Mike Lazaridis: Cha đẻ của BlackBerry

Mike Lazaridis: Cha đẻ của BlackBerry ảnh 1

Bố của Mike là một người bán quần áo, và mẹ của ông là một thợ may. Năm 1966, gia đình ông chuyển sang định cư ở Canada.

Mike đã lớn lên trong hoàn cảnh gia đình và những người hàng xóm đều là những người lao động vất vả. Nhưng bố mẹ và thầy cô sớm nhận ra ông rất ham muốn hiểu biết, và họ đã khuyến khích niềm đam mê đó của ông. Lúc 4 tuổi ông đã xếp được hình chiếc máy nghe hát từ hình Lego, sau đó chế tạo thành công chiếc đồng hồ quả lắc lúc 8 tuổi. 12 tuổi, ông đã giành giải thưởng tại Thư viện Công Windsor vì đọc hết mọi cuốn sách khoa học trên giá sách.

Mike Lizaridis được mệnh danh là “bộ não lớn nhất trong hàng ngũ doanh nhân” của Canada. Lazaridis được báo chí Canada ca ngợi là một “hình mẫu điển hình của quốc gia, một người Canada đã thành công nhờ thông minh; và là một nhân cách tuyệt vời”. Cho đến nay, ông vẫn về nhà đọc sách cho con nghe và ăn tối với bố mẹ mỗi tuần.

Bài học kinh doanh đầu tiên

Mùa thu năm 1979, khi 18 tuổi, Mike Lazaridis đã đăng ký vào trường Đại học Waterloo với chuyên ngành khoa học máy tính. Trường Đại học Waterloo là nơi ươm mầm rất nhiều tài năng máy tính. Ngay cả nhiều nhân sự xuất sắc của tập đoàn Microsoft cũng khởi nguồn từ đây.

Nhưng Mike và những người bạn của ông nhanh chóng bị cuốn hút bởi công nghệ không dây. Ngay từ những năm đầu tiên bước chân vào cổng trường đại học, ông đã vừa đi học, vừa đi làm. Năm học đại học đầu tiên, Mike đã làm việc tại hãng sản xuất siêu máy tính mang nhãn hiệu Waterloo, công ty Control Data Corporation (CDC). Công việc của ông là nghiên cứu dò tìm những lỗi tự động và sửa chữa lỗi trong bộ nhớ máy tính.

“Vừa làm việc, vừa học tập tại trường đại học sẽ mang lại cho bạn một cái nhìn hoàn toàn khác về những gì bạn được học, và cách ứng dụng chúng như thế nào”, Mike Lazaridis nói. Trong khi làm việc tại CDC, Mike đã học được bài học quan trọng về kinh doanh, có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp sau này của ông. CDC lúc đó đang lao đao vì sự cạnh tranh của các công ty Nhật Bản. Nền văn hóa tập đoàn của CDC bị hư hỏng, và Mike nhận ra vết nứt đầu tiên là khi các kỹ sư xuất sắc, thông minh phải tuân thủ hiệu lệnh của phòng marketing, tiếp thị - nơi chỉ cần những sản phẩm đơn giản để thu hút khách hàng. Rất nhiều kỹ sư lúc đó đã nổi giận đến nỗi họ bỏ việc chạy sang công ty khác ở Silicon Valley. Công việc của ông tại CDC cũng chấm dứt, và ông nhận ra rằng các công ty công nghệ cần phải nuôi dưỡng kỹ sư. “Nụ hôn của thần chết chính là khi bạn cho phép tung ra thị trường những sản phẩm làm lùn sự sáng tạo”, Mike nói.

Hoặc là học hoặc là kiếm tiền

Từ công việc tại CDC, Mike biết rằng ông đã có kỹ năng để tạo lập một sự nghiệp riêng. Vì thế ông bắt đầu dấn thân vào kinh doanh, ngay cả khi lúc đó nền kinh tế đang lâm vào suy thoái. Ông đã bán một số hệ thống màn hình Budgie của ông cho các cửa hàng địa phương. Ban đầu ông cố gắng hoàn thành cả công việc kinh doanh lẫn trường học. “Tôi đã cố gắng”, ông nhớ lại, “đạp xe đi làm và đi học, nhưng rồi tôi không thể. Công việc kinh doanh ngày càng phát triển, và tôi nhận ra rằng tôi phải chọn một thứ”.

