Mỹ mạnh tay với rác thải điện tử

Mỹ mạnh tay với rác thải điện tử ảnh 1

Công nhân đang phân loại rác điện tử tại hãng tái chế Vintage Tech Recyd ers ở Romeoville

Jerry Spangler biết rõ những chiếc máy tính cũ của ông cần được tái chế, nhưng ông không biết phải đưa chúng đi đâu. Vì thế, ông đã để chúng phủ đầy bụi trong gian nhà kho suốt gần mười năm qua. Cuối cùng, mới đây ông đã đưa chúng vứt ở một bãi rác nhỏ gần khu công viên Bolingbrook.

“Tôi biết từ lâu rằng những loại rác điện tử này có thể gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe và môi trường”, Spangler, 64 tuổi, ở thành phố Naperville (Chicago, Mỹ) nói trong khi vận chuyển 3 chiếc máy tính để bàn từ trên xe tải xuống một đống rác. “Nhưng tôi không biết làm gì với chúng”.

Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, rác điện tử đang là vấn đề lo ngại ngày càng gia tăng của quốc gia. Một điều luật của bang Illinois vừa có hiệu lực năm ngoái đã yêu cầu các nhà sản xuất hàng điện tử phải đặt ra các mục tiêu về tái chế và đạt được các mục tiêu đó. Nhưng các công ty ở Illinois vẫn “vô tư” để trượt mục tiêu vốn đã thấp hơn các bang khác. Để tuân thủ luật pháp, các nhà sản xuất đã ký hợp đồng với các hãng tái chế và báo cáo trọng lượng các sản phẩm điện tử thu thập được với Hiệp hội Điện tử tiêu dùng ở Illinois. Chính quyền bang sẽ nhân đôi tổng số lượng trong 6 tháng đầu năm 2010 để đặt ra mục tiêu tái chế cho năm 2011. Dự kiến từ năm 2012, mục tiêu tái chế sẽ được tính bằng năm này gấp đôi năm trước.

Và cũng bắt đầu từ năm 2012, Illinois sẽ cấm đổ rác điện tử ra các bãi rác sinh hoạt. Các công dân sẽ bị phạt 100 USD nếu bị bắt quả tang. Luật yêu cầu các nhà sản xuất phải tái chế các sản phẩm của họ.

Illinois hiện là một trong hơn 20 bang của nước Mỹ đã có luật về rác điện tử. Mặc dù một số nhà sản xuất và bán lẻ đã có các chương trình hỗ trợ hoặc tài trợ các sự kiện tái chế, song các nhà hoạt động cho rằng luật pháp cần nghiêm khắc hơn nữa để rác điện tử không nằm lộ thiên trong những đống rác thông thường.

Theo Hiệp hội Điện tử tiêu dùng, tính trung bình, mỗi gia đình Mỹ có khoảng 24 thiết bị điện tử. Khoảng 2 triệu tấn rác điện tử các loại thải ra mỗi năm trên cả nước, nhưng chưa đến 20% số đó được tái chế. Số còn lại nằm chất đống trong các bãi rác, và những chất độc hại như chì, thủy ngân… có thể rò rỉ, gây hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Trong khi đó, luật của bang Minnesota, đã thực hiện được 4 năm, quy định các nhà sản xuất phải tái chế 80% trọng lượng sản phẩm họ bán ra trong bang.

Còn tại New York, theo luật rác thải điện tử mới của bang, người dân có thể tái chế TV, máy tính, thiết bị điện tử miễn phí. Luật này của thành phố New York có hiệu lực từ ngày 1/4 vừa qua, yêu cầu các nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm để tái chế khi khách hàng thải sản phẩm ra. Như vậy, nhà sản xuất phải có các chương trình thu hồi hàng cũ tại các cửa hàng, và tuyên truyền rộng rãi cho người dùng.

Tuy vậy, không phải một khi rác điện tử đến được với nhà tái chế thì nó sẽ được xử lý an toàn. Một số công ty xuất khẩu hàng điện tử cũ sang các nước đang phát triển để người dân nơi đây làm “hàng đồng nát’ và thu hồi kim loại.

Năm 2005, Illinois là một trong số những bang đã phải xấu hổ vì các mẫu máy tính cũ của các công chức chính phủ được tìm thấy trong đống rác ở Nigeria.

Cũng có một số hãng tái chế nhận được giấy chứng nhận vì đã “tái chế rất có trách nhiệm”. Một trong số đó là Vintage Tech Recyclers ở Romeoville, hãng chuyên thu gom máy tính cũ để tái chế. Được sự hỗ trợ của các hãng sản xuất, gần đây Vintage Tech đã mở một nhà máy mới, thuê thêm 17 nhân viên và lập kế hoạch tái chế 10 triệu tấn rác điện tử trong năm nay – tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tại nhà máy tái chế của công ty, các nhân viên cân, thử nghiệm, phân loại và tân trang lại những đồ điện tử cũ còn có thể sử dụng. Những hàng điện tử này sẽ được nâng cấp linh kiện và bán cho những người buôn hàng điện tử. Nếu không thể tái sử dụng nữa, họ sẽ tháo gỡ thiết bị, linh kiện, sau đó phân loại và sử dụng lại các kim loại như vàng, bạch kim, bạc, nhôm và thép.

Ổ cứng máy tính thường được tháo gỡ, tẩy dữ liệu, cắt nhỏ thành mảnh vụn hoặc nghiền nát.

Theo Mạnh Hùng (ICTnews / Chicagotribune, AP)

Đọc thêm