Khó cấm việc chia sẻ nhạc trên Net

Vô cảm?

Theo dự thảo luật mà Quốc hội Anh đang xem xét và rất có thể sẽ được thông qua, những thuê bao Internet cố tình vi phạm luật bảo vệ bản quyền âm nhạc bằng việc chia sẻ với người dùng hoặc thuê bao khác những tác phẩm có bản quyền (vi phạm đến lần thứ 3) sẽ bị cắt đường truyền trong ít nhất là một năm và có thể bị phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm.

Thông thường, với các dự luật kiểu này sẽ được các tác giả có tác phẩm “hoan nghênh nhiệt liệt” bởi nó sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhưng chuyện “ngược đời” đang xảy ra trong nội bộ ngành công nghiệp âm nhạc Anh khi có một nhóm các nghệ sỹ tên tuổi nhất lại liên minh với nhau để phản đối dự luật này. Mối bất hòa giữa các nghệ sỹ Anh đang ngày càng lớn hơn và đe dọa trực tiếp đến số phận của dự luật.

Cuộc chiến xảy ra giữa một bên là các nghệ sỹ nổi tiếng do Billy Bragg, Annie Lennox và cả ban nhạc rock Pink Floyd dẫn đầu và phía bên kia là Hiệp hội các hãng thu âm và Hiệp hội các nhạc sỹ Anh.

Khi Quốc hội và Chính phủ Anh quyết định đưa dự luật này ra lấy ý kiến quần chúng, những cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra. Liên minh của Lennox, Bragg và Pink Floyd cho rằng dự luật đó sẽ “giết chết” lĩnh vực âm nhạc bởi cách ly thính giả với các tác phẩm âm nhạc đồng thời sẽ tội phạm hóa những người hâm mộ.

Không chỉ bị nhóm nghệ sỹ kia phản đối, Hội liên hiệp các nghệ sỹ thành danh của Anh (FAC) cũng lên tiếng phản đối dự luật này bởi theo họ sẽ rất khó xác định tính chính xác của bằng chứng cho rằng hành vi “chia sẻ nhiều lần” đã diễn ra. Đồng thời FAC cũng cho rằng chính những người chia sẻ nhiều cũng là những người nhiều lần bỏ tiền ra mua các tác phẩm âm nhạc.

Quan điểm này ngay lập tức bị phần còn lại của ngành công nghiệp Anh phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng các nghệ sỹ có tên tuổi đã quá thờ ơ với số phận của những nghệ sỹ kém nổi tiếng và có thu nhập thấp.

Một số người còn tỏ ra lo ngại rằng chính những cuộc tranh cãi liên miên này sẽ khiến luật “cắt Internet” sẽ đổ vỡ và kéo theo đó là cuộc chiến bảo vệ bản quyền của nhiều lĩnh vực khác trên Internet cũng vì thế mà thất bại theo.

Fran Nevrkla, người đứng đầu Hiệp hội âm nhạc hoàng gia Anh (PPL) cho rằng FAC đã quá “ngây thơ và trở thành những kẻ phá hoại tồi tệ” khi lên tiếng phản đối dự thảo luật này.

“Tất cả họ đang giống như những kẻ khờ khạo. Đây không phải là một sự bất hợp tác mà là hành vi phá hoại thực sự. Tôi ước rằng mình có thể hiểu được sự chống đối này của họ nhưng chúng tôi đã siết chặt đội ngũ và trong vòng 12 tháng nữa một đạo luật hoàn chỉnh sẽ được ra đời”, Fran Nevrkla nói.

Nevrkla còn nhấn mạnh rằng 90% trong tổng số 42.000 thành viên của PPL có mức thu nhập chưa đến 15.000 bảng mỗi năm và FAC đang tỏ ra quá vô cảm với những người này.

Tiếng nói của họ không thể phản ánh nguyện vọng của giới nhạc sỹ và nghệ sỹ Anh. Quan điểm của họ càng không được đa số chia sẻ”, ông chủ tịch PPL khẳng định.

Hay “dùng búa tạ để bóc lạc”?

Dave Rowntree, một tay trống của ban nhạc Blur đồng thời là một thành viên của FAC đã gọi dự luật này là hành vi “dùng búa tạ để bóc lạc”.

“Với toàn bộ lĩnh vực âm nhạc, càng có nhiều thính giả càng tốt”, Rowntree nói, “Trong một ngành công nghiệp được cho là giàu chất sáng tạo như thế này mà họ lại định tiếp cận vấn đề một cách không hề sáng tạo”.

Trong khi đó Hiệp hội nhạc sỹ Anh cũng thừa nhận các thành viên của mình vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khá đa dạng về vấn đề chia sẻ file nhạc trên Internet. Tổng thư ký của hiệp hội, John Smith cũng cho biết ông cũng rất thông cảm với FAC nhưng cho rằng cách nhìn của họ còn hơi phiến diện.

Trong khi các bên vẫn tiếp tục tranh cãi chuyện ai có lợi, mới đây Nghị viện châu Âu đã ra một quyết định cấm các chính phủ, các nhà cung cấp Internet cắt kết nối của người dân khi chưa có bằng chứng rõ ràng và cụ thể đồng thời phải được xét xử công khai.

Với người dùng Anh, dự luật này còn chưa tính đến những yếu tố mang tính kỹ thuật như có thể ai đó bị “xử oan” khi địa chỉ IP của họ bị kẻ khác sử dụng để chia sẻ file, trong khi đó những kẻ cố tình vi phạm hoàn toàn có thể lách luật bằng cách sử dụng các điểm truy cập Internet công cộng hay sử dụng các kỹ thuật cao cấp nhằm giấu kín IP của họ khi chia sẻ file.

Theo ICTnews (Telegraph)

Đọc thêm