Lừa đảo trên ĐTDĐ

Lừa đảo trên ĐTDĐ ảnh 1
Lừa đảo bằng ứng dụng

Lừa đảo trên điện thoại chỉ thực sự “thăng hoa” khi bắt đầu có sự xuất hiện của các công ty dịch vụ nội dung. Theo đó, bất kỳ ai cũng có thể đăng ký thuê một số máy tổng đài (dạng 8xxx, 6xxx, 7xxx...), sau đó thực hiện các hành vi nhằm dụ người khác nhắn tin vào số máy này, mỗi tin nhắn đến sẽ được trích lợi nhuận cho người thuê đầu số làm dịch vụ nội dung.

Trước những lợi nhuận dễ dàng kiếm được, kẻ lừa đảo đã không ngừng tấn công vào “chiếc bánh” này với nhiều “tuyệt kỹ” mà người bị “dính đòn” cũng không biết mình đang bị lừa đảo. M., sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Bách khoa TPHCM đến giờ vẫn còn ấm ức chuyện mình bị mất tiền một cách oan ức. Nghe theo chỉ dẫn của bạn bè, M. tải một game giải trí về điện thoại, nhưng chưa dùng đến. Vài hôm sau, khi nghe tin nhà mạng khuyến mãi nạp thẻ, M. lấy tiền dành dụm được để mua một thẻ 500.000 đồng nạp vào máy để có được 1 triệu đồng trong tài khoản (khuyến mãi 100%). Tuy thế, chỉ sau một đêm, điện thoại của M. không còn một đồng nào. Liên lạc với tổng đài, M. nhận được thông báo rằng tài khoản hết tiền vì M. đã liên tục gửi hơn 60 tin nhắn tới một đầu số thuê bao 8xxx (mỗi tin nhắn có phí là 15.000 đồng/tin, tức khoảng 60 tin nhắn sẽ hết 900.000 đồng) do đó sẽ không được giải quyết lấy lại tiền trong tài khoản. Ngoài M. còn có rất nhiều người cũng bị mất trắng tiền trong tài khoản như thế sau một đêm. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy, chính loại game mà M. tải về là thủ phạm, nó âm thầm kích hoạt lệnh nhắn tin vào ban đêm để cướp hết tiền của nạn nhân.

Theo K., người điều hành một diễn đàn ĐTDĐ khá nổi hiện nay: Phần mềm lừa đảo tin nhắn trên điện thoại hiện nay nhiều như... nấm mọc sau mưa. Bất kỳ ai cũng có một vài phần mềm dạng này trong máy mà không biết, thậm chí một số ứng dụng được người dùng tin tưởng là “sạch” như các trình diệt virus cũng có khả năng “chôm” tiền thông qua việc “bắn” tin nhắn từ điện thoại đến các số máy tổng đài kia.

Chính tác giả của bài viết này cũng đã bị mất khá nhiều tiền vì một phần mềm diệt virus có tên NetQin xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi cài đặt, đến kỳ hạn, nó tự động hiện một pop-up yêu cầu cập nhật cơ sở dữ liệu, nếu nhấn OK để đồng ý thì ngay lập nó sẽ gửi tin nhắn đi để lấy tiền từ tài khoản của bạn.

Cũng theo K., trong số các phần mềm lừa đảo hiện nay, nhiều nhất là các game, các tổ chức lừa đảo chỉ việc lấy mã nguồn, chỉnh lại tên và thay đổi một vài yếu tố màu sắc là có một game mới, ai lỡ cài game này vào điện thoại thì coi như “xong”.

Lừa qua dịch vụ “bắn tiền”

Hiện tại ở Việt Nam, các mạng di động đều có dịch vụ giúp “bắn tiền” từ số điện thoại này qua số điện thoại khác (cùng mạng). Hơn thế nữa, một số công ty dịch vụ giá trị gia tăng khác cũng có dịch vụ giúp nạp tiền tự động bằng tài khoản ngân hàng đã đăng ký với số điện thoại ấy cho tổng đài. Như vậy, để chuyển tiền cho người khác hoặc nạp tiền cho chính mình, người sử dụng điện thoại chỉ cần một... tin nhắn. Sai lầm chết người bắt đầu từ đây.

Sáng đầu tuần, thay vì đi thẳng đến chỗ làm như thường lệ, chị H vội đến trung tâm chăm sóc khách hàng của hãng ĐTDĐ mà mình đang dùng để khiếu nại về việc tiền trong tài khoản máy đã bị mất hết sau khi reply một tin nhắn lạ đến số máy của “tổng đài”. Sau khi nhân viên tư vấn kiểm tra, chị ngạc nhiên khi nhận được thông báo rằng mình đã chuyển hết tiền từ trong tài khoản sang cho các số máy khác cùng mạng.

