Máy quay bỏ túi khó "sống" ở thị trường Việt

Máy quay bỏ túi khó "sống" ở thị trường Việt ảnh 1

Chưa thực sự nổi bật

Máy quay bỏ túi chính hãng bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào năm 2009. Hãng đầu tiên giới thiệu là Creative với chiếc máy quay Vado HD. Đến năm 2010, Sony cũng chính thức giới thiệu máy quay bỏ túi Bloggie ra thị trường với mong muốn tạo nên một làn gió mới trong thời điểm mạng xã hội đang phát triển ở Việt Nam. Thế nhưng, cả 2 sản phẩm này sau khi được giới thiệu đều “mất dạng” và không còn được nhắc đến nhiều.

Ngay thời điểm đầu năm 2011, FPT và Cisco Systems cũng ra mắt máy quay bỏ túi nhãn hiệu Flip Video với hi vọng sẽ tạo được thành công như dòng sản phẩm này đã làm được ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, để làm được điều đó ở thị trường Việt Nam là điều rất khó.

Thực tế, ngoại trừ nhỏ gọn và có thể quay phim độ nét cao thì những chiếc máy quay bỏ túi này không còn gì nổi bật. Do phải gọn nhẹ nên ống kính máy quay được thiết kế đơn giản và nhỏ. Bên cạnh đó cảm biến có kích cỡ quá bé (thường là 1/4.5 inch) và khả năng thu sáng của dòng máy này là rất kém. Trong điều kiện ánh sáng yếu máy rất khó để thực hiện các cảnh quay của mình.

Một điều đáng nói nữa là bộ xử lý ảnh của các máy quay bỏ túi cũng rất hạn chế, điểm ảnh cũng ít hơn rất nhiều so với các máy quay thông thường. Chẳng hạn, các máy quay HD bỏ túi giới thiệu tại Việt Nam mới có độ phân giải khoảng 1.280 x 720 điểm ảnh. Trong khi đó các máy quay full HD cho độ phân giải 1.920 x 1.080 điểm ảnh, hình ảnh thu được sẽ chi tiết hơn. Ngoài ra, việc không hỗ trợ ở các chế độ quay khác nhau cũng là điểm yếu của các dòng máy này. Ở điều kiện ánh sáng tốt máy mới thể hiện được hết khả năng của mình, còn trong các điều kiện khác thì chất lượng video quay được là rất kém.

Máy quay bỏ túi khó "sống" ở thị trường Việt ảnh 2

Smartphone là một đối thủ cạnh tranh rất khó chịu với máy quay bỏ túi.

Khó cạnh tranh với các sản phẩm khác

Giá thành một chiếc máy quay bỏ túi trên thị trường hiện nay, thấp nhất cũng rơi vào khoảng 5 triệu đồng và cao nhất là 7 triệu đồng. Với số tiền đó, người dùng có thể mua được một chiếc máy quay Sony Handycam DCR SX20EK (5 triệu) hay Canon LEGRIA FS305 (7 triệu). Đây là những chiếc máy quay cầm tay nhỏ gọn, có khả năng quay được những hình ảnh đầy chất lượng và trong nhiều điều kiện, chế độ khác nhau.

Cũng với giá trên, người dùng cũng có thể sắm cho mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số của Sony, Canon, Panasonic, Olympus… với ống kính có độ phân giải cao gấp nhiều lần so với những chiếc máy quay bỏ túi. Những chiếc máy ảnh này cũng có thể quay được HD độ phân giải cao và đặc biệt người dùng còn có thể chụp những tấm ảnh chất lượng rất tốt. Mua những chiếc máy ảnh kỹ thuật số người dùng lợi cả đôi đường, một điều mà máy quay bỏ túi không thể làm được.

Ngoài sự cạnh tranh của máy quay phim cầm tay và máy ảnh kỹ thuật số, máy quay bỏ túi còn phải chịu cạnh tranh mạnh từ những chiếc điện thoại thông minh. Thực tế, người dùng bây giờ chỉ cần sắm một chiếc điện thoại thông minh của Sony Ericsson, Nokia, Motorola, hay cao cấp hơn là iPhone… là hoàn toàn có khả năng dùng như những chiếc máy quay bỏ túi cho riêng mình. Số tiền bỏ ra để mua một chiếc điện thoại này, thực tế cũng không cao hơn với máy quay bao nhiêu, nhưng lợi thế là người dùng có thể dùng một lúc nhiều chức năng, vừa nghe, gọi và quay phim, chụp ảnh.

Với những hạn chế và chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm số khác, có thể nói để thành công được ở thị trường Việt Nam với những sản phẩm máy quay bỏ túi là một bài toán khó cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này.

Theo Lê Mỹ (ICTnews)

Đọc thêm