cập vào Google, copy một đoạn trong Wikipedia, chỉnh sửa lại chút ít, soát lỗi chính tả và gửi email nộp bài cho giáo viên.

Hamilton là một trong số hơn 1 triệu học sinh trong độ tuổi từ 6 -18 tại Mỹ đang theo học các lớp học phổ thông được thiết kế đào tạo một phần hay hoàn toàn qua mạng Internet. Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải cắt giảm ngân sách cho giáo dục, các lớp học online trở thành cơ hội cho rất nhiều thanh thiếu niên Mỹ bởi họ không có chỗ học do nhiều trường không đủ số lượng học sinh theo quy định để mở lớp.

Không chỉ là một phong trào tự phát, tại nhiều bang ở Mỹ, các nhà quản lý giáo dục đã ban hành quy định trước khi được công nhận tốt nghiệp, mỗi học sinh phải đăng ký học một số môn nhất định tại các lớp học trực tuyến. Các lớp học trực tuyến này có thể được tổ chức tập trung tại các trường hoặc học sinh có thể ngồi tại nhà. Theo lý giải của các nhà quản lý thành phố Memphis (bang Tennessee), đây là bước chuẩn bị cần thiết nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng phục vụ cho việc học tại các trường đại học và phù hợp với môi trường làm việc của thế kỷ 21. Nhưng quy định này của chính quyền Memphis vẫn đang phải hứng chịu rất nhiều những lời chỉ trích, chủ yếu đến từ nghiệp đoàn giáo viên với cáo buộc rằng đó chỉ là hành động nhằm khỏa lấp việc cắt giảm ngân sách cho giáo dục chứ không phải vì lợi ích của học sinh.

Tại Miami, hiện đang có khoảng hơn 7.000 học sinh đang phải theo học các lớp trực tuyến do không có đủ số lượng giáo viên và nhiều trường không thể mở lớp với số lượng học sinh ít hơn theo quy định của bang. Tại Idaho, người phụ trách giáo dục của bang đã ban hành quy định mỗi học sinh phải có ít nhất 4 môn học qua môi trường Internet. Để phục vụ cho quy định này, hồi tuần trước chính quyền bang đã thông qua chính sách trang bị cho mỗi học sinh một laptop dựa vào nguồn ngân sách và quỹ lương cho giáo viên của bang. Tại Chicago và New York, các chương trình thử nghiệm bắt buộc học trực tuyến cũng đang được tiến hành và áp dụng với 2 môn học ban đầu là Toán và Tiếng Anh.

Theo ước tính của Bộ Giáo dục Mỹ, nước này đã có khoảng 770 trường phổ thông áp dụng phương thức học trực tuyến, tăng 34% trong vòng 2 năm qua với khoảng 1,03 triệu học sinh (trong đó có hơn 200.000 học trực tuyến toàn phần) tính đến năm học 2007-2008. Nhưng chính Bộ Giáo dục cũng lên tiếng cảnh báo cho rằng việc học trực tuyến đã tỏ ra có hiệu quả tốt với sinh viên đại học, cao đẳng nhưng chưa đủ bằng chứng khoa học cho thấy nó cũng tốt với các học sinh phổ thông.

Cũng phải thừa nhận rằng, việc học trực tuyến gia tăng nhanh nhất ở nhóm các học sinh đã từng trượt tốt nghiệp tại các lớp học thông thường hay tại các khu vực nghèo - nơi các nhà quản lý cần nâng cao tỷ lệ học sinh tốt nghiệp nhằm tránh những hình phạt của chính quyền liên bang. Điều này có vẻ đúng bởi tại Memphis tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ đạt dưới 60% và chính quyền thành phố đang hy vọng các lớp học trực tuyến sẽ giúp cho tỷ lệ này tăng lên 86% trong năm học này. Melony Smith, giáo viên của Hamilton cho biết cô đã không phát hiện ra bài làm của cậu học sinh là bài copy nhưng thừa nhận nạn quay cóp là vấn nạn lớn nhất của các lớp học trực tuyến.

“Cái mà họ muốn chỉ là việc dùng công nghệ để thay thế giáo viên”, Alex Molnar, giáo sư ngành chính sách giáo dục của trường Đại học Arizona bình luận. Nhưng thống đốc bang Idaho lại phản biện rằng lập luận “tiết kiệm ngân sách” của những người phản đối hình thức học trực tuyến không đúng bởi khoản tiền để trang bị mỗi học sinh một laptop đã lớn hơn rất nhiều khoản mà họ có thể tiết kiệm được.

Và các lớp học trực tuyến vẫn tiếp tục “bùng nổ” trên đất Mỹ bất chấp những tranh cãi xung quanh nó chưa có hồi kết.

Theo Lê Trí (ICTnews / NYT)

Đọc thêm