Trường hợp như của chị H. xem ra vẫn còn tương đối nhẹ. Ở một mức độ lừa đảo tinh vi hơn, đã có nhiều người mất trắng tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng chỉ vì một tin nhắn gửi đi lúc hớ hênh. Anh L., chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đến giờ vẫn ấm ức chuyện mình bị mất 2,5 triệu tiền trong thẻ ATM vì kiểu tin nhắn lừa đảo như vậy. Sau khi đăng ký dịch vụ nạp tiền qua tin nhắn bằng tiền trong tài khoản ngân hàng, anh lập một tài khoản ATM và đưa vào đó 5 triệu đồng để nạp thẻ và dùng cho nhiều việc khác. Một hôm, anh nhận được tin nhắn lạ yêu cầu gửi đi mã số đặc biệt để được trúng thưởng xe hơi. Sau khi gửi tin nhắn đi, khoảng 30 phút sau, tổng đài của ngân hàng nơi anh lập thẻ ATM gửi tin nhắn dồn dập thông báo anh liên tục rút từng 500.000 đồng trong tài khoản của mình. Sinh nghi, anh lập tức gọi cho đường dây nóng của ngân hàng đề nghị chặn không cho chuyển tiền nhưng kẻ gian cũng đã kịp lấy hết của anh 2,5 triệu đồng.

Lừa đảo trên ĐTDĐ ảnh 2

Các tin nhắn lừa đảo xuất phát âm thầm trong máy khổ chủ
Cách phòng chống

Dạo một vòng trên các diễn đàn công nghệ có tiếng tại Việt Nam, nhiều thành viên đã trao đổi về cách chống lại các ứng dụng lừa đảo nhưng dường như không có cách nào hiệu quả. Thành viên Garung của diễn đàn Mobileworld.vn cho rằng, tốt nhất khi tải và cài đặt xong một game, một phần mềm nào mà dùng thử thấy nó... dở hơi thì bạn nên loại bỏ nó ra khỏi điện thoại ngay lập tức để tránh các bất trắc có thể xảy ra.

Các hãng điện thoại gần đây đã cung cấp một số nguyên tắc của việc nạp tiền cho các số máy, bằng cách giới hạn với một số lần (nạp) nhất định nên ít nhiều có thể giảm được thiệt hại cho người dùng. Nhưng với giá trị mỗi lần chuyển tiền, nạp tiền có giá trị lên tới 500.000 đồng thì hậu quả để lại vẫn rất lớn.

Mới đây, Viettel tuyên bố chặn tất cả tin nhắn đến một số công ty chuyên doanh những dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động để bảo vệ cho khách hàng của mình. Đó là một động thái đáng hoan nghênh cần được triển khai rộng hơn. Tuy thế, trong mọi tình huống, người dùng vẫn cần phải luôn luôn cảnh giác với các tin nhắn nhận được.

Một lời khuyên để tránh mất tiền là “bỏ qua mọi tin nhắn của người lạ và tránh nhắn tin theo các cú pháp đã được kẻ lừa đảo viết trước”.

Xem kỹ điều khoản trước khi sử dụng

Một luật sư cho rằng rất khó để người dùng đòi lại tiền đã bị mất vì thực chất, người dùng khi đã cài phần mềm vào máy thì nghĩa là đã chấp thuận các điều khoản sử dụng của nó, nếu như các điều khoản ấy nói rằng cho phép nó tự động gửi tin nhắn thì xem như bạn đã “cõng rắn cắn gà nhà”. Các nhà mạng sẽ không làm gì hơn vì họ chỉ là nơi cho thuê số máy tổng đài.

Các phần mềm lừa đảo thường viết điều khoản dưới dạng... tiếng Anh và gần như 100% người cài phần mềm luôn nhấn OK khi đến cửa sổ hiển thị nội dung các điều khoản này. Nguy hiểm hơn, hiện có rất nhiều tổ chức nguồn gốc từ nước ngoài cũng phát triển những phần mềm lừa đảo như vậy rồi “thả” vào Việt Nam, họ cũng đăng ký những số thuê bao tổng đài tại Việt Nam và trong trường hợp như vậy, sẽ không bao giờ bạn có thể đòi lại tiền đã bị mất.
Theo Tùng Trinh - Hương Vương (TG@ / VNN)

Đọc thêm