Microsoft, EU chính thức khép lại cuộc chiến độc quyền

Microsoft, EU chính thức khép lại cuộc chiến độc quyền ảnh 1

Cao Ủy EU Neelie Kroes phát biểu tại một buổi họp báo ở Brussels, Bỉ.
Thỏa hiệp giữa hai bên được công bố vào ngày 17/12 đã giúp Microsoft tránh được các khoản tiền phạt bổ sung sau khi hãng này đã phải trả 1,7 tỷ euro cho EU trong một thập kỷ qua.

Gã khổng lồ phần mềm Mỹ cho biết trong tháng 3 tới, hãng sẽ chuyển các phiên bản cập nhật cho các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows tại châu Âu để khi người sử dụng đăng nhập, màn hình sẽ hiển thị không phải 1 mà là 12 trình duyệt web để họ lựa chọn tải về và cài đặt. Người mua những chiếc máy tính mới cũng sẽ nhìn thấy “màn hình lựa chọn” này ngay khi họ khởi động máy lần đầu tiên.

Năm trình duyệt hàng đầu thế giới hiện này - Internet Explorer (Microsoft), Firefox (Mozilla), Chrome (Google), Safari (Apple), và Opera sẽ được hiển thị ở những vị trí ưu tiên hơn trên màn hình. Tuy nhiên, các trình duyệt này được hoán đổi theo từng máy tính nên không có trình duyệt nào luôn xuất hiện ở vị trí đầu tiên.

Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm ở tất cả 27 quốc gia thành viên EU cộng với một số quốc gia láng giềng Nauy, Iceland và Liechtenstein. Microsoft có thể bị phạt 10% doanh thu trên toàn thế giới mỗi năm nếu như hãng này không tuân thủ cam kết của mình.

Đổi lại, Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng ý gỡ bỏ các khoản phạt áp dụng lên Microsoft vào tháng 1 và cho biết việc Microsoft mặc định phần mềm trình duyệt IE trong hệ điều hành Windows như hiện nay ở hầu hết các máy tính trên thế giới đã tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng cho hãng này.

Tuy nhiên, người sử dụng ở Mỹ và những nơi khác sẽ không được chứng kiến sự thay đổi này. Brad Smith, luật sư riêng của Microsoft cho biết một vụ kiện chống độc quyền trước đây ở Mỹ đã xác định rõ Microsoft không cần phải tách rời trình duyệt của hãng với hệ điều hành Windows.

Thỏa hiệp giữa EU và Windows kết thúc cùng ngày mà Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) quyết định đệ trình kiện Intel lạm dụng vị trí thống trị thị trường chip để có những hành động cạnh tranh không lành mạnh. FTC cho rằng Intel đã sử dụng các chiến thuật tiếp thị trái luật để giúp hãng duy trì vị trí nhà sản xuất chip lớn nhất trên thế giới, ngăn các đối thủ có thể cạnh tranh với hãng và đẩy giá chip lên cao.

Mặc dù thỏa thuận ngày 17/12 đã giúp Microsoft và EU chấm dứt cuộc chiến chống độc quyền, nhưng EU vẫn đang điều tra một cáo buộc cho rằng Microsoft không chia sẻ đủ thông tin công nghệ để hỗ trợ các công ty cạnh tranh thiết kế phần mềm có thể hoạt động được trên trình duyệt IE cũng như với Windows, Office và các chương trình khác

Theo đó, Microsoft đã chính thức khép lại cuộc chiến dai dẳng và hao tiền tốn của nhất trong lịch sử chống vi phạm độc quyền.

Vào cuối những năm 1990, khi các tòa án Mỹ xem xét liệu Microsoft có lạm dụng những sản phẩm độc quyền của mình để đè bẹp đối thủ trình duyệt Netscape hay không thì đã có những đơn kiện đã được đệ trình lên EU cáo buộc Microsoft giữ lại các thông tin quan trọng của đối thủ trong những máy tính chủ và các phần mềm chơi nhạc

Tại Mỹ, vụ kiện chống độc quyền này cuối cùng đã được chấm dứt vào năm 2002 và kết quả là Microsoft không phải tách trình duyệt web của hãng ra khỏi Windows. Tuy nhiên, năm 2004, EU lại đưa ra một quyết định khác, báo trước cho sự ra đời của thỏa hiệp này 17/12 này khi yêu cầu Microsoft bán một phiên bản của Windows mà không có phần mềm chơi nhạc.

Trong khi Microsoft đang phải “bấm bụng” đáp ứng các điều khoản ở Mỹ như việc cung cấp tài liệu để giúp các đối thủ sản xuất phần mềm mà Sở Tư pháp Hoa Kỳ sẽ giám sát vào tháng 5/2011 thì hãng này cũng phải gánh khoản tiền phạt lên đến hàng trăm triệu euro tại châu Âu vì tội gây khó dễ cho các đối thủ cạnh tranh này. Microsoft đã chịu những khoản tiền phạt quá lớn do “ém” thông tin trước các đối thủ.

Cuộc điều tra liên quan đến trình duyệt web của EC bắt đầu từ lá đơn khiếu nại của Opera - hãng kinh doanh trình duyệt Na Uy hồi cuối năm 2007. Ban đầu, Microsoft đề nghị được bán hệ điều hành Windows 7, phiên bản dành riêng cho thị trường châu Âu sẽ không cài đặt sẵn trình duyệt IE. Tuy nhiên, các luật sư chống độc quyền của EU lại tỏ ra cảnh giác và lên án sự điều chỉnh đó cản trở sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Thỏa thuận ngày 17/12, theo nhận xét của Neelie Kroes - cao ủy EU về vấn đề cạnh tranh, là đã giải quyết một vấn đề cạnh tranh nghiêm trọng.

“Nó giống như việc bạn đi vào một siêu thị và họ chỉ cung cấp cho bạn một thương hiệu nổi bật trên kệ hàng, các thương hiệu khác bị che lấp phía sau và không ai biết về chúng”, bà Neelie Kroes nói “Còn giờ đây, tất cả các thương hiệu, nhãn hàng đều phải được xuất hiện trên kệ”.

Hầu hết các hãng sản xuất trình duyệt web khác cũng tỏ ra lạc quan về thỏa thuận cuối cùng này, trong đó có cả Opera. Các hãng tán dương thỏa thuận này như một sự chiến thắng cho tương lai của Internet.

Theo tính toán, hiện trình duyệt Internet Explorer chiếm 2/3 thị phần thị trường trình duyệt web toàn cầu, theo sau là Firefox với khoảng 25%. Safari (Apple) và Chrome (Google) chiếm thị phần nhỏ hơn, cũng như Opera. Các đối thủ hy vọng sự chia sẻ của Microsoft sẽ khiến việc tải và cài đặt các trình duyệt của họ được dễ dàng hơn.

 Theo Võ Hiền (Dân trí / AP)

Đọc thêm