Lãnh đạo CNTT "đặt cược" vào điện toán đám mây

Lãnh đạo CNTT "đặt cược" vào điện toán đám mây ảnh 1

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Trao đổi với phóng viên, ông Chu Tiến Dũng (Chủ tịch Công viên phần mềm Quang Trung) cũng khẳng định điện toán đám mây “chắc chắn là một xu thế tất yếu” của ngành công nghệ thông tin.

Đồng tình, ông Joshua Soh, Giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ Công nghệ Toàn cầu của IBM Việt Nam cho hay, cuộc khảo sát của IBM với hơn 3.000 CIO trên thế giới cho thấy, có tới 60% các CIO được hỏi đang ứng dụng công nghệ điện toán đám mây.

“Nếu như năm 2009, các CIO vẫn đang ở trạng thái thăm dò thì giờ đây họ đã thực sự triển khai không chỉ trong nội bộ mà còn kết nối với các tổ chức, đối tác và khách hàng của mình,” ông Soh nói.

Ông Đào Gia Hạnh, Giám đốc Dự án Điện toán đám mây FPT khẳng định, ứng dụng công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh nghiệp vụ với hạ tầng công nghệ linh hoạt, dễ dàng mở rộng, thu hồi hoặc luân chuyển tài nguyên. Bên cạnh đó, đám mây cũng giúp tối ưu hiệu năng hạ tầng, giảm bớt nhân lực vận hành, giảm mua sắm thiết bị…

Với công dụng và xu hướng trên thế giới đã rõ, tại Việt Nam, điện toán đám mây bắt đầu được các doanh nghiệp, bộ ngành chú trọng. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Công ty cổ phần Tài chính dầu khí Việt Nam… đã áp dụng công nghệ này.

Trước đó, năm 2009, Công viên phần mềm Quang Trung cũng đã hợp tác với IBM xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây giúp củng cố và hợp nhất tất cả các dữ liệu của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến thời điểm hiện tại, công nghệ này giúp các đơn vị quản lý chuyên nghiệp và an toàn hơn. So với triển khai các hệ thống công nghệ khác, công nghệ điện toán đám mây sẽ giúp rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí. Ông Dũng tin tưởng, đây sẽ là mô hình tốt để nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, hiện tại việc ứng dụng công nghệ này trong các doanh nghiệp ở Việt Nam mới đang ở bước khởi đầu khá rụt rè.

Ông Joshua Soh cho rằng, đây cũng là điều bình thường, bởi điện toán đám mây cũng mới chỉ phát triển rầm rộ trên thế giới khoảng 5 năm trở lại đây. Do đó, nhiều người sợ mình sẽ là nạn nhân đầu tiên khi ứng dụng.

Còn theo ông Dũng, nhận thức chính là rào cản lớn nhất cho việc ứng dụng điện toán đám mây. Nó thể hiện qua cách thức thay đổi quản lý về sử dụng ngân sách, về an toàn thông tin.

“Sử dụng điện toán đám mây, xài cái nào trả tiền cái đó, ra kết quả mới trả tiền sẽ tiết kiệm lớn cho ngân sách. Đem so sánh với việc mua về và sử dụng rồi mới biết kết quả thì rõ ràng khác nhau,” ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó, nếu xem điện toán đám mây là dịch vụ kinh doanh thì khi mô hình kinh doanh thay đổi, nhận thức cũng phải thay đổi, hướng tới đáp ứng nhu cầu và người dùng cuối. Người dùng phải chuyển từ nhận thức sở hữu sang sử dụng dịch vụ.

Theo các chuyên gia, điện toán đám mây cũng không hẳn đã hoàn hảo khi trong quá trình hoạt động có thể gặp một số rủi ro như sự cố liên quan đến máy chủ, gây gián đoạn truy cập. Chất lượng dịch vụ lưu trữ kém khiến truy cập khó khăn, sự phá sản hay ngừng hỗ trợ từ nhà cung cấp dịch vụ…

Bởi vậy, thay vì cách tiếp cận riêng lẻ, các doanh nghiệp khi ứng dụng điện toán đám mây cần một chiến lược toàn diện để đảm bảo khả năng tương tác, ổn định, anh ninh bảo mật và tính toàn vẹn. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ củ các nhà cung cấp uy tín để vạch ra kế hoạch triển khai hợp lý./.
Hiểu một cách đơn giản, điện toán đám mây là việc ảo hóa các tài nguyên tính toán và các ứng dụng. Theo đó, các nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ... sẽ nằm tại các máy chủ ảo (đám mây) trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng (trên mặt đất) để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi họ cần.

Giả dụ, một đơn vị muốn xây dựng một trang web, trước đây phải đi thuê hoặc mua máy chủ, sau đó đặt máy chủ tại các trung tâm dữ liệu. Nhưng nếu sử dụng điện toán đám mây, đơn vị đó sẽ không phải đi thuê, mua mà chỉ cần đưa ra yêu cầu, hệ thống sẽ gom nhặt tài nguyên để đáp ứng.

Theo Trung Hiền (Vietnam+)

Đọc thêm