Mua “hàng online”: thận trọng

Thời gian gần đây, các kênh bán hàng trực tuyến không còn lèo tèo vài món hàng thời trang hay đồ điện tử, mà “hàng hóa online” đã rất phong phú, có cả đồ gia dụng, điện máy, linh kiện máy móc, văn phòng, đồ nội thất, thủ công mỹ nghệ, thậm chí thú nuôi, cá cảnh…

Cũng giảm giá, khuyến mãi

Ưu điểm lớn nhất của việc mua hàng qua mạng là tiện lợi. Người tiêu dùng chỉ cần vài thao tác nhấp chuột, điền các thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, chọn hình thức thanh toán trước hoặc thanh toán kiểu “tiền trao cháo múc” là hàng hóa sẽ được giao tận nhà. Sự lựa chọn cho người tiêu dùng ngày càng nhiều, không chỉ bởi có nhiều website bán hàng mà nhiều nhà sản xuất cũng tham gia bán trực tuyến. Bà Phan Thị Nhật Linh, phụ trách marketing trang web mua sắm 123mua.com.vn, cho biết hiện trang web bán hàng này có khoảng 15.000 cửa hàng được mở (mỗi cửa hàng tối thiểu có trên 100 món hàng).

Theo ông Hồ Tấn Dương - phụ trách trang web bán hàng sieuthinhanh.com, tại địa bàn TP.HCM thời gian từ khi đạt được thỏa thuận mua bán trên mạng đến khi nhận được hàng chỉ tối đa trong vòng một ngày. Ngoài ra, do không phải chi phí nhiều về nhân sự, thuê mặt bằng… nên giá cả hàng hóa (đã tính cả thuế VAT, phí vận chuyển) rẻ hơn từ 3-5% so với kênh phân phối thông thường. Và để thu hút khách hàng, hiện nay rất nhiều món hàng trên mạng cũng được giảm giá, khuyến mãi.

Tại trang web sieuthinhanh.com, ông Dương cho hay hiện có trên 500 cửa hàng được mở, trong đó rất nhiều hàng hóa được giảm giá 5%, 10%, 20%, thậm chí 40%, 50% hoặc tặng quà kèm sản phẩm. Hàng giảm giá chủ yếu là mỹ phẩm, giày dép, túi xách, đồ gia dụng, linh kiện điện tử…

“Trước đây, hàng hóa bán qua mạng rất hiếm các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Nhưng nay nhiều người bán hàng cũng áp dụng những biện pháp trên để giải phóng hàng tồn kho. Ngoài ra, do số người tham gia bán hàng online ngày càng nhiều nên các nhà kinh doanh cũng cần cạnh tranh về giá đồng thời kích thích sức mua. Do đó, các chương trình giảm giá trên mạng cũng hấp dẫn không kém các chương trình giảm giá kích cầu tại siêu thị, trung tâm thương mại…” - ông Dương cho hay.

Thận trọng để tránh rủi ro

Tuy nhiên, ông Dương cho rằng người tiêu dùng không nên cứ thấy giảm giá là mua ào ào. Bởi đa số website thương mại điện tử hiện nay chỉ là một cầu nối giữa người bán và người mua, họ hầu như không kiểm soát được giá cả mà bên bán công bố. Trong nhiều trường hợp, người bán dùng kỹ thuật bán hàng để lừa người tiêu dùng. Ví dụ, một chiếc túi xách giá chỉ 500.000 đồng nhưng có người bán đề giá 1 triệu đồng, sau đó lại quảng cáo giảm giá 50%.

Anh Trần Quang Hiếu, ngụ đường Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, cho biết anh mua một máy nước nóng giảm giá gần 30%, từ 3,7 triệu đồng xuống còn 2,6 triệu đồng. “Tưởng rằng được giảm hơn 1 triệu đồng nhưng thực tế chiếc máy cùng hãng, cùng model chưa giảm giá cũng chỉ bán 2,6 triệu đồng” - anh Hiếu bức xúc.

Nhiều người có thâm niên trong lĩnh vực thương mại điện tử cho rằng đối với hàng giảm giá, người tiêu dùng không nên quá “ham” những loại giảm nhiều mà chỉ nên lựa sản phẩm có mức giảm giá tương đối, khoảng 5-10% vì mức giảm này thực tế hơn. Ngoài ra, ngay cả hàng không giảm giá, để tránh bị “chặt” do nhiều website, người bán hàng làm ăn chụp giật, người tiêu dùng nên sử dụng Internet để kiểm tra giá cả bằng cách tìm giá trên trên Google với từ khóa là tên và model sản phẩm.

Không chỉ bị gian lận về giá cả, nhiều người mua hàng qua mạng kêu ca về chất lượng sản phẩm. Chị Bùi Kim Ngọc (P.6, Q.3, TP.HCM), phàn nàn máy nghe nhạc chị mua 1,3 triệu đồng có chất lượng rất tệ, âm thanh bị rè, loa quá nhỏ… “Tôi chắc chắn đó không phải hàng chính hãng mà là đồ dỏm. Nhưng do sơ ý không thử máy ngay khi nhân viên giao hàng mang tới nên bốn ngày sau, khi tôi liên hệ đòi đổi máy hoặc trả lại thì người bán hàng nhất mực từ chối” - chị Ngọc cho hay.

Tương tự, một số người tiêu dùng cho biết họ không hài lòng về chất lượng các sản phẩm như giày dép, túi xách, quần áo… khi mua qua mạng, nhưng do chọn hình thức thanh toán bằng cách chuyển tiền trước hoặc thanh toán trực tuyến nên rất khó có thể thương lượng để lấy lại tiền. Chỉ trừ trường hợp khi nhận hàng mới trả tiền, người tiêu dùng mới có thể giảm thiểu việc mua phải hàng chất lượng kém.

Bà Phan Thị Nhật Linh cũng thừa nhận tình trạng bán hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng thời trang, hiện đang tồn tại khá nhiều tại các shop hàng trực tuyến. Do đó, khi mua hàng người tiêu dùng nên lựa chọn những trang web bán hàng uy tín, để nếu xảy ra rủi ro sẽ được ban quản lý trang web bồi hoàn trước bằng một khoản tiền nhất định mà họ đã giữ của các nhà mở shop kinh doanh tự nguyện đóng.

Số người mua hàng qua mạng ngày càng nhiều

Giám đốc một công ty hiện đang quản lý một website thương mại điện tử cho biết mặc dù trong bối cảnh người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu nhưng doanh số bán hàng qua website này vẫn liên tục tăng. Cụ thể, nếu tháng 1-2009 doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng thì tháng 3-2009 con số trên đã tăng lên 800 triệu đồng. Đại diện một website khác đã có tên tuổi trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng cho biết quý 1-2009, số lượng người truy cập website và ghé thăm các gian hàng của họ có mức tăng đột biến, gấp 5-6 lần so với quý 1-2008.

Theo Bạch Hoàn (Tuổi Trẻ)

Đọc thêm