Muốn điện thoại dùng ổn, nên tắt sóng... 3G?

Để khắc phục hầu hết tình trạng này, cách đơn giản nhất là chủ thuê bao nên tắt chế độ... 3G trên ĐTDĐ.

Muốn điện thoại dùng ổn, nên tắt sóng... 3G? ảnh 1

Nếu chưa sử dụng các dịch vụ 3G, người dùng di động nên tạm thời tắt chức năng kết nối này để tránh hiện tượng bị "nhảy sóng". Ảnh: V.T.

Nói cách khác, hiện tượng chất lượng dịch vụ di động chập chờn tại một số thời điểm là "tác dụng phụ" từ việc các mạng di động triển khai dịch vụ 3G, đầu tiên là VinaPhone, rồi đến MobiFone và Viettel  hiện đang thử nghiệm. 

Cũng cần khẳng định rằng những "tác dụng phụ" này là không thể tránh khỏi đối với bất kỳ mạng di động nào khi triển khai dịch vụ 3G, bởi việc lắp đặt hệ thống thiết bị hạ tầng, trạm phát sóng 3G không thể hoàn thiện được trong một sớm một chiều. 

Chỉ một số khu vực trung tâm được các mạng di động ưu tiên triển khai sóng 3G trước, chưa kể phải hiệu chỉnh phạm vi phủ sóng sao cho chất lượng dịch vụ đạt tốt nhất... chắc chắn sẽ dẫn tới việc biểu tượng 3G trên máy di động của người dùng lúc ẩn, lúc hiện, nhất là đối với các thuê bao đang di chuyển. 

Lỗi tại người dùng?

Đối với các dòng ĐTDĐ 2G không hỗ trợ kết nối 3G, hiện tượng dịch vụ "phập phù" như trên không hề xuất hiện, nên không thể nói theo kiểu "3G nuốt sóng 2G" để đổ hết trách nhiệm về chất lượng dịch vụ cho phía nhà mạng được. Hai chế độ phát sóng 2G và 3G hoàn toàn độc lập nhau, nên thuê bao 2G vẫn sử dụng được dịch vụ bình thường. Vấn đề mấu chốt nằm ở các thuê bao sử dụng ĐTDĐ có khả năng hỗ trợ cả sóng 2G và 3G.

Thông thường, các nhà cung cấp ĐTDĐ luôn muốn khách hàng của mình sử dụng sản phẩm được thuận tiện, không phải cài đặt thiết lập chế độ trên máy khi mua về.  Các máy ĐTDĐ khi xuất xưởng do vậy thường được đặt chế độ ngầm định (default mode) là hỗ trợ cả mạng 2G và 3G, cũng như hỗ trợ 3-4 băng tần GSM khác nhau, để khách hàng dù ở quốc gia nào cũng chỉ cần cắm SIM, bật máy là kết nối vào mạng di động được.

Chính chế độ thiết lập ngầm định này đã gây khó khăn cho chủ nhân của các máy ĐTDĐ hỗ trợ cả sóng 2G và 3G. Khi đứng ở khu vực sóng 3G đủ mạnh, máy điện thoại sẽ tự động chuyển sang chế độ dùng sóng 3G, nhưng nếu người dùng chưa đăng ký gói dịch vụ Internet 3G thì sẽ việc kết nối GPRS sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, việc sóng 2G và 3G lúc mạnh lúc yếu, nên nếu máy ĐTDĐ để ở chế độ chọn mạng tự động thì sẽ dễ rơi vào trạng thái phải dò lại sóng, tương tự như lúc mới khởi động máy. 

Khi ở trạng thái hay phải dò lại sóng mạng di động để xem sóng 2G hay 3G mạnh hơn, các sự cố như không thực hiện được cuộc gọi, nhắn tin, rớt cuộc gọi đang thực hiện là chuyện rất bình thường, và chắc chắn kết nối GPRS để đọc báo trên ĐTDĐ cũng vậy. 

ĐTDĐ "nhảy sóng", nhà mạng lấp lửng 

Các mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ 3G để chiếm lợi thế đi trước trên thị trường này, nên hiện tượng máy điện thoại của khách hàng tự động "nhảy sóng" giữa 2G và 3G ngày càng trở nên phổ biến hơn. 

