Máy tính thương hiệu Việt vẫn chật vật tìm lối đi

Máy tính thương hiệu Việt vẫn chật vật tìm lối đi ảnh 1

Máy tính “nội” luôn bị thương hiệu ngoại cạnh tranh khốc liệt.

Chỉ đạt khoảng 1/10 tiềm năng

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phước Hải – Giám đốc công ty máy tính CMS, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đưa ra tại tọa đàm về lĩnh vực công nghiệp CNTT do Bộ TT&TT tổ chức mới đây, thì có thể nói thị trường máy tính (gồm cả máy tính để bàn và xách tay) của Việt Nam hiện còn đang ở giai đoạn sơ khai.

Như Mỹ, năm 2007 có khoảng 300 triệu dân nhưng họ tiêu thụ hàng năm khoảng 60 triệu máy tính. Còn tại Việt Nam, dân số trên 80 triệu thì trong vài năm trước đây chỉ tiêu thụ khoảng 1 triệu máy/năm, đến nay con số này có khá hơn nhưng cũng chỉ vào khoảng trên 2 triệu máy. Như vậy tức là tỷ lệ máy tính trên đầu người của Việt Nam nói chung còn thua xa nhiều nước trên thế giới và ngay trong khu vực Đông Nam Á. Thậm chí còn thấp hơn từ 10 – 50 lần so với các nước phát triển.

“Quy mô thị trường Việt Nam phải gấp khoảng 5 – 10 lần so với thời điểm hiện nay thì mới xứng với tiềm năng”, ông Hải nhấn mạnh. Theo đánh giá của ông Hải thì khoảng 5-10 năm nữa thị trường Việt Nam sẽ đạt khoảng 5-7 triệu máy tính mỗi năm, thậm chí là hàng chục triệu máy mỗi năm, đạt mật độ khoảng 1 máy tính/10 người dân, và chỉ có như vậy thì mới “vớt vát” được chuyện duy trì sự phát triển cũng như “đi được đường dài” trong một lĩnh vực luôn diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Mặc dù trong vài năm trở lại đây, mức độ tin học hóa và mật độ máy tính trên đầu người của Việt Nam đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên thị trường vẫn còn rất hạn chế. “Máy tính nội phải sống được ở trước hết thị trường trong nước. Không có thị trường thì ngành công nghiệp sản xuất máy tính trong nước không thể phát triển được, và hàng chục doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp máy tính tại Việt Nam như FPT Elead, CMS, Mekong Xanh, VTB… khó có thể lạc quan được trước những thực tế yếu kém”, một chuyên gia đến từ công ty điện tử Hanel nhận định.

Máy tính thương hiệu Việt vẫn chật vật tìm lối đi ảnh 2

Khơi thông bế tắc cách nào?

Trong vấn đề thị trường máy tính, riêng đối với lĩnh vực sản xuất máy tính để bàn (desktop), theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay các doanh nghiệp nước ngoài “có vẻ không có nhiều quyết tâm”, do vậy các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm thế chủ động trong lĩnh vực này bằng giá cả, chất lượng cạnh tranh. Còn riêng trên sân chơi thị trường laptop, có thể nói con đường phát triển của thị trường laptop mang thương hiệu Việt Nam đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhiều chông gai trước hàng loạt “sức ép” của các thương hiệu lớn đến từ nước ngoài. Đáng lo ngại hơn, theo nhiều chuyên gia thì nếu như trước đây các sản phẩm máy tính mang thương hiệu của nước ngoài tuy có những ưu điểm về chất lượng nhưng luôn đi đôi với chuyện giá thành cao, là rào cản không nhỏ đối với túi tiền người Việt thì nay không ít thương hiệu đó đã có thay đổi khi cho giảm giá mạnh tay sản phẩm laptop.

Nhớ lại thời điểm vài năm trước đây, đã có không ít doanh nghiệp hùng hồn tuyên bố sẽ đẩy mạnh tham gia thị trường laptop thì đến nay, người ta nhận thấy doanh nghiệp có khả năng phát triển laptop của Việt Nam còn quá hạn chế. Vậy con đường nào để laptop Việt Nam tìm được cơ hội phát triển?

Sẽ rất khó cạnh tranh nếu sản phẩm “nội” không đưa ra được những lợi thế đặc thù cũng như thể hiện sự cạnh tranh về giá. Ông Nguyễn Phước Hải đã nhấn mạnh đến yếu tố “am hiểu địa phương” và khẳng định đây là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. “Thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thành công với chiến lược này tại Việt Nam, trong khi đó, ngay bản thân doanh nghiệp trong ngành sản xuất máy tính của Việt Nam lại chưa hẳn đã khai thác được lợi thế này”, ông Hải nhấn mạnh. Ông Hải ví dụ, máy tính Việt có thể chịu được nguồn điện luôn bị đánh giá là thiếu ổn định tại Việt Nam (luôn “trồi lên sụt xuống” bất thường, dễ gây cháy chập), thiết bị phải phù hợp với khí hậu nóng ẩm để đảm bảo chất lượng lâu dài… Trong khi đó tại Việt Nam, các doanh nghiệp máy tính lại chưa chủ động được vấn đề này.

Cũng tại buổi tọa đàm, nhận định của nhiều chuyên gia cũng cho rằng nguyên nhân khiến ngành công nghiệp máy tính Việt Nam “ì ạch” còn do chúng ta khó khăn, bế tắc ngay trong năng lực thiết kế để tạo ra mẫu mã, hình thức thu hút người dùng “nội” ngày càng “khó tính”. Chính vì vậy, giữa lúc các doanh nghiệp chưa chủ động được nhân lực cho vấn đề này thì cần đầu tư xứng đáng, thuê chuyên gia nước ngoài để tập trung cải thiện thực trạng trước sức ép đến từ các thương hiệu “ngoại” có kinh nghiệm lâu năm hơn trên thị trường.

Theo Phan Minh (ICTnews)

Đọc thêm