Khởi nghiệp online: Không dễ ăn!

Bây giờ, người khởi nghiệp không còn nỗi lo đi sông ra biển mồ côi một mình nữa rồi. Vô số tổ chức quốc gia và quốc tế đã được thành lập để hỗ trợ những người khởi nghiệp, thậm chí cả về vốn chứ không phải chỉ có phương tiện và kỹ năng. Còn các dịch vụ khởi nghiệp thì nhiều như nấm sau mưa.

Tưởng dễ ăn mà lại là khó nuốt

Như đã nói, chỉ cần có ý tưởng là bạn có thể khởi nghiệp được ngay với cây đũa thần online. Nhưng thực tế thì bạo phát bạo tàn, càng dễ dựng lên bao nhiêu càng có nhiều nguy cơ sụp đổ bấy nhiêu. Sinh thì dễ, dưỡng mới khó và sinh lời càng khó hơn.

Trên môi trường mạng, cái hiện tượng trớ trêu trong kinh doanh là làm chơi ăn thiệt, làm thiệt sạt nghiệp dễ xuất hiện hơn. Vô số các nhà kinh doanh có đầu óc bao la bát ngát với những ý tưởng vươn ra khỏi Thái Dương Hệ, xây dựng những website hoành tráng bán các loại hàng cao cấp cũng chỉ sống được chưa hết một suất “cúng thất”. Không ít trong đó trở thành những “zombie” (xác sống) vật vờ trên mạng trôi theo dòng thời gian. Trong khi đó, có những người khởi nghiệp bằng những ý tưởng có thể gọi là “tào lao”... hay từ những món hàng chạp phô lục cục lòn hòn lại thắng lợi vẻ vang.

Tạp chí kinh doanh Mỹ nổi tiếng Forbes đã đưa ra những con số thống kê, không phải để làm nản lòng chiến sĩ mà chủ yếu cảnh tỉnh những ai sống ảo. Trên thế giới chỉ có 10% những nhà khởi nghiệp thành công. Trong số 90% dự án khởi nghiệp thất bại đó, có 30% chết ngay lập tức và 60% sống mà như chết. Một báo cáo của CB Insight cho biết tính chung có 71% dự án khởi nghiệp phải phá sản sau ít hơn hai năm kể từ khi hoàn thành vòng huy động vốn đầu tiên và tính trung bình các doanh nghiệp khởi nghiệp rút khỏi thị trường sau 20 tháng chào đời.

Các chuyên gia tốn nhiều công sức để giải mã cái ẩn số nhan nhản trong thế giới kinh doanh: Làm cùng quy mô, cùng mặt hàng nhưng chị X tiền vô như nước, còn các anh Y, anh Z... vốn liếng bị “lạc trôi”.

Giới chuyên gia giải thích lý do cơ bản mà hầu hết các nhà khởi nghiệp thất bại là họ bán cái mà người ta không muốn mua và họ bán theo cách mà người khác không thích dùng.

Khởi nghiệp online muốn thành công phải cần những ý tưởng lạ và được nhiều người thích. Ảnh: INTERNET

Nhưng đừng nản lòng

Công ty khởi nghiệp tiếp thị số Dijiwan ở Bordeaux (Pháp) vào tháng 1-2012 đã huy động được 500.000 euro từ các nhà đầu tư công nhưng tới tháng 9-2012 đã phải làm thủ tục phá sản. Vụ này đã trở thành một trong những điển hình (case study) về khởi nghiệp thất bại được tham chiếu nhiều nhất. Các nhà lãnh đạo Dijiwan rút ra được bài học: “Có một ý tưởng sản phẩm tốt và một đội ngũ kỹ thuật mạnh mẽ cũng chưa là một bảo đảm cho doanh nghiệp bền vững. Người ta phải không được phớt lờ tiến trình doanh nghiệp và các vấn đề của một công ty bởi vì nó không phải là việc của họ”. Trong bài chia sẻ kinh nghiệm “Vì sao doanh nghiệp khởi nghiệp chúng tôi thất bại?” của giám đốc kỹ thuật của Dijiwan có hơn 16 triệu lượt đọc, ông này thú nhận mình chưa bao giờ truy cập các kết quả kế toán của công ty. Ông đã không có hành động gì bởi vì không bao giờ nghĩ công ty mình lại thất bại và chết nhanh đến như vậy.

Nửa đùa nửa thiệt khi nói rằng bạn may mắn là người đi sau vì có thể học được kinh nghiệm của 90% những người đi trước bị vấp ngã. Một là không để cho doanh nghiệp phát triển quá nóng, nhanh, vượt quá tầm kiểm soát của bạn. Hai là chi tiêu và đầu tư cẩn trọng và đúng kế hoạch để không bị đứt vốn nửa chừng hay khi sắp lên tới đỉnh. Ba là luôn suy nghĩ những điều mới lạ và tạo sự khác biệt mà chúng đem lại lợi ích cho khách hàng và làm khách hàng thấy “sướng” hơn đối thủ của bạn. Bốn là đội ngũ phải biết cách để khắc phục các sự cố và thậm chí phục hồi khi sụp lỗ chân trâu.

Bất luận thế nào bạn cứ mạnh dạn mà khởi nghiệp khi chung quanh đang có quá nhiều bàn tay nâng đỡ bạn. Chỉ có điều bạn chớ quá ảo tưởng và đừng bao giờ nản lòng, bỏ cuộc chơi khi thất bại. Tương lai luôn nằm trong tay những người biết “failing-forward” (ngã xuống mà vẫn đứng lên để đi tiếp), nhất là khi bạn có nguồn vốn trời cho là sức trẻ.

Làm cả dịch vụ cho chuyện khởi nghiệp

Hiện nay, chuyện khởi nghiệp đang trở thành trào lưu mạnh mẽ trong giới trẻ, trong đó có cả những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trợ giúp người khởi nghiệp. Haravan của Việt Nam là một thí dụ. Họ cung cấp tất tần tật từ A tới Z các thứ mà người khởi nghiệp cần để có thể bắt đầu làm ông chủ, bà chủ cửa hàng ngay và luôn, kể cả đội ngũ chuyên gia sẵn sàng tư vấn, gỡ rối tơ lòng thòng cho người mới khởi nghiệp.

Đọc thêm