Mạng nhỏ được “bơm” tiền - "Đại gia” không xúc động

Mạng nhỏ được “bơm” tiền - "Đại gia” không xúc động ảnh 1

VimpelCom tuyên bố “bơm” 500 triệu USD cho Beeline. (Ảnh minh họa)

Tín hiệu mừng cho mạng nhỏ

Mới đây, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) của ông Đặng Thành Tâm, người giầu thứ ba trên sàn chứng khoán Việt Nam đã tuyên bố chính thức mua lại 35.983.665 cổ phiếu của SPT, trong đó có mạng S-Fone.

Theo công bố này, SaigonTel sẽ là cổ đông lớn nhất ở SPT giữ 30% vốn điều lệ của SPT và tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban điều hành của SPT. Số tiền trong thương vụ mua bán giữa SPT và SaigonTel này chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, với số cổ phiếu này, SaigonTel sẽ được quyền trực tiếp tham gia điều hành các dự án trọng điểm hiện nay của SPT trong đó có mạng S-Fone.

Theo con số công bố của Bộ TT&TT đến hết tháng 12/2010, S-Fone có 1.860.793 thuê bao phát sinh cước, đứng thứ 5 trong 7 mạng di động. Bà Trần Ngọc Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị của SPT cho biết, hiện hai bên đang trong quá trình đàm phán nên chi tiết về thương vụ mua bán giữa SPT và SaigonTel chưa được tiết lộ.

Tiếp theo S-Fone, Beeline cũng nhận được tín hiệu vui khi VimpelCom tuyên bố “bơm” 500 triệu USD cho mạng này trong giai đoạn từ nay đến năm 2013. Ngày 4/5/2011, Tổng Công ty viễn thông di động Toàn cầu GTEL và Tập đoàn VimpelCom chính thức thông báo đã hoàn tất giao dịch đầu tư vốn cho Beeline.

Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTEL-Mobile từ 40% lên 49%. Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu liên doanh GTEL-Mobile đạt được các mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được các chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền.

Khi đó, lợi ích kinh tế của Tập đoàn VimpelCom sẽ tăng lên 65%. Toàn bộ các khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho sự phát triển của liên doanh GTEL-Mobile. Trong khi hai mạng di động nhỏ nhận được tín hiệu vui trong tháng 4 thì EVN Telecom lại bị đẩy vào cảnh chéo ngoe khi FPT tuyên bố rút lui khỏi thương vụ mua cổ phần của mạng này. Động thái này của FPT được bình luận giống như chuyện có người dạm ngõ cô gái lỡ thì nhưng đến ngày cưới thì chú rể lại chê cô dâu vừa già vừa xấu nên không cưới nữa. Như vậy, EVN Telecom buộc phải “gạt lệ” đi tìm cuộc “hôn phối” mới có tiền để “bơm” cho mạng di động này trụ hạng. 

Mạng lớn không “xúc động”

Những tin vui dồn dập của các mạng di động nhỏ gần như không làm các “đại gia” di động mảy may “xúc động”. Thậm chí có nhà mạng đặt ra câu hỏi, tại sao các nhà đầu tư đổ tiền đổ của cho các mạng di động vào thời điểm này.

Bình luận về việc SaigonTel mua cổ phần của SPT và tham gia điều hành, một “đại gia” cho rằng đó là chuyện “ném đá ao bèo”. “Đại gia” này đưa ra phân tích, di động là cuộc chơi của hàng tỷ USD và còn đòi hỏi có kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường này. Nếu không phải là các “đại gia” to “vật vã” như Tập đoàn Dầu khí, Hàng không… thì khó có đủ lực để chơi cuộc chơi trên thị trường di động. Cho dù có giầu nhất từ đất đai hay chứng khoán thì cũng khó có thể theo đuổi cuộc chơi hàng tỷ USD, trong điều kiện thị trường cạnh tranh quyết liệt.

Nói như ông Nguyễn Thành Nam, thời còn làm Tổng giám đốc FPT rằng tham gia vào thị trường di động giống như canh bạc với tỷ lệ 50 – 50. Cho dù FPT rất mong muốn nhảy vào lĩnh vực di động, nhưng tập đoàn này cũng đầy toan tính thiệt hơn chứ không phải vào thị trường bằng mọi giá.

Một lãnh đạo của MobiFone đưa ra bình luận, hãy nhìn vào con số đầu tư vào mạng 3G của Viettel tới cả tỷ USD thì sẽ thấy rõ việc “bơm” vốn của Beeline và S-Fone nằm ở vị trí nào. Rõ ràng với tiền mà đối tác “đổ” vào hai mạng di động này sẽ không tác động lớn đối với các mạng di động lớn hiện nay.

Thế nhưng, việc đầu tư cũng sẽ tạo ra cuộc đua mới trên thị trường di động. Vị lãnh đạo này còn lý giải việc các nhà đầu tư vẫn “bơm” tiền cho các mạng nhỏ bởi họ vẫn thấy thị trường này còn tiềm năng. “Thực tế những con số được công bố tới cả trăm triệu thuê bao là số SIM được kích hoạt chứ không phải là người sử dụng. Như vậy, thị trường vẫn còn cả hàng chục triệu người chưa sử dụng điện thoại di động - đó vẫn là cơ hội. Thế nhưng, cơ hội này có lọt vào tay các mạng nhỏ hay không lại là chuyện khác”, vị lãnh đạo MobiFone nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone cho rằng những chuyện mua bán, sáp nhập hay tăng vốn đầu tư của các mạng nhỏ chưa thể làm cho thị trường này biến động gì bởi nó chưa đủ sức nặng để làm như vậy.

Phía Viettel cũng đưa ra quan điểm tương tự, những động thái trên chưa thể gây ảnh hưởng đến cả 3 mạng di động lớn. Một lãnh đạo Viettel Telecom nói: “Hiện thị trường đang trong thế “núi sông bờ cõi đã chia” về thứ hạng thị phần. Trong đó 3 mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đang ở thế áp đảo thị trường này. Vì vậy cơ hội cho các mạng di động nhỏ rất mong manh cho dù họ được “bơm” vốn đầu tư”.

Cho dù việc “bơm” tiền vào các mạng nhỏ có dẫn tới thành công hay không vẫn là ẩn số. Song có điều chắc chắn rằng nếu vẫn được “bơm” tiền đều thì thị trường di động Việt Nam sẽ chưa có mạng tuyên bố phá sản.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm