Mạng xã hội Việt tự tin trước Google+

Mạng xã hội Việt tự tin trước Google+ ảnh 1

Người dùng “phát sốt” với Google+

Trong vài ngày gần đây, cộng đồng người dùng Internet Việt Nam rất hào hứng và sốt sắng tìm cách tham gia vào mạng xã hội mới của Google… Để thử nghiệm mạng xã hội Google Plus, người dùng bắt buộc phải có thư mời và sau khi đăng ký thành công, bạn có thể mời thêm bạn bè cùng tham gia. Sức hút từ “thương hiệu” Google cộng thêm việc giới hạn người đăng ký do đang trong giai đoạn thử nghiệm đã tạo ra một cơn sốt thực sự trong cộng đồng người sử dụng Internet.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc VTC Online, phụ trách mạng xã hội Go.vn cho biết, sở dĩ Google+ tạo được sự thích thú với người dùng ngay từ khi ra mắt nhờ khả năng công nghệ vượt trội và thiết kế ấn tượng. “Google đã thừa kế tối đa thói quen sử dụng mạng xã hội mà Facebook áp đặt một cách tự nhiên cho người dùng, đồng thời khéo léo kết hợp các tính năng lại dưới tên gọi mới”, ông Tuấn cho biết thêm.

Theo ông Đinh Lê Đạt, Phó Giám đốc khối nội dung trực tuyến FPT Online, đơn vị quản lý mạng xã hội Banbe.net, các tính năng của Google+ không hề mới. Điều quan trọng khiến Google+ thu hút người dùng do những trải nghiệm này được tiếp cận và đơn giản hoá bên trong các dịch vụ Google qua Google+, qua đó ngoài việc dùng Gmail để email hàng ngày, người dùng sẽ không phải qua Facebook, Skype để chia sẻ Status&Photo, Video chat nữa khi các tính năng đó đã được tích hợp ngay trong Google+.

Đồng quan điểm với ông Đạt, ông Vương Quang Khải, Phó Giám đốc VNG cho rằng, với Google+, Google đang tạo ra một giá trị khác biệt so với những mạng xã hội đang có trên thế giới thông qua các tính năng như Circles cho phép kết nối các mối quan hệ một cách đơn giản, khách quan và tổng hợp được sức mạnh từ các sản phẩm có sẵn (Picasa, Gmail...).

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, sau nhiều dự án thất bại, dù Google+ là một sản phẩm tốt nhưng có thể Google đã quá chậm chân trong “sân chơi” mạng xã hội. Về vấn đề này, đại diện của FPT Online, VNG và VTC Online đều cho rằng, với xu hướng “mạng xã hội hoá” - đưa mọi thứ lên mạng để tiến tới một xã hội kết nối của thế giới, việc Google+ tham gia thị trường mạng xã hội không sớm nhưng cũng không quá muộn. “Thị trường hiện đang rất mở cho tất cả các bên và nếu Google đi đúng hướng thì sẽ dành được chiến thắng quan trọng”, ông Khải nhấn mạnh.

Tập trung phát triển thế mạnh bản địa

Khi được hỏi về việc cạnh tranh của các mạng xã hội nội với một đối thủ mới “đáng gờm” như Google Plus, ông Tuấn khẳng định, đó là một thách thức thực sự. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tự tin với các định hướng của mình từ các lợi thế mà Go.vn đang có. Đặc biệt, các nội dung về giáo dục, các dịch vụ thanh toán trực tuyến và chiến lược ba màn hình của mạng Việt Nam go.vn”, ông Tuấn nói.

Còn theo ông Khải, bên cạnh những khó khăn, thử thách, Google+ tạo khá nhiều cơ hội cho các mạng xã hội nội, bởi có nhiều khả năng Google sẽ đi tiên phong tạo môi trường mở cho các mạng xã hội tích hợp vào trong đó.

Về phía Banbe.net, ông Đạt cho biết, sự ra đời của Google+ là tín hiệu rất tốt đối với Banbe.net và FPT Online. Bởi vì, ở mặt nào đó Google+ đang giúp FPT Online tự tin hơn về hướng đi chiến lược nền tảng (platform) của Banbe.net với xu hướng xây dựng mạng xã hội như một nền tảng mở giúp cho các cộng đồng người dùng tại các sản phẩm dịch vụ số kết nối của FPT Online như VnExpress.net, ngoisao.net, sohoa.net, ione.net, gate.vn, nhacso.net, mobilevitalk.vn, F-Mobile, F-Store… có thể chia sẻ và tương tác với nhau qua công cụ mạng xã hội.

Đối với hướng phát triển trong thời gian tới của các mạng xã hội nội địa, theo ông Đạt, trong thời cuộc hiện nay, các mạng xã hội nội địa đều rất khó cạnh tranh với mạng xã hội quốc tế. Do đó ngoài việc phải tập trung phát triển mạnh nội dung mang tính chất bản địa, nội dung theo định hướng địa điểm (social-location based), Banbe.net nói riêng và các mạng xã hội nội địa khác nói chung cần chú trọng hơn nữa đến quyền lợi bên ngoài mạng ảo cho người dùng...

Ông Tuấn cũng cho rằng, để có thể cạnh tranh với mạng xã hội quốc tế như Facebook hay Google+, các mạng xã hội nội sẽ phải tập trung hơn về những lợi thế sân nhà, đưa ra nhiều dịch vụ, nội dung có thuộc tính bản địa, gần gũi với thói quen, văn hoá Việt.

Mặt khác mạng xã hội tuy hấp dẫn nhưng rất rủi ro và cần đầu tư lâu dài. Trong thời gian tới, có thể các mạng xã hội sẽ có xu hướng liên kết lại, cùng với các đơn vị cung cấp nội dung, dịch vụ tạo nên một hệ sinh thái. Các doanh nghiệp sẽ cung cấp cho hệ sinh thái này những dịch vụ, nội dung mạnh nhất của mình. “Điều này sẽ tăng hiệu quả, tăng sức mạnh cho các mạng xã hội nội để cạnh tranh và giảm thiểu lãng phí cho xã hội”, ông Tuấn nói.

Theo Thế Phương (ICTnews)

Đọc thêm