Mánh "thổi giá" của giới buôn iPhone 4 xách tay

Cách đây 2 ngày, khi VinaPhone, Viettel thông báo lô hàng tiếp theo về chậm do thủ tục nhập khẩu gặp khó, lập tức các trang bán hàng qua mạng treo biển thông báo "hết iPhone 4".

Thế nhưng, bảng giá trên mạng vẫn được điều chỉnh như hàng vẫn được cung cấp bình thường. iPhone 4 phiên bản quốc tế loại 16GB tăng từ mức 18,5 triệu đồng lên 19 triệu đồng; phiên bản 32GB là 21,5 triệu đồng, thay cho mức 21,2 triệu đồng trước đó.

Mánh "thổi giá" của giới buôn iPhone 4 xách tay ảnh 1

So với iPhone 3GS, "trái táo 4" của nhà mạng thường xuyên khan hàng. Ảnh: engadget.

Sáng nay, khi thông tin VinaPhone bắt đầu tung lô hàng 700 chiếc iPhone 4 tiếp theo, Viettel thông báo bán "trái táo 4" vào đầu tuần sau, thị trường iPhone 4 xách tay lại thêm một đợt xáo trộn. Giá iPhone 4 đồng loạt được điều chỉnh, giảm 300.000-400.000 đồng mỗi chiếc. Trong đó, trên mạng rao bán iPhone 4 loại 16GB là 18,6 triệu đồng, trong khi giá niêm yết trong ngày hôm qua là 19 triệu đồng. Còn phiên bản 32GB giảm từ 21,5 triệu đồng xuống còn 21,2 triệu đồng.

Ông Đỗ Tuấn Anh - Trung tâm TA_Mobile - nơi từng unlock hàng nghìn chiếc iPhone từ năm 2007 cho rằng, thị trường iPhone 4 đang bị thao túng với giá cả và nguồn hàng từ các điểm bán không thuộc nhà mạng. Thế nhưng, giá iPhone 4 xách tay đang được điều chỉnh căn cứ vào nguồn hàng của nhà mạng. Khi VinaPhone và Viettel khan hiếm hàng họ lập tức tung iPhone 4 ra bán với giá cao. Ngược lại, khi nhà mạng thông báo có lô hàng mới, lập tức giá cả được điều chỉnh giảm hơn chút ít.

"Nguồn hàng không ổn định là nguyên nhân khiến một số điểm bán găm iPhone 4 chờ đẩy giá lên cao rồi mới bán. Nhiều web bán hàng treo biển hết nhưng khách tới trực tiếp vẫn có thể mua, chỉ có điều giá thường cao hơn bình thường", ông Tuấn Anh nói. Ông cho biết việc treo biển hết hàng chỉ là "chiêu" tạo sự khan hiếm giả trên thị trường để đẩy giá lên.

Ông này cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến giới kinh doanh hàng xách tay có cơ hội "thổi giá" iPhone 4. Đó là việc Apple sản xuất không đủ hàng để bán. Nguồn hàng không ổn định, khách hàng của VinaPhone và Viettel phải xếp hàng chờ cũng chưa tới lượt mua. Bên cạnh đó, cùng với biến động tỷ giá như tiền Singapore, đồng nhân dân tệ và đôla Mỹ cũng tác động ít nhiều đến giá iPhone 4 của Việt Nam.

Ông Đỗ Tuấn Anh nhận định, từ giờ tới Tết âm lịch, giá iPhone 4 sẽ vẫn ở xu hướng tiếp tục tăng do mùa mua sắm đang tới. Nếu Apple vẫn chưa đảm bảo được nguồn cung, các điểm thu gom iPhone 4 càng có cơ hội để găm hàng đẩy giá lên cao.

Chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên phố Xã Đàn, Hà Nội cũng cho rằng, giá iPhone 4 bị đẩy lên cao và biến động không ngừng lỗi một phần thuộc về nhà mạng. Hai hãng viễn thông VinaPhone và Viettel phân phối iPhone 4 thiên về làm thương hiệu hơn là kinh doanh đơn thuần. Hồi tháng 6, Viettel và VinaPhone đưa về thị trường hơn 10.000 chiếc iPhone 3GS. Tại thời điểm đó, người tiêu dùng bị vỡ mộng bởi các gói cước 4 triệu đồng và 0 đồng nên sức mua giảm sút. Tuy nhiên, những "trái táo 3GS" này được bán dần vào các tháng tiếp theo.

Còn hiện tại, iPhone 4 được nhập nhỏ giọt với mỗi đợt vài trăm chiếc. "Số lượng quá ít iPhone 4 như vậy không thể gọi là thị trường được. Do vậy, các động thái của nhà mạng chỉ càng làm cho thị trường iPhone 4 thêm rối, giá tăng giảm cứ loạn như cào cào", ông này cho biết thêm.

Theo Hồng Anh (VNE)

Đọc thêm