Lại xuất hiện nỗi lo điện thoại quốc tế lậu

Lại xuất hiện nỗi lo điện thoại quốc tế lậu ảnh 1

Việt Nam có thể thu thêm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm nhờ việc nâng mức cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về.

Giá tăng, chắc chắn lậu sẽ nhiều

Những nỗ lực quản lý của Bộ TT&TT cùng sự quyết tâm thực hiện nâng cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về của các doanh nghiệp viễn thông mà đi đầu là Viettel đang có tác động tốt đến thị trường này. Tại thời điểm tháng 9/2012 thì các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam thu của đối tác nước ngoài khoảng 2,6 cent/phút (trong khi đó giá quy định của Bộ TT&TT là 4,1 cent/phút). Đến tháng 11, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy giá lên đúng quy định của Bộ TT&TT là 4,1 cent/phút và thời điểm này bắt đầu nâng lên mức 5,1 cent/phút. Hiện trung bình Việt Nam có 3 tỷ phút lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về và như vậy việc tăng giá đã đem về cho Việt Nam thêm khoảng 75 triệu USD (tương đương với 1.600 tỷ đồng/năm).

Một doanh nghiệp cung cấp kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về cho biết là mức bình quân trên thế giới hiện nay khoảng 10 – 12 cent/phút. Như vậy, cho dù các doanh nghiệp của Việt Nam đã nâng gấp đôi cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về nhưng xem ra vẫn còn ở mức “khiêm tốn” so với mặt bằng chung của thế giới. Tại buổi họp mới đây với các doanh nghiệp viễn thông, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, đã có công ty tư vấn nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm rằng có thể đưa cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về của Việt Nam lên từ 10 đến 12 cent/phút. Tuy nhiên, để làm được như vậy thì phải quản lý được giá cước kết nối dịch vụ VoIP quốc tế chiều về. “Lưu lượng quốc tế chiều về của Việt Nam có khoảng 3 tỷ phút/năm, nếu chúng ta nâng lên được 10 cent/phút thì sẽ thu về vài trăm triệu USD/năm. Tuy nhiên, nếu để cước kết nối điện thoại quốc tế chiều về quá cao thì có thể người ta sẽ sử dụng Skype hoặc Viber (các phần mềm gọi điện thoại miễn phí qua Internet-PV) vì Việt Nam có Wifi miễn phí khắp nơi”, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông nói.

Chia sẻ với Báo Bưu điện Việt Nam sau khi các doanh nghiệp viễn thông đồng loạt nâng cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, đại diện CMC cho biết, trước đây khi các doanh nghiệp viễn thông thu của các đối tác nước ngoài có 2,6 cent/phút, gần như bằng với giá thành, nên chuyện kinh doanh điện thoại quốc tế lậu gần như không còn. Thế nhưng, với thực tế hiện nay khi cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về được nâng lên 5,1 cent/phút và có thể sẽ được các doanh nghiệp đầu tàu như Viettel, VNPT đẩy tiếp lên nữa thì chắc chắn điện thoại quốc tế lậu sẽ quay trở lại. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tính đến yếu tố này để đẩy mạnh quản lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ ra lạc quan hơn vì hiện nay khả năng chuyển lưu lượng quốc tế lậu về qua mạng công cộng khó khăn hơn do Việt Nam đã siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng khống chế số lượng SIM trên mỗi doanh nghiệp không quá 100 SIM nên sẽ hạn chế được việc các đối tượng xấu chuyển lưu lượng quốc tế về qua SIM di động trả trước như mấy năm vừa qua.

Doanh nghiệp cần phải bắt tay nhau

Cho dù hiện tại các doanh nghiệp viễn thông đã nâng được cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, thế nhưng chuyện giữ giá dịch vụ này xem ra vẫn còn khá mong manh. Về cơ bản hiện nay, giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về đang phụ thuộc vào Viettel và VNPT sau khi hai đại gia này đưa ra hình thức khống chế thị phần của các doanh nghiệp nhỏ cung cấp dịch vụ này qua kênh kết nối với mạng công cộng của họ. Công bằng mà nói thì việc phân chia lưu lượng cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về sẽ phải do một tổ chức độc lập như Hiệp hội Viễn thông phân chia cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, với thực tế hiện nay thì việc phân chia kiểu như vậy được xem là phương án khả thi nhất để cải thiện tình hình cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về. Các doanh nghiệp viễn thông còn mong muốn Bộ TT&TT đưa ra chính sách cứng rắn hơn như có thể rút giấy phép đối với doanh nghiệp phá giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về.     

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, Viettel Telecom cho rằng với thực lực hiện nay thì Viettel và VNPT sẽ giữ 80% thị phần cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về, 20% còn lại cơ bản sẽ chia cho các doanh nghiệp nhỏ như FPT, CMC và Hanoi Telecom. Còn lại một số doanh nghiệp viễn thông nhỏ khác đã rút khỏi thị trường này trước đó với nhiều lý do. Đồng tình với quan điểm này, đại diện FPT Telecom cho rằng phương án của Viettel phù hợp trong điều kiện hiện nay. “Các doanh nghiệp không thể để bán bằng giá thành để không có lãi được. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ phương án của Viettel để giữ cho thị trường ổn định và tránh trường hợp các doanh nghiệp nhỏ phá giá”, đại diện FPT Telecom nói. Cũng như FPT Telecom, phía CMC cũng đồng tình với phương án trên của Viettel và VNPT. Tuy nhiên, các doanh nghiệp viễn thông nhỏ cho rằng các doanh nghiệp cùng cung cấp dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về nên ngồi lại với nhau xác định lại thị phần cụ thể của các doanh nghiệp viễn thông nhỏ qua kênh kết nối.

Cho dù thị trường dịch vụ kết nối điện thoại quốc tế chiều về đang có tiến triển tốt, nhưng còn ẩn chứa trong đó yếu tố thiếu bền vững và ở chừng mực nào đó vẫn chưa lành mạnh. Về lâu dài vẫn cần một tổ chức như Hiệp hội Viễn thông để giải quyết những vẫn đề liên kết doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Có lẽ, Bộ TT&TT lại phải cất công lần nữa để thúc đẩy hình thành hiệp hội này sau một số lần nói đến nhưng chỉ như chuyện “ném đá ao bèo”.

Theo Thái Khang (ICTnews)

Đọc thêm