Khi đại gia công nghệ “nhận xằng”

Khi đại gia công nghệ “nhận xằng” ảnh 1
Apple đã kiện Amazon vì "dám" sử dụng cụm từ "app store"

Microsoft kiện Apple còn Apple lại “đội đơn” đi kiện Amazon vì đã “dám” sử dụng cụm từ “app store” (kho, cửa hàng ứng dụng). Cả thế giới công nghệ chợt cảm thấy buồn cười vì cái mà họ đang “đánh nhau vỡ đầu” để tranh giành ấy lại là ngôn từ thông thường được sử dụng hàng ngày của cả thế giới.

Ngược dòng một chút, cũng phải công nhận rằng Apple đã là hãng công nghệ đầu tiên “thổi hồn” vào cụm từ App Store bằng việc ra mắt một cửa hàng ứng dụng dành riêng cho dòng điện thoại iPhone và iPod Touch của họ hồi tháng 7/2008. Tuy nhiên, sự rắc rối bắt đầu nảy sinh khi họ quyết định đăng ký bảo hộ độc quyền sử dụng cụm từ này. Ngay lập tức, Microsoft - hãng phần mềm lớn nhất thế giới đã lên tiếng phản đối với lập luận rằng đó là một cụm từ có nghĩa rất chung và được mọi người sử dụng hàng ngày nên không ai có quyền độc chiếm để sử dụng riêng.

Có điều quan trọng hơn, đây không phải là lần đầu tiên các hãng công nghệ lớn nhỏ chơi trò “nhận xằng” này. Người ta còn nhớ, cách đây chưa lâu mạng xã hội Facebook cũng đã nộp đơn đăng ký bảo hộ “thương hiệu” cho một loạt từ thông dụng như “like” (thích); “wall” (tường); “poke” (chọc, ghẹo) và tất nhiên không thể thiếu các từ “face” (khuôn mặt) và “book” (sách)… Hồi năm ngoái, đã có tới 2 hãng công nghệ mới ra đời “dính đòn” của Facebook vì đã dám sử dụng những từ này trong tên gọi của mình. Đó là website về du lịch có tên Placebook và một website về giáo dục có tên là Techbook. Sau khi bị kiện, Placebook đã buộc phải đổi tên còn Techbook vẫn đang tiếp tục đấu tranh.

Nhưng trong trò chơi này, kẻ có thâm niên lâu nhất phải kể đến Microsoft với những thương hiệu độc quyền như Windows, Office và Word. Năm 2004, hệ điều hành nguồn mở trên nền Linux là Lindows đã phải cay đắng đổi tên thành Linspire sau rất nhiều năm chiến tranh không thành với Microsoft.

Christopher Johnson, một chuyên gia về thương hiệu của website Name Inspector nhận xét: “Đang có một phong trào “lấn chiếm đất công” trong nền kinh tế CNTT bởi các công ty đang cố gắng chiếm đoạt những phần thuộc về văn hóa chung của chúng ta”. Còn Laurel Sutton, đồng sáng lập Hãng quản lý và xây dựng thương hiệu Catchword khẳng định rằng Văn phòng Thương hiệu và bản quyền sáng chế Hoa Kỳ đang lạc hậu so với thời cuộc ít nhất 5 năm.

Điều này thể hiện ở việc họ đã quá dễ dãi trong việc cho phép những công ty như Apple tuyên bố sở hữu những từ hoặc cụm từ chung của thế giới. “Tất cả những giấy phép bảo hộ mà họ đã cấp trong những trường hợp như thế này đều không nên có. Trên thực tế, nếu Apple được sở hữu những cụm từ đó, người thiệt hại không phải là Microsoft hay Amazon mà chính là những công ty nhỏ hay người dùng cuối”, bà Laurel lên tiếng cảnh báo.

Nếu xét kỹ hơn một chút nữa về lịch sử, việc Apple khăng khăng đòi độc quyền sử dụng khái niệm “app store” càng trở nên vô lý. Ngày từ khoảng năm 1985, gần như toàn bộ thế giới CNTT và điện toán đã rất thông dụng từ “app” - dạng thức viết ngắn gọn của từ “application” (ứng dụng, phần mềm) và ngay cả trong những lần đầu giới thiệu về App Store của mình, ông Steve Jobs cũng chỉ nhắc đến với cách dùng rất thông thường chứ chưa hề có ý “độc chiếm” cụm từ này.

“Rõ ràng, đây không phải là thứ mà công chúng muốn mà chỉ là cuộc chơi đầy thủ đoạn của các tập đoàn lớn”, Jessica Stone Levy, một luật sư chuyên về lĩnh vực thương hiệu ở Denver (bang Colorado - Mỹ) nói.

Đến lúc này, không ít người ở thung lũng Silicon đang tỏ ra lo ngại khi thấy các đại gia công nghệ quá sa đà vào vấn đề này. “Hãy nhìn lại số tiền bạc, thời gian, công sức mà họ đã đổ vào đây để cướp những từ nhỏ bé của mọi người mới thấy nó lãng phí thế nào. Giá như họ sử dụng những thứ đó để đầu tư vào những hoạt động sáng tạo”, bà Jessica Stone Levy kết luận.

Theo Lê Trí (ICTnews / NYT, Wired)

Đọc thêm