Khủng hoảng đã đảo ngược định luật Moore

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã làm đảo ngược định luật này.

Phát biểu của Gordon Moore, người đồng sáng lập tập đoàn Intel, thường được diễn đạt theo nghĩa cứ sau mỗi 18 tháng, với cùng khoản tiền bỏ ra, người tiêu dùng sẽ mua được một bộ vi xử lý mạnh gấp đôi.

Trong nhiều năm qua, ngành công nghệ thông tin phát triển đúng theo định luật này. Máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động cứ thay nhau lên đời, thế hệ sau mạnh hơn thế hệ trước mà giá không đổi. Những cuộc cải tiến trong ngành xoay quanh chuyện nâng cấp và người tiêu dùng cứ phải chạy theo tốc độ xử lý ngày càng mạnh của máy móc trong khi nhu cầu thật sự của họ không thay đổi bao nhiêu.

Khủng hoảng đã đảo ngược định luật Moore ảnh 1Máy móc nhanh chóng lạc hậu; lời quảng cáo thật hấp dẫn của một loại máy nếu 18 tháng sau đọc lại sẽ thấy rất buồn cười. Không ai tính được toàn nhân loại tiêu phí biết bao nhiêu nguyên vật liệu, nhân công và đủ loại chi phí khác, kể cả chi phí môi trường cho cuộc chạy đua theo tốc độ xử lý này.

Nhưng nay tình hình đã khác. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đã buộc các nhà sản xuất hiểu định luật Moore theo kiểu ngược lại. Thay vì với một mức giá không thay đổi, người tiêu dùng được chào mời loại máy nhanh gấp đôi, thì nay họ chỉ chấp nhận một tốc độ máy không đổi nhưng giá chỉ còn một nửa.

Minh họa rõ nhất cho xu hướng này là các loại máy tính netbook. Máy netbook hiện nay bị chê là yếu, cả về tốc độ xử lý cũng như dung lượng bộ nhớ. Nó chỉ tiện dụng cho người nào dùng nó để xử lý văn bản bình thường, vào mạng, kiểm tra thư điện tử.

Nhưng cứ thử so sánh một netbook tiêu biểu hiện nay với một máy tính xách tay cách đây hai ba năm - chúng hoàn toàn ngang ngửa về nhiều phương diện, trừ giá cả.

Một netbook rẻ nhất chỉ vào khoảng hai ba trăm Đô la trong khi cũng một máy như thế cách đây vài ba năm có giá cả ngàn Đô la. Các nhà sản xuất không dám quảng bá mạnh chuyện netbook có thể thay thế máy tính xách tay vì sợ ảnh hưởng đến doanh số của loại sau, nhưng thật sự họ có thể sản xuất loại máy đáp ứng yêu cầu của đa số người sử dụng với mức giá rẻ đến bất ngờ.

Hiện nay, cuộc đua tranh trong phân khúc netbook ắt sẽ dẫn đến loại máy không thể xếp hẳn vào netbook hay laptop vì chỉ cần cho màn hình lớn hơn một chút, bộ vi xử lý mạnh hơn một chút, ổ cứng nhiều hơn một chút là không còn ranh giới nào giữa hai dòng máy này.

Nếu netbook là xu hướng nổi bật trong năm 2008 thì năm nay việc áp dụng định luật Moore theo kiểu đảo ngược sẽ xảy ra trong nhiều loại máy móc khác. Điện thoại di động giá rẻ nhưng vẫn có những chức năng “cao cấp” (ở những năm trước) như chụp hình, nghe nhạc… sẽ chiếm lĩnh thị trường. Không còn nhà sản xuất nào dám tung ra các loại máy giá cả ngàn Đô la như những năm trước. Máy tính để bàn cũng sẽ theo xu hướng này như việc đưa chip Atom giá rẻ vào dòng máy này trong thời gian gần đây.

Việc đảo ngược định luật Moore cũng đang diễn ra trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ phần mềm. Microsoft đã thất bại với Vista vì nó quá bóng bẩy, ngốn tài nguyên, đòi hỏi phần cứng mạnh và “vô bổ” với đại đa số người sử dụng. Ý thức được sai lầm của mình, Microsoft đang dồn sức cho Windows 7 sớm ra đời ngày nào tốt ngày đó với lời hứa hẹn hệ điều hành mới nhất này sẽ đơn giản, tiện dụng cho người sử dụng, xài được ngay cả trên netbook và có giá phải chăng.

Các phần mềm thay thế cho bộ Office vừa đắt tiền vừa cồng kềnh cũng đang được phổ biến dần như Google Doc. Ngay cả cuộc chiến giữa định dạng video chất lượng cao Blu-ray hay HD-DVD hồi năm ngoái nay cũng trở nên vô nghĩa vì người ta sẽ quay sang dùng phim HD tải từ mạng xuống ổ cứng.

Những gì đang diễn ra ở hai lĩnh vực phần cứng và phần mềm lại có tác dụng tương tác lên nhau khá mạnh. Phần mềm đơn giản hơn sẽ không đòi hỏi nâng cấp phần cứng – phần cứng rẻ hơn với tốc độ tương đương sẽ yêu cầu phần mềm đơn giản hơn.

Như vậy, định luật Moore cho đến lúc này vẫn còn đúng nhưng theo hướng ngược lại trước: người ta muốn giá giảm chứ không cần tốc độ xử lý tăng.

Theo Thời báo vi tính Sài Gòn

Đọc thêm