Lừa bán sim đẹp qua mạng

Cuối tháng 3, anh Vũ, nhân viên một công ty máy tính TP HCM đăng tin cần mua sim điện thoại 093xxxx081 theo số năm sinh tại chuyên mục sim - số đẹp và linh kiện mobile thuộc diễn đàn 5s. Sau một ngày đăng tin, anh Vũ nhận được tin nhắn chào hàng từ số điện thoại 098395xxxx. Người giao dịch với anh Vũ xưng tên là Tuấn ở Kiên Giang. Để tiện trao đổi, người bán muốn chat với anh Vũ qua nick Yahoo! Đồng thời, người này cũng gửi cho anh Vũ các đường link bán hàng của mình trên nhiều website rao vặt như canthoinfo.com, muaban.com, vatgia.com, raovat123.com.

Những chủ đề sim số đẹp, sim đại gia của người bán này dày đặc hàng số VIP với đủ các mức tiền từ một triệu đồng đến 5 triệu đồng. Thậm chí, nhiều số tứ quý còn được rao bán với giá lên tới 20 triệu đồng.

Lừa bán sim đẹp qua mạng ảnh 1
Topic kiện người được cho là hay lừa đảo bán sim.

Người bán giải thích với anh Vũ vì là đại lý sim, thẻ nên có nguồn cung cấp số đẹp. Ngoài ra, ông ta cũng khẳng định đã buôn bán sim, thẻ được 4 năm và rất có uy tín trên cộng đồng dân cư mobile. Qua lời khẳng định uy tín "chắc như đinh đóng cột" của một người lớn tuổi, anh Vũ cũng phần nào yên tâm.

Tuy nhiên, để đảm bảo sim 093xxxx081 chưa có ai sở hữu, anh Vũ gọi điện vào số máy này thì thấy không liên lạc được. Yên tâm với thông tin của người bán, anh Vũ thương lượng giá số điện thoại 093xxxx081 từ 1.200.000 đồng xuống còn 900.000 đồng. Người bán hứa sẽ gửi phát nhanh miễn phí sau khi nhận được tiền qua tài khoản ngân hàng.

Anh Vũ chuyển khoản vào ngày 22/3 nhưng chờ đợi suốt một tuần sau vẫn không thấy bóng dáng sim số đẹp và hồi âm từ người bán. Sốt ruột, anh Vũ gọi lại với người bán thì thuê bao không liên lạc được. Anh điện lại vào số điện thoại muốn mua thì chủ thuê bao số 093xxxx081 nhấc máy. Qua trao đổi, anh Vũ được biết chủ nhân số điện thoại đang ở Hà Nội và đã dùng số này 3 năm. Anh này cũng cho biết chưa từng đăng tin rao bán số điện thoại và hoàn toàn có thể chứng minh quyền sở hữu vì hiện nay sim điện thoại đã được đăng ký.

Lừa bán sim đẹp qua mạng ảnh 2

Giấy nộp tiền của anh Vũ. Ảnh: P.T.

Biết bị lừa, anh Vũ đăng chủ đề khiếu nại trên diễn đàn 5s thì nhận được nhiều comment phản ánh của các thành viên khác. Cộng đồng dân cư mạng mobile chia sẻ Tuấn đã có nhiều vết đen trên các diễn đàn. Người này chuyên tìm đọc các mẩu tìm sim số đẹp của người cần mua sau đó tiếp cận và lừa người mua chuyển khoản tiền trước. Đa phần, các nạn nhân sau khi bị lừa thưởng chỉ lập topic cảnh báo chứ không báo công an vì nghĩ rằng khoản tiền bị lừa không lớn.

Anh Quang ở Hà Nội cũng bức xúc kể lại câu chuyện xảy ra hồi cuối tháng 2. Do phải thường xuyên liên lạc với nhiều đối tác khác nhau nên anh nghĩ đến việc phải tậu cho mình một chiếc sim số đẹp. Sau một tuần săn lùng trên mạng và các cửa hàng điện thoại di động, anh Quang đã tìm ra được cho mình chiếc sim 0943300... dễ nhớ và hợp phong thủy. Giá chào bán cho chiếc thẻ sim này là 8 triệu đồng.

Sau khi liên lạc, hẹn gặp và thỏa thuận được mức giá vừa ý, anh Quang yên tâm trả tiền. Sau 2 ngày sử dụng, điện thoại của anh bỗng chết bất đắc kỳ tử, gọi đến máy báo tạm ngừng liên lạc. Hỏi ra mới biết rằng khi mua sim anh Minh đã sơ ý không đăng ký thông tin cá nhân. Kết quả là khi khiếu nại với nhà mạng, anh nhận được câu trả lời sim này đã bị khai báo... mất, hủy bỏ và cấp lại cho người khác.

Giải thích về hiện tượng này, anh Dư chủ một đại lý kinh doanh sim thẻ cho rằng do các mạng di động đều có dịch vụ hỗ trợ lấy lại sim trong trường hợp đánh rơi, mất trộm. Với sim số thường thì chỉ cần khai báo 5-10 số thuê bao vừa gọi đi - đến, đối với những sim số đẹp thì cần nhiều hơn. Chính từ khe hở này các kẻ lừa đảo đã dùng một chiếc hộp kích hoạt sim để kích hoạt cả thẻ sim mới tinh vẫn nằm trên thẻ nhựa, sau đó thực hiện các cuộc gọi đi - đến rồi bán lại cho khách hàng. Nhận tiền rồi chúng chỉ cần ra đại lý các mạng di động khai báo mất sim, vậy là chiếc sim số khách vừa mua trở thành sim trắng, đồng nghĩa với vô giá trị sử dụng.

Theo anh, đối với các giao dịch mua bán qua mạng, nếu người bán chủ tâm lừa đảo thì chắc chắn khoảng 90% khách hàng sẽ bị mắc bẫy. Do vậy, nguyên tắc khi mua sim là phải "tiền trao, cháo múc", không nên chuyển tiền trước nếu không biết rõ người bán là ai, ở đâu, số điện thoại di động và cố định thế nào. Đồng thời, khi sở hữu sim rồi, phải đảm bảo thông tin về sim là bảo mật và luôn đăng ký trả sau cho những sim số đắt tiền.

"Với những sim số có giá trị lớn, khi đăng ký trả sau người dùng có thể khai báo đầy đủ thông tin cá nhân. Những thông tin này sẽ làm bằng chứng để người dùng khiếu nại khi xảy ra trường hợp bị mất sim", anh Dư nói.

Theo Hồng Anh - Phương Thảo (VNE)

Đọc thêm