Tuy nhiên, vì cần đẩy mạnh việc thu hút các thuê bao sử dụng dịch vụ 3G, nên các nhà mạng đương nhiên không muốn thuê bao 2G của mình tắt chức năng 3G trên máy. Do đó, các khuyến cáo tới khách hàng về hiện tượng "nhảy sóng" thường không được nhà mạng chú trọng, hoặc chỉ thực hiện nửa vời. 

VinaPhone khai màn dịch vụ 3G đầu tiên vào 12/10/2009, và cũng khiến một tỉ lệ không nhỏ thuê bao VinaPhone gặp trục trặc khi điện thoại tự động chuyển sang kết nối 3G. Chỉ đến khi hiện tượng lỗi trở nên khá phổ biến, nhiều người than phiền, thì VinaPhone mới ra khuyến cáo trên một số phương tiện truyền thông để hướng dẫn khách hàng bỏ chế độ tự động chọn mạng giữa 2G và 3G trên máy di động. 

Với lợi thế đi sau, MobiFone đã có cải thiện đáng kể về giữ ổn định chất lượng dịch vụ thoại, SMS, nhưng cũng chưa tận dụng hết được những kinh nghiệm mà VinaPhone gặp phải. Chính thức triển khai 3G từ ngày 15/12 vừa qua, nhưng từ trước đó vài ngày, một số thuê bao MobiFone đã cho biết họ gặp trục trặc khi kết nối GPRS. Tuy nhiên, nếu tắt chế độ 3G, chỉ dùng sóng 2G thì vẫn kết nối để đọc tin tức trên ĐTDĐ bình thường. 

Nếu các mạng di động truyền thông mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi triển khai sóng 3G để chủ thuê bao chủ động đăng ký hoặc tạm thời tắt chức năng 3G trên máy mình, tỉ lệ gặp sự cố "nhảy sóng" sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng nếu khách hàng tắt sóng 3G, nhà mạng sẽ khó khăn hơn trong việc giới thiệu dịch vụ 3G và thu hút chủ thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ này, nên giải pháp "thông báo lấp lửng" hoặc "để khách hàng tự mày mò chỉnh sửa khi gặp lỗi" vẫn được các nhà mạng ưu tiên hơn.

Muốn dùng ổn định, nên tắt... 3G

Thay vì các tin nhắn kiểu như "thông báo khuyến mại", "điểm tích lũy loyalty", "chương trình trao thưởng"... nếu các nhà mạng cảnh báo tới từng khách hàng bằng SMS để cảnh báo về khả năng bị "nhảy sóng", hướng dẫn khách hàng chủ động tạm bỏ chế độ 3G khi chưa dùng đến nếu máy điện thoại hỗ trợ 3G, kèm hướng dẫn đăng ký 3G nếu khách hàng có nhu cầu thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. 

Chủ thuê bao di động cũng sẽ cảm thấy được nhà mạng tôn trọng và đảm bảo chất lượng dịch vụ, thay vì việc phải khó chịu vì hiện tượng máy di động "nhảy sóng" và tự đi tìm hiểu nguyên nhân, nhờ người khác xem lỗi do máy hay do mạng. 

Nếu người dùng biết cách bỏ chức năng kết nối 3G trên máy khi chưa cần thiết, họ cũng sẽ đủ khả năng kích hoạt lại chức năng này và đăng ký dịch vụ 3G nếu thấy rõ những lợi thế như truy cập Internet di động chất lượng cao, xem video trực tuyến trên mobile, thoại có hình... 

Còn trong thời gian trước mắt, khi các trạm BTS vẫn đang tiếp tục được lắp đặt thêm thiết bị phát sóng 3G, để đảm bảo các khách hàng 2G vẫn có thể thoại, nhắn tin SMS, kết nối GPRS được bình thường, việc các nhà mạng khuyến cáo người dùng nên tắt chức năng 3G khi chưa dùng đến là việc cần thiết, vừa để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng, vừa để giữ gìn uy tín cho nhà mạng. 

Theo Huy Phong (VNN)

Đọc thêm