Mục tiêu 100 doanh nghiệp đạt CMMI

Mục tiêu 100 doanh nghiệp đạt CMMI ảnh 1

Chuẩn CMMi được nhận định sẽ giúp doanh nghiệp PM&NDS hạn chế mất “chất xám” khi nhân viên nhảy việc - ảnh: Đ.H

CMMi (Capability Intergration Model – Mô hình trưởng thành năng lực tích hợp) là chuẩn đánh giá về mức độ thuần thục trong quy trình sản xuất phần mềm do Viện Công nghiệp phần mềm (SEI) của Mỹ phát triển, hiện được áp dụng rất rộng rãi trên thế giới. Việc sở hữu chứng chỉ quốc tế như CMMi sẽ giúp doanh nghiệp phần mềm và nội dung số (PM&NDS) chuẩn hoá quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, đồng thời có được “giấy thông hành” nâng cao năng lực và cơ hội cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Đặt hi vọng “cải thiện bộ mặt”

Tại hội thảo về CMMi diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trọng Đường – Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết: Trong khi tại nhiều quốc gia có ngành công nghiệp PM&NDS phát triển trên thế giới đang coi việc áp dụng chuẩn CMMi là điều kiện cần thiết, thì tại Việt Nam vẫn còn “khiêm tốn”. Với tổng số gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, thì hiện mới có 10 doanh nghiệp đạt được chứng chỉ CMMi, khoảng 30 doanh nghiệp khác mới tuyên bố sẽ áp dụng chuẩn CMMi.

Ngành PM&NDS Việt Nam có thực sự trở thành một ngành công nghiệp hay không, rất cần thiết chuyện phải đi theo một quy trình đạt chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và giao Bộ TT&TT làm chủ đầu tư dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn CMMi” từ mức 3 trở lên (trên tổng số 5 mức với nội dung đào tạo tổng quan về CMMi, tư vấn đánh giá thực trạng và hỗ trợ doanh nghiệp lập kế họach triển khai xây dựng áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi, tư vấn xây dựng, đánh giá quy trình cũng như áp dụng vào dự án thực tế).

Theo kế hoạch, trong 3 năm (từ 2010 – 2012) dự án được triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng (mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ 25000 USD, thực hiện trong 18 tháng) được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Cụ thể hơn, 15000 USD giúp doanh nghiệp xây dựng, áp dụng quy trình CMMi; 10000 USD còn lại hỗ trợ đánh giá, lấy chứng chỉ. Trả lời câu hỏi liên quan đến cơ sở nào Nhà nước đưa ra con số hỗ trợ 25.000 USD, ông Đường khẳng định: Thực tế, số tiền này sẽ không đủ để giúp cho doanh nghiệp xây dựng được quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi. Nếu tính trung bình, mỗi doanh nghiệp cần phải bỏ ra khoảng 50.000 USD, do vậy dựa trên nguyên tắc Chính phủ và doanh nghiệp cùng “gánh” một nửa, Bộ TT&TT đã đề xuất mức 25.000USD.

Ông Đường cũng cho biết thêm: “Với việc triển khai chuẩn CMMi, hoạt động doanh nghiệp sẽ đi vào quy củ, tính công nghiệp cao hơn và từ đó không chỉ cải thiện năng lực của từng doanh nghiệp, mà còn “nâng” thương hiệu của cả ngành công nghiệp PM&NDS Việt Nam. Nếu chúng ta có 100 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMi, chắc chắn thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ có nhiều cải thiện”.

Không đạt chứng chỉ, chưa hẳn thất bại

Theo Bộ TT&TT, tính đến thời điểm hiện nay đã có tổng số 60 doanh nghiệp nộp hồ sơ xin được hỗ trợ triển khai quy trình sản xuất theo chuẩn CMMi. Tuy nhiên trong năm 2010 Bộ chỉ lựa chọn ra 30 doanh nghiệp để tham gia, tức là mới chỉ hỗ trợ được một nửa nhu cầu. Trao đổi về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp để đưa vào diện được hỗ trợ, ông Đường cho biết ngoài việc ưu tiên các doanh nghiệp lần đầu triển khai CMMi, Bộ sẽ xét khách quan dựa trên các tiêu chí về quy mô, quy trình sản xuất đang thực hiện, số lượng nhân viên... để chọn những doanh nghiệp tiềm năng. Tuy nhiên, trong câu chuyện này thì tiền chỉ là một phần, vấn đề quan trọng hơn lại nằm ở nỗ lực của doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ TUV Rheinland, ECCI, QAI (các công ty, tập đoàn đã có kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới triển khai CMMi) đã lên tiếng cảnh báo việc triển khai theo chuẩn CMMi với 5 cấp độ rất khó khăn, không như với việc đạt những chứng chỉ khác như ISO. Ông Kama Neson Gameson Kamesh – Tổng Giám đốc Khu vực của Tập đoàn ECCI nhận định điều đó cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi rất lớn sự nỗ lực, quyết tâm của cả doanh nghiệp, từ giám đốc, phòng quản trị chất lượng, người lập trình… chứ không riêng ai.

Nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 100 doanh nghiệp, tuy nhiên trước những khó khăn được đặt ra, sẽ là rất “lãng mạn” nếu đặt hi vọng cả 100% doanh nghiệp được hỗ trợ đều đạt được chứng chỉ. Về vấn đề này, ông Đường khẳng định: “Chúng tôi không coi việc các doanh nghiệp không đạt được chứng chỉ là thất bại, bởi lẽ trong quá trình áp dụng CMMi, quy trình và năng lực doanh nghiệp chắc chắn sẽ được cải thiện rất nhiều”.

“Lợi đơn lợi kép”

Đối với các doanh nghiệp PM&NDS Việt Nam, nhiều doanh nghiệp quy mô lên đến hàng trăm nhân viên nhưng toàn bộ các vấn đề “đầu não” liên quan đến công nghệ, tài liệu triển khai ứng dụng của khách hàng lại nằm trong tay vài ba cá nhân chủ chốt. Bên cạnh đó, nhân lực làm trong lĩnh vực PM&NDS tại Việt Nam tuy không hề thua kém nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng vấn đề làm theo quy trình, tuân thủ ý thức kỷ luật để kết nối tạo thành sức mạnh tập thể lại là cả một vấn đề còn trì trệ trong rất nhiều năm qua, cần phải được cải thiện.

“Nếu một trong những cá nhân chủ chốt nhảy việc làm cho doanh nghiệp khác, nguy cơ tồi tệ xảy ra đối với doanh nghiệp sẽ rất lớn do thất thoát tài liệu, không còn hồ sơ, gây thiệt hại nặng nề. Chính vì vậy, áp dụng CMMi sẽ không xảy ra tình trạng đó vì tất cả các công việc trong quá trình triển khai dự án phải được lưu vào báo cáo, khiến người tiếp nhận công việc sẽ thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết, đồng thời khẳng rằng việc các doanh nghiệp PM&NDS triển khai chuẩn CMMi cũng tạo thuận lợi cho đối với các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT (khách hàng của các doanh nghiệp PM&NDS) trong việc nâng cấp ứng dụng, tạo điều kiện cho lĩnh vực ứng dụng CNTT Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn.

Theo Đức Hiệp (ICTnews)

Đọc thêm