Người bạn thân từ thuở học lớp 6 của ông, Doug Fregin, lúc đó đang học trường Đại học Windsor, đã đồng ý tham gia kinh doanh cùng với Mike. Vụ làm ăn lớn đầu tiên của họ là khi hãng General Motors Canada nghe về màn hình hiển thị tin nhắn không dây mà Mike đang làm, đã ngỏ ý muốn thử chúng trong dây chuyền lắp ráp của GM, và sẵn sàng trả tiền thử nghiệm.

Bố mẹ của Mike ở Windsor hoàn toàn không hài lòng với quyết định của ông, và yêu cầu ông xem xét lại việc bỏ học, nhưng cuối cùng họ đã ủng hộ ý kiến của ông. Khi ông có thể vay một khoản nợ 15.000 USD của Government of Ontario New Ventures, họ đã vét nốt số tiền tiết kiếm của mình cho cậu con trai 23 tuổi. Vì thế, vào tháng 2/1985, Mike Lazaridis và Doug Fregin đã thành lập Research In Motion (RIM), Inc.

Họ đã thuê một căn phòng rộng 500 bộ vuông. Ông chủ đất đầu tiên của RIM nói rằng “hai đứa trẻ đến thuê văn phòng và làm gì tôi cũng chẳng biết nữa, chỉ biết chúng có một cái máy tính”.

Việc thứ hai là phải tìm một nhà lập trình giỏi, vì thế họ đã đăng tuyển lên báo địa phương. Họ nhanh chóng chọn được Mike Barnstijn, sau đó trở thành phó chủ tịch của RIM. Barnstijn cũng vừa hoàn thành bằng cử nhân khoa học máy tính, nhớ lại: “Chúng tôi rất hợp nhau, cùng đam mê công nghệ và có nền tảng học vấn giống nhau, có mối quan tâm về xe hơi. Tôi là nhân viên toàn thời gian đầu tiên của RIM, và chỉ chưa đầy một năm sau, tôi đã là một đối tác”. Đó là những ngày tháng hạnh phúc của họ, họ đạp xe đi làm và ở lại muộn trong văn phòng để hoàn thành các hợp đồng. Họ sớm có đội ngũ 3 trợ lý và thư ký, và phải chuyển đến một văn phòng khác rộng hơn. Những ngày đầu tiên của hãng Research In Motion, cha đẻ của những chiếc điện thoại thông minh BlackBerry nổi tiếng ngày nay đã diễn ra như thế.

BlackBerry – công trình của cả thập kỷ

Người bạn thuở ấu thơ của Mike là Doug Fregin giờ làm giám đốc điều hành của RIM, còn Mike là đồng CEO với Jim Balsillie. “Công việc của tôi là kiếm tiền, còn công việc của Mike là tiêu số tiền tôi kiếm được”, Jim Blasillie từng nói.

BlackBerry thực sự là thành công đỉnh cao của hơn 10 năm đầu tư, nghiên cứu và cố công cho ra đời một sản phẩm biết kiểm tra email từ xa của RIM. Thiết bị BlackBerry đầu tiên, chiếc 850, được giới thiệu năm 1999, là một chiếc máy nhắn tin. Thời gian BlackBerry ra đời thực sự rất hợp thời. Balsillie cho rằng nếu BlackBerry ra đời sớm hơn vài năm, nó có thể chẳng được mấy người để ý, bởi lúc đó email vẫn chưa phát triển. Những chiếc BlackBerry đầu tiên được đánh giá chạy rất nhanh, mặc dù chúng chỉ vận hành tương đương 28,8 kilobyte/giây. RIM cũng phát triển kỹ thuật giúp BlackBerry chạy đến 3 tuần hoặc hơn trên một viên pin AA.

“Bạn cần hiểu rằng, BlackBerry không dễ dàng đến với chúng tôi, không phải chỉ ngày một ngày hai là có ngay BlackBerry, mà phải đến cả thập kỷ. Không phải sau một đêm, chúng tôi thức dậy và kêu lên “Eureka”“, Mike Lazaridis nói.

Theo hãng nghiên cứu Gartner, trong quý III/2010, BlackBerry chiếm 14,8% thị phần điện thoại thông minh của thế giới, và RIM là nhà sản xuất smartphone thứ 5, sau Nokia, Samsung, LG và Apple. Dịch vụ BlackBerry Internet Servie đã có ở 91 quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, hiện nay hệ điều hành BlackBerry của RIM đang phải nỗ lực cạnh tranh với những “kẻ đến sau” như iOS iPhone của Apple và Android của Google.

Theo Mạnh Hùng (ICTnews)

Đọc thêm